Hùng Dũng chấn thương kinh hoàng: Chơi thể thao xin đừng triệt hạ nhau!

24/03/2021 14:05 GMT+7

Hùng Dũng gặp chấn thương kinh hoàng sau cú đạp cực mạnh của Ngô Hoàng Thịnh. Người hâm mộ bóng đá xót xa cầu nguyện những điều tốt đẹp cho cầu thủ của CLB Hà Nội. Thể thao đẹp, rõ ràng không phải là triệt hạ nhau.

Ai xem lại pha quay chậm tình huống cầu thủ Hùng Dũng gặp chấn thương kinh hoàng tối 23.3 trong trận V-league CLB Hà Nội gặp CLB TP.HCM trên sân vận động Thống Nhất đều thấy sởn gai ốc. Cú đạp cực mạnh của Ngô Hoàng Thịnh đã khiến Hùng Dũng nằm ngay ra sân, ôm mặt kêu đau đớn. Kết quả chụp phim tại bệnh viện cho thấy Hùng Dũng bị gãy hai xương cẳng chân gồm 1/3 dưới xương chày và xương mác của chân phải.
Trong thể thao, chấn thương là điều không thể tránh khỏi, tuy nhiên có những pha chấn thương đến từ việc va chạm, đi bóng ác ý, ra đòn rất “rát” từ phía đối phương. Thể thao là một phần tất yếu trong cuộc sống của rất nhiều người trẻ, làm sao chơi thể thao để khỏe và lối chơi phải đẹp “fair-play”, chứ không phải là triệt hạ lẫn nhau?

Cú đạp của Hoàng Thịnh vào chân Hùng Dũng

Ảnh Khả Hòa

Huấn luyện viên Lưu Ngọc Hùng, người sáng lập Trung tâm bóng đá Ngọc Hùng (Q.12, TP.HCM), cho biết mọi người xem trận bóng đá V-League tối qua, 23.3 có thể thấy rõ pha vào bóng rất mạnh của Hoàng Thịnh vào Hùng Dũng. Có thể thấy đó là một kiểu đá “dằn mặt”, đá cho đối phương “thấy sợ” của Ngô Hoàng Thịnh. Là huấn luyện viên bóng đá, đào tạo mạnh về bóng đá trẻ cho các em học sinh, sinh viên, cựu danh thủ Lưu Ngọc Hùng cho biết trong thể thao, việc người thầy rèn giũa, giáo dục cho các vận động viên trẻ tinh thần thể thao, đạo đức trong thể thao là việc rất quan trọng.
“Với trẻ em, các em chưa hiểu thế nào là triệt hạ đối phương. Các em có thể là mải đi bóng, hiếu thắng và có thể từ đó vô tình dẫn tới các tình huống phạm lỗi. Nhưng người thầy phải là người rèn giũa các em đá bóng đúng luật, ai phạm lỗi phải nhắc nhở nghiêm khắc, kỷ luật răn đe để các em hiểu”, cựu danh thủ Lưu Ngọc Hùng nói.

Trẻ em học bóng đá tại trung tâm bóng đá Ngọc Hùng

Ảnh Thúy Hằng

Theo người sáng lập trung tâm bóng đá Ngọc Hùng, trong thể thao nói chung, bóng đá nói riêng thì việc dạy các người chơi về kỹ thuật và ý thức/đạo đức là phải song hành. Kỹ thuật chơi hay, chơi đúng rồi, thì bên cạnh đó cần dạy về đạo đức, kỷ luật cho các em. Song dạy lý thuyết về đạo đức, kỷ luật trong thể thao rồi, nhưng khi ra sân mỗi người trẻ sẽ bộc lộ tính cách từ cách chơi bóng của họ, người điềm đạm, người cộc cằn, người có tính trả đũa, hơn thua, người hay cự cãi, tỏ thái độ với trọng tài… Tất cả những việc đó, các huấn luyện viên phải quan sát, nhẹ nhàng nhắc nhở, rồi răn đe, chấn chỉnh nghiêm các học trò.
“Khi lối đá thô bạo, việc đá mạnh, đá rát, đá dằn mặt đối phương được các thầy dung dưỡng từ khi trò còn nhỏ, nó sẽ hình thành thói quen của trò và trở thành hành vi khi các em lớn lên”, huấn luyện viên Ngọc Hùng nhấn mạnh.
Bình luận về pha chấn thương kinh hoàng của Hùng Dũng, anh Nguyễn Hoàng Mỹ, 29 tuổi (trú đường An Dương Vương, Q.5, TP.HCM) người tham gia các giải bóng đá phong trào ở TP.HCM, đồng thời là vận động viên karate nhị đẳng huyền đai, cho biết dù là bóng đá hay bất kể môn thể thao nào, đặc biệt các môn có tính va chạm, đối kháng, thì việc bảo vệ đôi chân, đôi tay, tính mạng của đối phương quan trọng như bảo vệ tính mạng của mình vậy.

Người thầy dạy kỹ thuật và cả đạo đức thể thao cho các học trò

Ảnh Thúy Hằng

“Khi tôi tập luyện hay thi đấu, thầy của tôi rất nghiêm khắc việc học viên của mình hiểu về “đạo” bên cạnh rành về “võ”. Mọi sự phạm lỗi, nhất là gây chấn thương, ảnh hưởng sức khỏe đối phương bị kỷ luật nặng, có thể bị truất quyền thi đấu của 1 trận hoặc cả giải. Thể thao luôn tôn trọng lối chơi đẹp, tôn trọng đối phương, dù là bất kể môn nào, do đó, không nên quá hơn nhau vì thắng thua mà có lối chơi xấu, triệt hạ đối phương”, anh Mỹ nói.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Anh Quân, Khoa Y học thể thao, Bệnh viện Nhân dân 115, nhận định với chấn thương của Hùng Dũng sau ca mổ, nghỉ ngơi dưỡng sức, tập luyện đi lại và hồi phục chức năng thì sau khoảng 6 tháng có thể trở lại sân cỏ.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Anh Quân cho biết, nhìn phim chụp xương chân bị gãy sau chấn thương của Hùng Dũng có thể nhận thấy xương bị gãy do cú va chạm trực tiếp. Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Anh Quân, trong thể thao cần sự fair-play, chơi đẹp, chơi tôn trọng đối phương để bảo vệ cho đồng nghiệp. Cần có hình thức kỷ luật nghiêm khắc với vận động viên cố tình chơi xấu đối phương, gây chấn thương nghiêm trọng cho người khác. Bởi với cầu thủ, đôi chân là sự nghiệp, là “nồi cơm” của họ và cả gia đình họ, chưa kể còn ảnh hưởng tới cả đội tuyển quốc gia.

Trong học đường, người trẻ cũng được nhắc nhở về tinh thần thể thao, fair-play, không triệt hạ đối phương

Ảnh Thúy Hằng

Mới đây, trong bài phỏng vấn liên quan sức khỏe học đường, cô Bùi Thị Liên, nhân viên y tế Trường THPT Bình Chánh, H.Bình Chánh, TP.HCM cũng nhấn mạnh, khi các em học sinh chơi thể thao học đường, yếu tố an toàn, vui, khỏe cần được đặt lên hàng đầu. Không nên vì quá gay gắt điểm số, tỷ số để hơn thua, đánh nhau trên sân hay gây chấn thương nặng cho các bạn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.