Hùng Vương Nguyên Lưu Khảo: Dấu ấn Hán, Kinh, Thái, Mường trong Hồng Bàng thị truyện

15/04/2022 06:34 GMT+7

Danh sách Thần Nông thị được Trần Kình trình bày: “Viêm Đế Thần Nông thị… ở ngôi 140 năm, chôn ở Trường Sa… Thần Nông thị lấy con gái Mãng Thủy thị tên là Thính Bạt, sinh Lâm Khôi, nối ngôi làm Viêm Đế, ở ngôi 80 năm”.

Tiếp theo, danh sách nêu: “Lâm Khôi sinh Đế Thừa, ở ngôi 60 năm. Thừa sinh Đế Minh, ở ngôi 49 năm. Minh sinh Đế Nghi, lại gọi là Đế Trực, ở ngôi 45 năm. Nghi sinh Đế Lai, cũng gọi là Đế Khắc, ở ngôi 48 năm. Lai sinh Đế Lí, còn gọi là Đế Cư, ở ngôi 43 năm. Cư sinh Tiết Hành. Tiết Hành sinh Khắc và Hí, đều không ở ngôi đế. Khắc sinh Đế Du Võng. Du Võng sống ở Không Tang, chính sự thúc bách rất gấp,… vì thế chư hầu hai lòng. Bề tôi là Xi Vưu làm loạn. Đế lánh ra ở Trác Lộc. Hữu Hùng quốc quân là Công Tôn Hiên Viên thánh đức cao vời. Chư hầu theo về. Năm thứ 55 thời đế [Du Võng], chư hầu tôn Hiên Viên làm thiên tử, giáng phong Đế ở đất Lộ. Thần Nông thị bèn mất”.

Khương Tăng Hội

Chỉ bắt đầu từ Trần Kình ta mới thấy cách gọi Đế Nghi (các sách khác thường gọi là Đế Trực), Đế Lai (các sách khác thường gọi là Đế Li). Nghi và Trực rất gần nhau về tự dạng, Lai và Li âm đọc tương tự nhau. Do đó, có thể kết luận rằng tác giả Lĩnh Nam chích quái đã rút phả hệ này từ sách của Trần Kình. Thông giám tục biên của Lưu Thứ (1032 - 1078) mà Ngô Sĩ Liên đã tham khảo đưa ra một phả hệ có nhiều điểm khác. Cụ thể: Viêm Đế “ở ngôi 120 năm, có sách nói 140 năm”; “Đế Lâm Khôi, năm đầu là năm Tân Tỵ, ở ngôi 60 năm, có sách nói 80 năm”; “Đế Thừa, năm đầu là năm Tân Tỵ, ở ngôi 6 năm, có sách nói 60 năm; một bản chép Thừa ở trước Lâm Khôi”; “Đế Minh, năm đầu là năm Đinh Hợi, ở ngôi 49 năm”; “Đế Trực, năm đầu là năm Bính Tý, ở ngôi 45 năm”; “Đế Li, có chỗ viết là Đế Khắc, năm đầu là năm Tân Dậu, ở ngôi 48 năm”; “Đế Ai, năm đầu là năm Kỷ Dậu, ở ngôi 43 năm”; “Đế Du Võng, năm đầu là năm Nhâm Thìn, ở ngôi 55 năm”.

Phả hệ này giải thích một thắc mắc của Lê Mạnh Thát: vì sao phả hệ của Lĩnh Nam chích quái lại chọn Đế Minh? Đó là vì có sự nhập nhằng giữa phả hệ đời thứ hai và thứ ba sau Viêm Đế. Tư Mã Trinh kể sau Viêm Đế là Đế Đồi, rồi đến Đế Thừa. Lưu Thứ lại kể ra sự lẫn lộn thứ tự giữa Đế Lâm Khôi và Đế Thừa. Phả hệ chỉ thống nhất từ “cháu ba đời của Viêm Đế” trở đi, tức là Đế Minh. Tác giả Lĩnh Nam chích quái chọn dùng tên Đế Nghi, Đế Lai chứ không phải Đế Trực, Đế Li. Có lẽ do tâm lý “vào trước là chủ”. Ông đã đọc được sách của Trần Kình trước.

Phả hệ Thần Nông thị rõ ràng là một tiếp thu văn hóa Trung Hoa. Thần Nông thị tương ứng với Nhân Hoàng trong quan điểm sáng thế Tam Hoàng của Trung Quốc, địa bàn hoạt động lại dính dáng nhiều đến yếu tố phương Nam. Tiếp nhận nó tức là bổ sung chỗ thiếu khuyết trong quan điểm sáng thế của lịch sử Đại Việt. Lộc Tục nhường đế vị ở Trung Quốc để lánh xuống phương Nam lập nước Xích Quỷ. Lạc Long Quân trở về giải quyết sự quấy phá của Đế Lai từ phương Bắc xuống. Đó chẳng qua là sự diễn giải dài dòng và hoa mỹ của “Nam quốc sơn hà Nam đế cư, tiệt nhiên định phận tại thiên thư”.

Viêm Đế Thần Nông thị. Tranh thời Minh (1503)

T.L

Nguồn gốc Kinh - Mường, Thái của truyền thuyết Trăm trứng

Truyền thuyết về Hùng vương là di sản của người Việt ở đồng bằng Bắc bộ. Phả hệ Thần Nông nơi Kinh Dương vương xuất thân là từ gốc Trung Hoa. Phả hệ mà ta biết ngày nay không thể xuất hiện sớm hơn nửa cuối thế kỷ 14. Vậy chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ phải chăng cũng đã ra đời vào thời điểm đó?

Nhà nghiên cứu Lê Mạnh Thát để ý đến một cải biên của Lục độ tập kinh do Khương Tăng Hội (? - 280) dịch từ tiếng Phạn sang chữ Hán. Ở truyện Bách tử đồng sản duyên, Khương Tăng Hội đã cải biên chi tiết sinh 100 cục thịt trong nguyên bản Phạn văn thành 100 cái trứng, trong khi các bản dịch Trung Hoa tương đương vẫn giữ nguyên là 100 cục thịt. Bằng vào việc Khương Tăng Hội đã ở Giao Châu trước khi đi sang kinh đô nước Ngô, ông cho rằng sự cải biên này là để phù hợp với văn hóa bản địa của những người nghe thuyết pháp. Điều đó hàm ý câu chuyện Trăm trứng nở trăm con đã phổ biến ở Giao Châu chí ít là từ thế kỷ 3.

Lê Mạnh Thát còn muốn đi xa hơn khi cho rằng truyền thuyết lập quốc của VN từ Kinh Dương vương đến thời An Dương vương không gì khác hơn là một ánh xạ của Mahabharata - bộ sử thi vĩ đại của Ấn Độ. Tuy nhiên, không cần đi xa như thế khi tìm nguồn gốc của câu chuyện này. Sự giống nhau với Mahabharata chỉ dừng lại ở motif (tình tiết), còn type truyện (kiểu truyện) Trăm trứng - phân ly đã xuất hiện rất phổ biến trong cộng đồng Kinh - Mường. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.