Dù không rõ thời điểm xuất hiện cụ thể, nhưng Lĩnh Nam chích quái có trước Đại Việt sử ký toàn thư là điều gần như chắc chắn. Trong bộ sử của mình, Ngô Sĩ Liên đã tham khảo Thông giám ngoại kỷ để xác định mối liên hệ huyết thống gần gũi giữa Lạc Long Quân và Âu Cơ.
Thánh Gióng phá giặc Ân |
tranh dân gian Đông Hồ |
Ngô Sĩ Liên kết luận rằng “thế mà kết hôn với nhau, có lẽ vì đời ấy còn hoang sơ, lễ nhạc chưa đặt mà như thế chăng?”. Điều này cho thấy Ngô Sĩ Liên đã thu nhặt chuyện Hồng Bàng thị từ một nguồn nào đó, chứ không phải đã tự sáng tác ra. Là một nhà Nho, Ngô Sĩ Liên hẳn sẽ không tự tạo ra một câu chuyện trái với lễ nhạc, rồi lại trở mặt đi phê phán nó. Khả năng cao là Ngô Sĩ Liên đã chép lại nó từ Lĩnh Nam chích quái.
Những dị thuyết về Âu Cơ và Thánh Gióng
Lĩnh Nam chích quái là bộ sách rất được các nhà làm sách thời trung đại quan tâm. Bởi vì Vũ Quỳnh và Kiều Phú đã mở đường cho sự san định, nhiều người làm sách thời sau cũng bắt tay vào tăng bổ, hiệu chỉnh rồi thậm chí tiểu thuyết chương hồi hóa nó. Hậu quả là ngày nay sách này có vô số dị bản với nội dung và diện mạo khác không đồng nhất, khiến cho việc truy nguyên bản cổ hoặc bản gần với cổ là rất khó khăn. Nhưng nếu đem thông tin của sách này so sánh với Hồng Bàng thị truyện, chúng ta có thể xác định được một vài chi tiết đã có trong những câu chuyện “gốc” của Lĩnh Nam chích quái về thời đại Hùng vương.
Chi tiết thứ nhất là mối quan hệ giữa Âu Cơ với Đế Lai. Hệ thống Lĩnh Nam chích quái chia thành hai quan điểm chính: Âu Cơ là ái nữ của Đế Lai và Âu Cơ là ái thiếp của Đế Lai. Việc nhìn nhận Âu Cơ là ái thiếp giúp giải thích vì sao trong Lĩnh Nam chích quái Lạc Long Quân lại không đặt vấn đề xin cưới Âu Cơ với Đế Lai, mà lại giấu nàng đi và dùng phép thuật đánh lừa những người mà Đế Lai sai đi tìm. Chẳng ai lại đem gả ái thiếp của mình cho người khác cả. Keith Weller Taylor cho rằng Ngô Sĩ Liên đã sửa Âu Cơ từ “ái thiếp” thành “ái nữ”, “có thể là vì các lý do luân lý, vì như vậy Lạc Long Quân không mang tội cướp vợ người khác”. Tuy nhiên, trong các hệ bản Lĩnh Nam chích quái thì “ái nữ” phổ biến hơn so với “ái thiếp”. Đặng Minh Khiêm - người đã được xem cả toàn thư Lĩnh Nam chích quái lục lẫn Đại Việt sử ký toàn thư - giúp ta xác nhận rằng “ái nữ” mới là cách hiểu gốc. Bài thơ vịnh Lạc Long Quân của ông có câu “đế nữ lai tần định quyết tường” (con gái của đế đến làm vợ, ắt là điềm lành).
Trần Kình do Ngu Cầm thời Thanh vẽ |
T.L |
Chi tiết thứ hai là triều đại xảy ra việc Thánh Gióng đánh giặc Ân. Hệ thống Lĩnh Nam chích quái chia thành 3 quan điểm chính: không xác định thứ tự triều đại, đặt nó vào thời Hùng vương thứ ba (tức ngang thời Tiên Dung - Chử Đồng Tử) và đặt nó vào thời Hùng vương thứ sáu. Đại Việt sử ký toàn thư chép chuyện này vào thời Hùng vương thứ sáu.
Nguồn gốc phả hệ Thần Nông
Phả hệ Thần Nông là điểm đặc sắc mới xuất hiện trong hệ thống Hồng Bàng thị. Tuy nhiên phả hệ này không phải do các học giả Hán học người Việt tự nghĩ ra. Họ đã tiếp thu phả hệ này từ thư tịch Trung Quốc. Việc tiếp nhận phả hệ Thần Nông cũng hàm ý tiếp thu quan điểm sáng thế của Trung Quốc - vốn là đỉnh cao của văn minh Đông Á thời kỳ đó.
Lê Mạnh Thát từng chỉ ra rằng Hoài Nam tử của Lưu An thời Hán Vũ đế từng xác định đất đai cai trị của Thần Nông “nam tới Giao Chỉ, bắc đến U Đô”. Phả hệ Thần Nông về cơ bản có 3 thuyết: thuyết 10 đời, thuyết 17 đời (hoặc 70 đời) và thuyết 9 đời. Lã thị xuân thu do Lã Bất Vi sai biên soạn có nói “Thần Nông 17 đời có thiên hạ, cùng thiên hạ hòa đồng”. Danh sách 17 đời không được liệt kê ra, vả lại, có khi còn được trích dẫn thành 70 đời. Thuyết 10 đời là từ Sơn hải kinh: “Vợ của Viêm Đế là con của Xích Thủy, tên là Thính Yểu, sinh Viêm Cư; Viêm Cư sinh Tiết Tịnh; Tiết Tịnh sinh Hí Khí; Hí Khí sinh Chúc Dung; Chúc Dung xuống sống ở Giang Thủy, sinh Cộng Công; Cộng Công sinh Thuật Khí; Thuật Khí sinh Phương Điên…; Phương Điên sinh Hậu Thổ; Hậu Thổ sinh Ế Minh”.
Thuyết 9 đời xuất hiện từ Xuân Thu mệnh lịch tự - một sách sấm vĩ thời Hán, trong đó nói Viêm Đế “truyền tám đời, cộng 520 năm”. Danh sách 9 đời Thần Nông đã xuất hiện chí ít là từ Sử ký sách ẩn của Tư Mã Trinh thời Đường. Nhưng phả hệ dùng trong Lĩnh Nam chích quái là trùng với phả hệ do Trần Kình (sống vào cuối Nguyên đầu Minh) chép trong Thông giám tục biên. Trần Kình chết không lâu sau Dương Hiến (? - 1370). Lĩnh Nam chích quái vì vậy khó có thể được biên soạn trước nửa cuối thế kỷ XIV, vì còn phải trừ thời gian để sách của Kình truyền đến nước ta.
(còn tiếp)
Bình luận (0)