Thực trạng phân biệt đối xử vì xu hướng tính dục trong doanh nghiệp
"Với môi trường công sở, cộng đồng LGBTI+ trải nghiệm phân biệt đối xử thông qua các hình thức như bị trả lương kém hơn, hạn chế thăng tiến, bị yêu cầu chuyển sang bộ phận khác hoặc từ chối trả các phúc lợi lao động, đặc biệt là cộng đồng chuyển giới nam." - Luật sư Đinh Hồng Hạnh chia sẻ trong buổi tọa đàm.
Theo nghiên cứu "Có phải bởi vì tôi là LGBTI, 2022" của Viện Nghiên cứu Xã hội Kinh tế và Môi trường (iSEE): Trường học, gia đình và nơi làm việc là top ba trong nhiều môi trường có tần suất xảy ra kỳ thị, phân biệt đối xử với người LGBTI nhiều nhất. Điều này chứng tỏ nạn phân biệt kỳ thị vì xu hướng tính dục vẫn còn "âm ỉ" và tồn đọng theo thời gian.
Cứ 10 người tham gia khảo sát thì 1 người cho biết họ có trải nghiệm bị kỳ thị và phân biệt đối xử nghiêm trọng trong khoảng 12 tháng vừa qua (10.1%, tương đương 250 người). Đơn cử tại môi trường là gia đình, cứ 10 người thì có khoảng 4 người (40.3%) không công khai với bất kỳ ai trong gia đình và cũng gần một nửa chọn công khai chỉ với một số rất ít người thân nhất trong gia đình (41.2%). Trong khi đó, tại trường học, cứ 5 học sinh LGBTI+ có 3 người thường xuyên gặp phải những bình luận, nhận xét tiêu cực về LGBTI+ và chịu hành vi bắt nạt từ bạn bè. Còn đối với 55% tổng số là những người đã và đang có trải nghiệm đi làm thì cứ 4 người thì có ít nhất 1 người thỉnh thoảng nghe, nhìn, đọc được những nhận xét, bình luận tiêu cực về LGBTI+ từ đồng nghiệp (23.5%).
Tuy xã hội đã cởi mở hơn với cộng đồng LGBTI+ và nhiều câu chuyện được đón nhận trên các phương tiện truyền thông, nhưng họ vẫn nhận sự kỳ thị và phân biệt đối xử ở các hình thức tại trường học hoặc nơi làm việc. Nhu cầu được đối xử bình đẳng và không phân biệt tại nơi công cộng, cụ thể là tại nơi làm việc của LGBTI+ cần được đáp ứng bởi những chính sách của doanh nghiệp. Và trước sự cởi mở của thế giới, hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam đã và đang bắt đầu xây dựng những chính sách nhằm tạo ra một môi trường làm việc đa sắc, bình đẳng cho nhân viên, đặc biệt là nhân viên thuộc cộng đồng LGBTI+.
Doanh nghiệp Việt và những giải pháp "đi trước một bước", hướng tới bình đẳng
Trong buổi tọa đàm "Hướng tới hòa nhập và bình đẳng thực chất tại nơi làm việc" vừa qua, bên cạnh thực trạng phân biệt đối xử vì xu hướng tính dục vẫn còn diễn ra tại một số doanh nghiệp, một số đơn vị đã bắt đầu có những chính sách hướng đến việc bảo vệ quyền lợi, hướng đến sự bình đẳng cho nhóm nhân viên thuộc cộng đồng LGBTI+.
Theo đại diện Reckitt Việt Nam, hành động cụ thể điển hình là giáo dục trong nhà trước bằng cách xây dựng môi trường đa dạng giới. Theo đó, doanh nghiệp triển khai theo tỷ lệ 70-20-10. 10% là training bài bản. 20% là những chia sẻ trong những nhóm nhỏ hơn. 70% là thảo luận và thắc mắc hàng ngày xoay quanh vấn đề xây dựng môi trường ấy. Mọi người sẽ thực hành hàng ngày để có một nền tảng vững chắc. Trong khi đó, tập đoàn P&G chủ trương xây dựng chính sách dành riêng cho phụ huynh, trong đó, nhân viên thuộc LGBTI+ nếu có em bé, sẽ có 8 tuần nghỉ phép có lương, để họ và gia đình cũng có được phúc lợi và sinh hoạt như những người dị tính nghỉ thai sản.
"Một trong những điều rất thiết thực mà doanh nghiệp có thể làm, đó là chủ động tạo ra những chính sách & chương trình phù hợp để hỗ trợ cộng đồng LGBTI+. Cách Lợi làm để cải thiện những trở ngại về giao tiếp và đối xử bình đẳng với người LGBTI trong công ty, là kết hợp với các tổ chức để mang lại buổi huấn luyện về đa dạng giới ở công ty, giúp mọi người hiểu hơn cách để đối xử với người LGBTI nhằm xây dựng một môi trường làm việc đa dạng và cởi mở hơn." - đại diện Tập đoàn P&G Việt Nam - ông Ưng Hoàng Lợi chia sẻ trong buổi tọa đàm.
Trước sự tiến bộ của thế giới, và thói quen ngày càng quan tâm về các vấn đề liên quan đến xã hội của người tiêu dùng, các doanh nghiệp cần hướng đến chính sách cởi mở hơn với người lao động thuộc cộng đồng LGBTI+. Bên cạnh đó, để cùng nhau tạo ra tác động đúng đắn và ảnh hưởng nhất định đến xã hội, doanh nghiệp Việt có thể "mở rộng" việc ủng hộ các tiến trình của cộng đồng này thông qua các chương trình ý nghĩa, mang đến giá trị nhân văn cho họ. Điển hình, các doanh nghiệp có thể kêu gọi và khuyến khích toàn thể nhân viên hoặc thể hiện thiện chí ủng hộ bằng việc góp chữ ký kiến nghị "Hợp thức hóa hôn nhân đồng giới" tại Việt Nam trong chiến dịch "Tôi đồng ý".
Đây là chiến dịch vận động ủng hộ hôn nhân cùng giới tại Việt Nam, được khởi động lần đầu tiên vào năm 2013. Năm 2023, chiến dịch "Tôi đồng ý" trở lại với mục tiêu đạt được 250 ngàn chữ ký ủng hộ hợp lệ với thông điệp "Love is Love - Yêu là Yêu". Song song, ban tổ chức chiến dịch thúc đẩy sự hợp tác từ cộng đồng bằng việc mở rộng hoạt động kêu gọi doanh nghiệp, các tổ chức đồng minh và công chúng khán giả đồng hành thông qua các hoạt động hợp tác với doanh nghiệp, truyền thông đại chúng qua trang mạng xã hội, các kênh báo chí và tổ chức các hoạt động vận động ký tên ủng hộ.
Bình luận (0)