Hưởng lợi thế, giá gạo Việt đạt đỉnh

11/04/2022 06:47 GMT+7

Chỉ số giá lương thực toàn cầu cao nhất trong hơn 30 năm trở lại đây. Là nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới , nhiều mặt hàng của Việt Nam đang hưởng lợi.

Luôn ở vị trí cao nhất thế giới

Tổ chức Nông lương của Liên Hiệp Quốc (FAO) cho biết: Chỉ số giá lương thực toàn cầu tháng 3 là 159,3 điểm, tăng so với 141,4 điểm của tháng 2, tương đương mức tăng 12,6%. Đây là mức tăng kỷ lục của chỉ số này khi bắt đầu được đo đếm từ năm 1990. Những mặt hàng tăng mạnh như: dầu ăn, ngũ cốc và thịt tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay, còn giá nông sản cao hơn 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chính được cho là do tình hình xung đột giữa Nga - Ukraine.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam ổn định ở mức giá cao

Công Hân

Giá lương thực toàn cầu tăng cao đã tác động lan tỏa đến mặt hàng lúa gạo. Số liệu thống kê của Bộ NN-PTNT cho biết: xuất khẩu 3 tháng đầu năm nay đạt 1,48 triệu tấn, tương đương 715 triệu USD, tăng 24% về khối lượng và tăng 10,5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trên thị trường thế giới, giá gạo xuất khẩu của VN luôn duy trì ở vị trí dẫn đầu trong số các nước xuất khẩu gạo. Các doanh nghiệp như Trung An, Lộc Trời, Tân Long… đang đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường có phân khúc cao và giá cả ổn định.

Còn theo thống kê của Hiệp hội Lương thực VN (VFA), ngoại trừ khoảng 2 tuần giữa tháng 3, giá gạo xuất khẩu Thái Lan tăng mạnh, sau đó quay đầu giảm còn dưới mức 410 USD/tấn gạo 5% tấm thì gạo VN luôn duy trì mức giá cao nhất thị trường gạo thế giới với mức 415 - 420 USD/tấn (gạo Thái Lan cùng phẩm cấp 410 - 408 USD/tấn).

Trong tuần cuối tháng 3, giá lúa gạo VN quay đầu giảm nhẹ nhưng qua tuần đầu tháng 4 đã tăng trở lại với gạo 5% tấm xuất khẩu đạt 415 USD/tấn, cao hơn khoảng 12 - 15 USD/tấn so với đầu năm và khoảng 10 USD/tấn so với đầu tháng 3. Giá lúa gạo nội địa vẫn ổn định ở mức cao: lúa thường tại ruộng khoảng 5.700 đồng/kg, lúa thường tại kho là 7.200 đồng/kg, gạo 5% tấm là 9.500 đồng/kg… Đặc biệt, khi giá lúa mì và bắp, đậu nành tăng cao đẩy các loại phụ phẩm làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng mạnh và duy trì mức cao kỷ lục. Cụ thể tấm 1/2 giá 8.500 đồng/kg, cám gạo 8.350 đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), cho biết: Tình hình xuất khẩu từ đầu năm đến nay vẫn ổn định. Thông thường trước đây, các nước như Trung Quốc, Philippines sẽ ký các hợp đồng lớn vào giữa vụ đông xuân khi sản lượng của chúng ta cao, giá giảm. Nhưng năm nay giá không giảm như thường lệ nên các nhà nhập khẩu còn ngần ngại chưa dám ký các hợp đồng lớn. Tuy nhiên, mùa mưa bão sắp tới sẽ là áp lực lớn về an ninh lương thực với nhiều nhà nhập khẩu gạo châu Á. Khả năng cao họ sẽ phải chấp nhận mua gạo giá cao trong tháng 4 hoặc chậm lắm là tháng 5 tới. Lúc đó thị trường sẽ sôi động và giá lúa gạo sẽ tiếp tục duy trì mức cao.

Kim ngạch xuất khẩu tiêu, điều tăng

Không chỉ gạo, một số mặt hàng nông sản chủ lực của VN kim ngạch xuất khẩu cũng tăng mạnh. Theo thống kê bộ sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu VN (VPA), trong tháng 3, VN xuất khẩu được 23.939 tấn tiêu, kim ngạch 113,1 triệu USD, tăng 63% về lượng và tăng 71% về giá trị so với tháng trước. Tính chung trong quý 1, VN xuất khẩu được 54.615 tấn hồ tiêu các loại, đạt 254,4 triệu USD, tăng 41% về giá trị so với cùng kỳ dù giảm về lượng. Lý do theo VPA, Trung Quốc, một trong những thị trường tiêu thụ hồ tiêu lớn nhất của VN, gặp nhiều khó khăn và sụt giảm do chính sách “Zero Covid”. Trong quý 1 vừa rồi, xuất khẩu tiêu sang thị trường này giảm tới 81%, xuống 2.138 tấn. Bên cạnh đó, xung đột giữa Nga và Ukraine cũng ít nhiều ảnh hưởng đến thị trường hồ tiêu dù đây không phải là hai thị trường xuất khẩu tiêu chủ lực của VN. Ghi nhận trên thị trường, mặc dù hồ tiêu đang vào vụ thu hoạch nhưng giao dịch khá trầm lắng vì nông dân sẵn sàng trữ hàng, không bán giá thấp. Thế nên điểm tích cực là giá hiện vẫn đang cao hơn 5.000 đồng/kg so với mức giá 71.000 - 75.000 đồng/kg của cùng kỳ năm ngoái. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nhận định, các địa phương sản xuất hồ tiêu đang còn thu hoạch nên các nhà nhập khẩu muốn chờ đợi nguồn cung dồi dào và giá giảm hơn. Dự kiến, họ sẽ bắt đầu tăng mua kể từ tháng 4 trở đi và khi đó thị trường sẽ sôi động hơn.

Tương tự với mặt hàng cà phê, giá cà phê nhân xô được xem là khá cao trong bối cảnh dịch bệnh, chiến sự trên thế giới vẫn còn tiếp diễn. Cụ thể, giá thu mua cà phê ngày 10.4 ở các tỉnh Tây nguyên dao động từ 40.700 - 41.300 đồng/kg. Trên sàn giao dịch cà phê quốc tế, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 5.2022 tăng 27 USD/tấn ở mức 2.091 USD/tấn, giao tháng 7.2022 tăng 30 USD/tấn ở mức 2.096 USD/tấn. Theo nhiều doanh nghiệp, tình hình xuất khẩu cà phê VN vẫn có nhiều thuận lợi và có thể gia tăng kim ngạch. Số liệu của Tổng cục Hải quan, tính chung quý 1/2022, xuất khẩu cà phê của VN ước đạt 541.000 tấn, trị giá xấp xỉ 1,22 tỉ USD, tăng 19,4% về lượng và tăng 50,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu cà phê Robusta sang các thị trường chính tăng như: Đức, Bỉ, Anh, Nhật Bản, Nga, Tây Ban Nha, Philippines. Ngược lại, xuất khẩu cà phê Robusta sang các thị trường Ý, Mỹ giảm.

Một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu cà phê khởi sắc là do cà phê Robusta của VN được khách hàng đánh giá cao, có sức cạnh tranh so với các nhà cung cấp lớn trên thế giới như Brazil, Ấn Độ, Nam Mỹ, Colombia… Các nước Liên minh châu Âu (EU) như: Đức, Bỉ, Ý rất ưa chuộng cà phê VN.

Các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nhận định, ngành cà phê VN năm 2022 sẽ tăng trưởng 30 - 40% vì cả thế giới đang thích ứng với Covid-19, nhu cầu lớn trong khi nguồn cung giảm. Giá xuất khẩu cà phê có thể cán mốc 2.400 - 2.600 USD/tấn trong năm 2022 và đà tăng có thể kéo dài sang năm 2023.

Theo VICOFA (Hiệp hội Cà phê - Ca cao VN), mặc dù dự báo khả quan, nhưng để đáp ứng yêu cầu khắt khe từ các thị trường khó tính nhất là thị trường EU, ngành hàng cà phê còn rất nhiều việc phải làm. Ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, các chuyên gia cho rằng ngành cà phê VN cũng cần tập trung nâng cao năng lực sản xuất, truy xuất nguồn gốc, số hóa từ khâu sản xuất đến khâu bán hàng để nâng cao lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Giá lúa gạo sẽ duy trì ở mức cao suốt năm 2022

TS Trần Quốc Hùng, CEO của Viện Tài chính quốc tế IIF (Mỹ), nhận định: Trong xu thế chung của giá lương thực toàn cầu, giá lúa gạo sẽ duy trì ở mức cao suốt năm 2022. Các doanh nghiệp cần nắm chắc xu hướng này khi tham gia các cuộc đàm phán, ký kết hợp đồng với các nhà nhập khẩu để tránh thua thiệt. VN ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước, đó là một lợi thế cần được tận dụng triệt để.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.