Hướng nghiệp trễ, học sinh lúng túng chọn ngành vào ĐH

26/07/2024 07:05 GMT+7

Nhiều thí sinh đến nay vẫn lúng túng trong chọn ngành học đăng ký nguyện vọng vì không biết rõ mình thích gì, phù hợp ngành nào.

Trong khi đó, không ít phụ huynh có quan điểm cứ để con tập trung học tốt, rồi đến năm lớp 12 "hãy tính" chuyện chọn ngành nghề bậc ĐH, nhưng đến giai đoạn này lại phát sinh mâu thuẫn với con cái.

Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, một gia đình quá căng thẳng nên liên hệ cô Phạm Ngọc Lan, nhà sáng lập dự án khởi nghiệp SeedCareer (TP.HCM), để được tư vấn hướng nghiệp. Cụ thể, người mẹ muốn con gái theo nghề giáo viên, trong khi người bố kỳ vọng con theo ngành y. Tuy nhiên, con gái sau khi được tư vấn, xác định đúng thế mạnh, năng lực đã chọn nghề biên phiên dịch tiếng Anh. Trước đó, nữ sinh này mong muốn theo ngành hướng dẫn viên du lịch, nhưng ngành này phải đi lại nhiều nơi, nữ sinh sợ mình không đủ sức khỏe.

Những trường hợp như thế không hiếm gặp khi học sinh (HS) bước vào giai đoạn cuối cấp THPT, chuẩn bị chọn ngành xét tuyển vào ĐH.

Câu chuyện càng phức tạp hơn trong trường hợp cả cha mẹ và con cái không xác định được mong muốn, sở thích và năng lực của con.

Hướng nghiệp trễ, học sinh lúng túng chọn ngành vào ĐH- Ảnh 1.

Phụ huynh làm thủ tục nhập học vào lớp 10 cho con. Theo Chương trình GDPT mới, định hướng nghề nghiệp bắt đầu từ lớp 10

ĐÀO NGỌC THẠCH

LÚNG TÚNG CHỌN TỔ HỢP MÔN TỰ CHỌN VÀO LỚP 10

Tình trạng này hy vọng sẽ được khắc phục nếu phụ huynh, HS nắm rõ Chương trình GDPT 2018 đang bước vào năm thứ 3 cấp THPT. Theo đó, ngay từ lớp 10, HS phải lựa chọn tổ hợp môn học tự chọn theo định hướng nghề nghiệp.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều phụ huynh và cả HS vẫn còn lúng túng khi chọn tổ hợp môn tự chọn ở lớp 10.

Không ít phụ huynh lẫn HS vào lớp 10 chọn tổ hợp môn học theo kiểu "hên xui". Cha mẹ căng thẳng trước hàng loạt thuật ngữ mới về tuyển sinh, nỗ lực "giải mã" mê cung tổ hợp môn để định hướng nghề nghiệp tương lai cho con.

"Con trai muốn làm luật sư nhưng tôi quan sát và nhận thấy ngành này không phù hợp với sở trường của con. Định hướng ngành luật sư sẽ đi ngược với thế mạnh của con ở những môn tự nhiên. Sau khi chốt tổ hợp môn hôm 17.7, tôi chỉ biết khuyên con cân nhắc, tham khảo ngành nghề liên quan kỹ thuật hay công nghệ thông tin", anh Nguyễn Văn Quang, có con năm nay vào lớp 10 Trường THPT Bà Điểm (H.Hóc Môn), cho hay.

Bí quyết giúp Gen Z đăng ký nguyện vọng xét tuyển thông minh trong "thời điểm vàng"

"Tại cuộc họp ở trường hôm 17.7, tôi thật sự chóng mặt trước các tổ hợp. Tôi nhận thấy không ít phụ huynh và con em chọn tổ hợp môn kiểu "hên xui", định hướng ngành nghề thì "tính sau" vì đây là thế hệ HS cuối cùng của Chương trình GDPT 2006 nhưng khi lên lớp 10, phải chọn tổ hợp môn, học sách giáo khoa mới theo Chương trình GDPT 2018. Tôi hy vọng thế hệ HS học hoàn toàn với Chương trình GDPT 2018 sẽ được định hướng nghề nghiệp từ sớm, bài bản hơn", anh Quang bày tỏ.

"CÓ EM THAY ĐỔI ĐỊNH HƯỚNG THEO TUẦN"

Một số phụ huynh cũng quan tâm đến nghề nghiệp tương lai của con, nỗ lực quan sát, tìm hiểu ngành nghề từ năm lớp 9, chứ không phải đợi đến lớp 12 mới chọn.

"Tôi được biết con gái phải chọn tổ hợp môn theo sở trường của con nhằm định hướng cho việc xét tuyển ĐH sau này. Từ bậc THCS, tôi nhận thấy con mình giỏi về con số và bản thân mình chỉ có gợi ý cho con một số ngành nghề phổ biến mà mình biết như kế toán hay quản trị kinh doanh để con suy nghĩ, tới đâu hay tới đó", chị Ngọc, có con năm nay vào lớp 10 Trường THPT Phạm Quang Sáng (H.Hóc Môn), cho hay.

Hướng nghiệp trễ, học sinh lúng túng chọn ngành vào ĐH- Ảnh 2.

Học sinh tìm hiểu thông tin về ngành nghề tại gian hàng của các trường ĐH trong chương trình Tư vấn mùa thi 2024 do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT thực hiện ở Bình Dương

ĐÀO NGỌC THẠCH

Với loạt tổ hợp môn để chọn, phụ huynh này chỉ biết nhờ con trai (sinh viên năm cuối) thay chị tham gia buổi họp đặt nguyện vọng chọn tổ hợp môn cho con. "Trước mắt, con gái chọn tổ hợp tự nhiên xã hội, tôi chỉ biết đồng hành với con như vậy, chứ không biết đó có phải lựa chọn phù hợp để sau này con vào được ĐH và có công việc tốt hay không", chị Ngọc chia sẻ.

Tương tự, chị Hồng Phượng (ngụ Q.12, TP.HCM), có con trai năm nay lên lớp 11, nói: "Con trai chọn tổ hợp tự nhiên, giỏi nhất môn toán, vì thế gia đình muốn định hướng con theo nghề giáo viên toán hoặc ngành công nghệ thông tin. Ban đầu, con không phản đối gợi ý này". Tuy nhiên, vào hè năm nay, con trai chị Phượng lại xác định bản thân muốn theo ngành kiến trúc.

Cô Phạm Ngọc Lan chia sẻ: "Thông qua những buổi tư vấn riêng với từng HS, tôi ứng dụng các phương pháp khoa học để khơi gợi cho các em tự nhìn lại chính mình, xác định thế mạnh, sở thích và năng lực học tập. Tuy nhiên, cũng có những HS thay đổi định hướng nghề theo tuần. Chẳng hạn, một HS chọn được một ngành phù hợp năng lực sau những buổi tư vấn trong tuần này, nhưng đến tuần sau lại bày tỏ mong muốn về nghề hoàn toàn trái ngược tuần trước".

Thực tế này cho thấy, trước những cải cách của ngành giáo dục, sự thay đổi của thị trường lao động, phụ huynh và HS cần tìm hiểu để xác định rõ thế mạnh, sở thích, năng lực của con em càng sớm nhằm lựa chọn tổ hợp môn học phù hợp từ lớp 10. Với Chương trình GDPT mới, chọn tổ hợp môn học không đúng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến định hướng nghề nghiệp tương lai của HS.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.