Hương rừng ra phố

25/06/2020 08:29 GMT+7

Làm việc ổn định tại TP.HCM, nhưng rồi cô gái Quảng Nam bất ngờ quay về quê khởi nghiệp và thành công bằng cách đưa đặc sản rừng vươn xa.

Võ Thị Minh Nga (32 tuổi, ở TT.Tân An, H.Hiệp Đức, Quảng Nam) trước đây chọn TP.HCM để lập nghiệp với đúng chuyên ngành đã học, nhưng đến năm 2016 thì rẽ sang hướng đi mới: về quê lập nghiệp.
Thời gian đầu về quê, chưa vội thực hiện những dự định đã đặt ra, Nga tham gia nhóm thiện nguyện về với những người dân ở các bản làng xa xôi. Từ những chuyến đi, cô gái trẻ đã nhận ra giá trị của những sản vật núi rừng.
“Khi đến các bản làng, chứng kiến sản vật của người dân, mình nghĩ tại sao ở quê có nhiều thứ ngon, sạch như thế mà người thành phố lại không sử dụng được? Đó là lý do mình tìm mọi cách đưa sản vật quê hương vươn xa hơn”, Nga nói.

Lội rừng tìm sản vật

Sau đó là những chuyến lội rừng. Với cô gái, mỗi chuyến đi là mỗi lần lo sợ, bởi con đường từ các bản làng đồng bào Bh’Noong ở huyện vùng cao Phước Sơn (Quảng Nam) vào bìa rừng dài hàng chục cây số với nhiều đồi dốc, sông suối, thác ghềnh... Nhưng từ đó, những hạt lúa rẫy theo bước chân Nga rời xa không gian chật hẹp của bản làng.
“Mình muốn người dân có thêm thu nhập từ những hạt lúa rẫy do chính họ làm ra. Những hạt lúa này phải đi xa hơn và để người dân tin sản phẩm đó quý giá thế nào”, Nga trải lòng.
Đến từng ngôi làng và trải nghiệm, tìm hiểu luật tục, Nga nhận ra đồng bào Bh’Noong quý hạt gạo như quý chính cuộc sống của họ. Họ cũng trọng chữ tín, hễ yêu quý và tin cậy ai thì dành hết sản vật để bán cho người đó. Tất nhiên, Nga làm mọi cách để đáp lại lòng tin yêu ấy… Để rồi, rất nhiều sản vật được Nga “săn tìm”. Nào nghệ núi, gừng núi, lúa sạch, chè xanh núi, chè vằng, các loại đậu...
“Tôi tự tin lẫn tự hào khi mang những đặc sản này đến với người thành phố. Bởi những thứ bán ra đều từ những bàn tay thủ công của dân làng làm ra, tự bỏ công sức đi lấy và thử nghiệm trước khi nó đến với khách hàng”, Nga quả quyết.

Đặc sản Bh’noong “xuống phố”

Khi xác lập nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng, Nga vào cuộc tìm kiếm thị trường cho sản phẩm. Với đồng bào vùng cao, đầu ra sản phẩm luôn khó khăn, ngược lại khách hàng ở thành phố lại chuộng, từ đó Nga trở thành cầu nối. Ban đầu, khách hàng là những người Nga từng làm việc chung ở TP.HCM. Thông qua mạng xã hội và sự giới thiệu của họ, thực phẩm cũng như mỹ phẩm được bào chế từ thiên nhiên của Nga được nhiều người biết đến.
Nắm bắt nhu cầu khá lớn của người tiêu dùng, năm 2017, Nga đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng nhà xưởng trên diện tích 300 m2 và lắp đặt hệ thống máy móc để chế biến sản phẩm tinh bột nghệ, trà gạo lứt, gạo lứt… Tất cả quy trình chế biến đều đảm bảo vệ sinh; sản phẩm làm được, cô đều tự mình “thử nghiệm” trước.
Đầu năm 2019, Nga thành lập công ty. Từ khi khởi nghiệp đến nay, Nga luôn gặp may. Mỗi năm, công ty thu lợi nhuận từ 700 triệu đến 1 tỉ đồng, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 7 lao động có hoàn cảnh khó khăn (mức lương 7 - 10 triệu đồng/tháng); riêng lao động theo thời vụ có thời điểm lên đến 20 - 30 người.
Cô gái liều lĩnh này mong muốn sẽ là một cánh chim nhỏ bé nhưng có khát vọng chuyên chở sản vật thiên nhiên, thuần khiết của núi rừng xuống phố. “Không chỉ người dân thành phố biết, mà mình còn muốn một ngày nào đó xuất khẩu đi các nước trên thế giới để họ biết rằng VN có những sản vật rất quý giá”, Nga tâm sự.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.