Siêu bão Haiyan biến miền trung Philippines thành nơi hoang tàn và tang thương - Ảnh: AFP/Reuters |
Chiều 10.11, chuyến bay số hiệu PR 598 của hãng Philippine Airlines rời phi trường Tân Sơn Nhất trở về thủ đô Manila. Máy bay đang trên đường lăn, cô tiếp viên Acuna của Philippine Airlines ngồi gần cửa thoát hiểm bắt đầu cầu nguyện cho một chuyến bay an toàn, cũng là cầu nguyện cho nỗi đau dịu bớt trên quê hương đang điêu tàn sau cơn bão Haiyan, mà tại quê hương cô nó có tên gọi Yolanda, một cái tên phụ nữ.
|
Trên máy bay, những tờ nhật báo Philippines ra ngày chủ nhật tràn ngập thông tin và hình ảnh về thảm họa. Tờ Philippine Star đăng con số thương vong theo báo cáo không chính thức: “Có tới 1.200 người có thể đã thiệt mạng”. Tờ báo cũng dẫn lại hãng CNN so sánh bão Haiyan mạnh gấp 3,5 lần so với cơn bão Katrina tàn phá tiểu bang Louisiana ở miền nam nước Mỹ vào năm 2005. Con số thương vong mà tờ Philippine Star đăng tải, dù không chính thức, có vẻ như đã quá lạc hậu so với tình hình, bởi đấy là số liệu của ngày hôm trước, trước khi báo giấy lên khuôn. Theo thông tin cập nhật từ giới chức Philippines được truyền thông mạng dẫn lại, con số người chết thống kê được đang tăng lên không ngừng, và đến buổi trưa ngày hôm qua thì con số thiệt mạng đã lên tới 10.000 người; có tới 10.390 ngôi trường bị phá hủy. Thảm họa mà cơn bão lớn nhất từng đổ bộ vào đất liền trong lịch sử gieo lên đảo quốc Philippines nằm ngoài sự tưởng tượng của tất cả chúng ta.
Nhìn những hình ảnh trên trang bìa các tờ nhật báo, đọc các con số thống kê và những phát biểu của giới hữu trách, đọc những lời khóc than của nạn nhân sống sót từ vùng thảm họa, tôi cứ như gặp lại hình ảnh của trận sóng thần kinh khiếp vào Giáng sinh năm 2004 ở Ấn Độ Dương. Quy mô của thảm họa có thể được đo đếm bằng những con số thống kê nhân mạng, những thiệt hại vật chất quy ra bằng tiền, nhưng quy mô của nỗi đau là không gì đo đếm được. Nhìn hình ảnh những thi thể người nằm trên đường phố, bên cạnh những nhà đổ, xe nghiêng, cây bật gốc ở thành phố Tacloban, mới thấy được phần nào những mất mát, đau thương. Theo chính quyền địa phương, nhiều nạn nhân ở Tacloban thiệt mạng do bị các cơn sóng dữ cuốn trôi, do có nhiều khu dân cư nằm sát bên bờ biển và khi bão ập đến vào ngày 8.11, sức gió khủng khiếp của nó đã mang theo những ngọn sóng cao quá mái nhà. Thông tin liên lạc trong toàn vùng bị ngưng trệ do hầu hết các công ty viễn thông đều ngừng hoạt động, và trong điều kiện điện bị cúp vô thời hạn, các máy liên lạc đặc dụng của chính quyền cũng chỉ hoạt động cầm chừng để tiết kiệm nhiên liệu.
Phi trường Manila, nơi chúng tôi đến vào buổi chiều muộn, những đoàn cứu hộ, cứu trợ quốc tế bắt đầu đổ về, cùng hướng tới Tacloban và các khu phụ cận. Theo giới chức địa phương, phi trường Tacloban gần như bị phá hủy, với tháp điều khiển, nhà ga… bị đánh sập; hệ thống thông tin liên lạc, không lưu, điện, nước đều ngưng trệ. Tất cả các chuyến bay dân dụng tới đây đều bị hủy. Phải đến hôm qua, các chuyến bay quân sự và cứu hộ, cứu trợ mới đến được. Chính phủ Philippines đã dốc toàn lực cho hoạt động cứu hộ, cứu trợ sau thảm họa. 15.000 binh sĩ quân đội, 150 cảnh sát đã được triển khai trong vùng thảm họa. Trực thăng, máy bay vận tải C-130, tàu hải quân đều được huy động tham gia khắc phục hậu quả. Tổng thống Aquino đã cử 4 bộ trưởng trực tiếp tới vùng thảm họa. Bản thân ông cũng đến Tacloban vào hôm qua để thị sát và chỉ đạo hoạt động khắc phục hậu quả.
Tôi tới Manila, và trong lịch trình là sẽ đi bằng máy bay của hãng Tiger Airways xuống Tacloban, cách khoảng 600 km về hướng đông nam, vào buổi sáng hôm nay (11.11). Tuy nhiên, đại diện Tiger Airways tại Manila thông báo chuyến bay bị hủy. “Ngày thứ ba có thể có, nhưng không chắc chắn đâu”, nhân viên phụ trách phòng vé của Tiger Airways ở sân bay Manila cho biết. Do Philippines là một quần đảo và Tacloban nằm ở miền Trung, nơi “cơ thể” đảo quốc này chia ra thành hàng trăm đảo nhỏ, nên không thể đi bằng đường bộ. Thế là lại phải đi đường vòng. Từ Manila bay xuống Cebu, rồi từ Cebu đi tàu thủy tới Ormoc, một thành phố khá lớn nằm ở tỉnh Leyte; sau đó từ Ormoc đi xe đò tới Tacloban. Chuyến đi “hải-lục-không” này mất trọn một ngày, nhưng đấy là cách duy nhất để tiếp cận trung tâm thảm họa.
“Đấy là cách duy nhất anh ạ. Gia đình bà con em ở Tacloban, nhưng mấy ngày qua em cũng chưa có cách gì liên lạc được với họ. Không biết sống chết thế nào”, cô Gloria phụ trách hãng du lịch Masa ở Manila, người đã giúp sắp xếp chuyến đi vòng vèo này cho tôi, tâm sự.
“Như ngày tận thế” Nhiều quan chức và người sống sót mô tả lại cảnh tượng hỗn loạn và tang thương ở thủ phủ Tacloban của Leyte với hàng trăm thi thể chất đống trên đường hay dưới những ngôi nhà đổ nát. “Từ trực thăng, bạn có thể thấy mức độ tàn phá của bão. Tôi không biết mô tả những gì đã chứng kiến như thế nào. Nó quá khủng khiếp”, Bộ trưởng Nội vụ Philippines Manuel Roxas nói. Một du khách bị mắc kẹt ở Tacloban bàng hoàng kể lại với Reuters: “Nước dâng cao tới tầng 2 của khách sạn. Tôi tưởng như tận thế tới nơi rồi”. Đến hôm qua, Cơ quan Quản lý và Giảm thiểu thiên tai quốc gia Philippines thông báo khoảng 4,4 triệu người mất nhà cửa, trong đó chỉ có hơn 400.000 người được đưa vào 1.425 trại sơ tán, theo Tân Hoa xã. Giữa lúc công tác cứu trợ đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của bão, tình hình an ninh bắt đầu xấu đi và đã xảy ra một số vụ cướp bóc, hôi của. “Nhiều người không còn giữ được lý trí vì đói và mất người thân. Một số người đã trở nên bạo lực. Họ tấn công các cửa hàng, xe cứu trợ để tìm thức ăn, nước và lều bạt... Tôi sợ rằng trong vòng một tuần sẽ có thêm người chết vì đói”, một quan chức địa phương cho hay. Văn Khoa |
Đỗ Hùng (Từ Manila, Philippines)
>> Ước tính Philippines thiệt hại khoảng 25% sản lượng lương thực
>> Kinh hoàng nạn cướp bóc, giành giật thức ăn để sinh tồn tại Philippines
>> 10 thảm họa thiên nhiên kinh hoàng nhất Philippines
>> Siêu bão Hải Yến: Tổng thống Philippines chỉ trích chính quyền Tacloban
>> Siêu bão Hải Yến ập xuống Philippines như ngày tận thế
Bình luận (0)