Hương ước làng Chánh Lộ xưa quy định ứng xử với dịch bệnh ra sao?

Hầu hết những hương ước của các làng xã xưa đều đề cập đến việc ứng xử với dịch bệnh trong làng, nhưng mỗi nơi quy định khác nhau chút ít. Đôi điều về bản hương ước làng Chánh Lộ xưa (thuộc tỉnh Quảng Ngãi) vừa tìm thấy.

Cho đến nay, chúng tôi đã tìm thấy 13 bản hương ước của các làng xã trong tỉnh Quảng Ngãi (trong đó có  hương ước làng Chánh Lộ), tất cả đều được viết vào thời vua Bảo Đại. Trong đó có 4 bản chữ Nho và 9 bản chữ Quốc ngữ. Về 4 bản chữ Nho, vào năm 2020, chúng tôi có phiên âm và dịch nghĩa được 1 bản và đã in toàn văn trong cuốn sách Di sản Hán Nôm ở Quảng Ngãi - các loại hình và giá trị đặc trưng, do NXB Khoa học xã hội xuất bản; còn 3 bản chưa được phiên âm, dịch nghĩa.
Về 9 bản chữ Quốc ngữ, vào năm 1996, trong cuốn sách Hương ước Quảng Ngãi do Sở Văn hóa – Thông tin Quảng Ngãi xuất bản có in 8 bản (từ hồ sơ lưu trữ tại Viện Thông tin khoa học xã hội). Riêng bản thứ 9 - Hương ước làng Chánh Lộ, là bản hương ước cũng được viết bằng Quốc ngữ, thì chưa được in trong cuốn sách nào (vì đây là bản hương ước mà chúng tôi mới tìm thấy trên trang lưu trữ của Gallica - Thư viện số của Pháp, nguồn “gallica.bnf.fr / BnF”, ký hiệu No 24442).
Hương ước làng Chánh Lộ được scan từ bản in nguyên gốc; bìa mềm, giấy bìa màu xanh nhạt; ruột giấy trắng ngà, gồm 68 trang, có ghi nơi in là Qui Nhơn (trên bìa ghi: IMPRIMÉRIE DE QUINHON, QUINHON [ANNAM]). Sau lời tựa là phần nội dung chính, bắt đầu từ trang 3 đến trang 64; và mục lục từ trang 65 đến trang 67. Nội dung chính Hương ước làng Chánh Lộ có 13 tiết (từ tiết I đến tiết XIII), gồm 58 mục, 181 điều, bao gồm các vấn đề quy định về tổ chức quản lý tự quản, hành chính, tài chính, tế lễ, tọa thứ, cầm phòng, công ích công lợi, công điền công thổ, phân bổ sưu thuế, thưởng phạt, hội hè….
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến việc ứng xử với dịch bệnh của làng Chánh Lộ, còn những vấn đề khác sẽ có dịp trình bày trong các bài viết sau này.

Bìa Hương ước làng Chánh Lộ

Ảnh Đăng Vũ

Về việc phòng, chống dịch bệnh

Để đề phòng dịch bệnh cần thiết trước hết là phải ăn ở vệ sinh. Trong mục “Vệ sinh công cộng” có quy định về nhiều khoản, như về giếng nước, đường sá, súc vật, chuồng trại, phóng uế, dịch bệnh… Về giếng nước, Hương ước làng Chánh Lộ quy định: “Trong làng có giếng uống chung, nên đắp nền, làm thành giữ cho sạch sẽ. Người làng không được giặt dịa, tắm rửa và bỏ đồ dơ bẩn” (khoản 100). Về đường sá, khoản 101 quy định: Hương mục phải thường xuyên cắt giẫy cỏ rác; hai bên đường phải đào rãnh để nước chảy; mương chảy qua ruộng, qua nhà ai thì người nhà đó phải lo vét cho sạch sẽ. Cấm bỏ rác, đồ đạc, thú vật chết trên đường, lẫn dưới mương, dưới ao, hay trong ruộng có hoa lợi, trong vườn người khác; chuồng trâu, chuồng bò phải quét dọn sạch sẽ, không để mùi hôi thối bay qua nhà bên cạnh…, và cũng “cấm phóng uế hai bên lề đường” (!).
Ở một khoản khác, Hương ước làng Chánh Lộ quy định: “Cấm ăn hay bán thịt súc vật bị bệnh chết, bất kỳ là về duyên cớ gì. Nếu có dịch trâu, bò thì người chủ phải báo trình cho quan Thú ý xin điều trị và thi hành những biện pháp ngăn ngừa sự truyền nhiễm. Súc vật chết phải chôn cho sâu, xa nhà ở và giếng” (khoản 102).
Về dịch bệnh ở người, Hương ước này quy định rất nghiêm ngặt: “Nhà nào mắc những chứng bệnh thiên thời (dịch do thời tiết, không rõ nguyên nhân), dịch tả, dịch hạch, đậu mùa…”, thì phải “lập tức báo trình xin quan trên phái quan thầy thuốc về điều trị và ngăn ngừa sự truyền nhiễm. Chẳng may người (bị) bịnh chết, tức thì phải thưa với Hương bộ, hạn trong 24 giờ phải chôn theo phép vệ sinh” (khoản 103).

Về trợ cấp và cứu tế

Trong mục “Cứu truất cứu nạn” (tiết thứ 7), Hương ước làng Chánh Lộ có quy định: tất cả nhân dân trong làng phải cùng cứu giúp nhau trong những cơn tại nạn, hằng năm phải dự phòng ngân sách để cứu tế trong những tình huống xấu xảy ra trong làng như: hỏa hoạn, thủy tai (lụt lội), mất mùa, nạn đói, bệnh tật, mất trộm cướp, cô nhi quả phụ, chôn cất.
Khoản 110 quy định: “Làng có thể giúp đỡ những người dân nghèo để họ có phương làm ăn, bằng cách cho vay không lấy lời hay lấy lời rất ít. Và trước khi đủ sức làm những công việc xã hội trọng đại như lập nhà thương, nhà hộ sinh, ấu trí viện (nơi chữa bệnh cho trẻ em)…, làng có thể mua thuốc ngừa hay trừ bịnh cho dân, như ký ninh, thuốc nhỏ mắt …”.
Bên cạnh quy định trên, làng còn lập “Ban cứu tế gồm các nhà hảo tâm, các bà, các cô, thay mặt hay hiệp sức với làng về phương diện vật chất hay tinh thần để làm việc phúc thiện” (khoản 110). Nếu nhỡ người bị nạn hay bệnh chết thì tùy theo hoàn cảnh gia đình mà giúp đỡ; người trong làng, bất kể là đàn ông đàn bà, đều phải có bổn phận đến giúp cho tang chủ. Người nào biết việc gì thì giúp việc ấy và “không được ăn uống, lấy tiền công, trừ khi nào tang chủ thuê mướn thì không kể” (khoản 113).

Trang đầu của Hương ước làng Chánh Lộ

Ảnh Đăng Vũ

Nhìn chung, hương ước của làng xã trước đây có nhiều điểm chung, nhưng cũng có nhiều điểm riêng, tùy vào thực tiễn của làng, vào việc biên soạn và tùy vào từng thời kỳ lịch sử khác nhau. Hương ước làng Chánh Lộ là bản hương ước khá dài, trong số những hương ước dài nhất được tìm thấy trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Có thể vì làng Chánh Lộ là một làng rộng lớn, có nhiều thành phần dân cư, bộ máy chính quyền hàng tỉnh cũng nằm ở đây, nên vì thế trong Hương ước làng Chánh Lộ có đến 181 điều khoản khá cụ thể.
Bài viết này chỉ giới thiệu đôi điều khái quát về bản hương ước làng Chánh Lộ với một số quy định về phòng chống dịch bệnh, thiên tai, cứu tế. Tuy chỉ là giới thiệu sơ lược về các điều quy định này, cũng đã thấy, vào nửa đầu thế kỷ trước, việc phòng dịch bệnh, chẩn tế cũng đã được làng xã đặc biệt chú trọng.
 

Đôi điều về làng Chánh Lộ

Tên gọi làng Chánh Lộ có từ thời vua Đồng Khánh. Còn trước đó, tên làng (hay xã) này là Chánh Mông. Có ý kiến cho rằng, vì húy kỵ tên thường gọi của vua Đồng Khánh là Chánh Mông nên làng Chánh Mông phải đổi thành làng Chánh Lộ. Trước đó nữa thì gọi là xã (hay làng) Cù Mông. Như vậy phần đất xã Cù Mông (sau là Chánh Mông, rồi Chánh Lộ) vào thời Đồng Khánh đến trước năm 1945 là vùng đất có địa hạt khá rộng, tương đương phần đất từ ngã năm Thu Lộ thuộc phường Trần Phú trở xuống và bao gồm các phường: Chánh Lộ, Nghĩa Lộ, Nghĩa Chánh, Lê Hồng Phong, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Nghiêm của thành phố Quảng Ngãi bây giờ. Vào năm bản hương ước làng Chánh Lộ ra đời (1938), thì làng Chánh Lộ thuộc tổng Nghĩa Điền, tỉnh Quảng Ngãi . 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.