Hướng về phía mặt trời

13/05/2022 09:00 GMT+7

Tôi chỉ tình cờ gặp em trên facebook của một người bạn. Nhưng tôi bị nụ cười và vẻ ngoài của em làm cho chú ý…

Tôi vào trang cá nhân của em vì tò mò, khâm phục trước nghị lực sống của em, tôi gửi lời “kết bạn”. Qua những lần nói chuyện, hiểu về em nhiều hơn, càng thôi thúc tôi viết về em.

Dù không có hai bàn tay nhưng nhờ kiên trì, quyết tâm tập rèn, Lạc vẫn viết được chữ như mọi người

tgcc

Tuổi thơ bất hạnh

Em là Trần Văn Lạc, sinh năm 1999 tại An Nhơn, Bình Định. Cậu bé ngay từ lúc sinh ra đã chịu nhiều bất hạnh, thiệt thòi. Em không có cả hai bàn tay. Chân trái không có bàn chân, chân phải không có ngón. Có lẽ chính sự khiếm khuyết, dị tật về hình hài đó đã khiến em bị cha mẹ bỏ rơi từ khi mới hai tháng tuổi tại Trung tâm y tế huyện An Nhơn, Bình Định. Theo như lời em kể thì có lẽ do mẹ em quá khó khăn, mà em thì lại không được lành lặn như vậy. Cùng bất đắc dĩ, mẹ đành phải để lại em ở bệnh viện với bức thư “nhờ Trung tâm nuôi dưỡng”.

Em được chăm sóc tại Trung tâm y tế chừng một tuần, sau đó được chuyển đến chăm sóc và nuôi dạy tại Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội Bình Định cho đến năm 2021.

Nghị lực thép

Lạc tâm sự, lúc nhỏ em được các cô chú trong trung tâm tập cho viết, tập cho tự cầm muỗng xúc ăn và tập làm các việc cá nhân nữa. Nếu như với một đứa trẻ bình thường khi tập những việc làm đầu đời đó đã khó thì với Lạc, khó khăn được gọi tên theo cấp số nhân. Có việc em làm được, có việc em không làm được. Nhưng không vì thế mà Lạc buông xuôi, nản chí. “Càng vậy, em càng phải quyết tâm hơn. Em muốn cho mọi người thấy em có thể khiếm khuyết, dị tật về thể xác nhưng tâm hồn em phong phú và lành lặn”.

Trần Văn Lạc vui mừng chụp hình kỉ niệm nhân ngày tốt nghiệp Đại học

tgcc

Bất kì việc gì dù có khó đến mấy Lạc cũng cố gắng làm cho bằng được. Bản thân em không muốn bị ai coi thường hay ban phát lòng thương hại. Em thẳng thắn: “Em cần sự cảm thông, chia sẻ, động viên chứ không phải lòng thương hại”. Đặc biệt, Lạc luôn cố gắng thật nhiều để các mẹ, các cô chú - những người đã dang rộng vòng tay bao bọc, che chở, nuôi dưỡng em trong Trung tâm yên tâm rằng em có thể tự mình đứng vững được trên cuộc đời đầy sóng gió dù đôi chân không lành lặn; có thể gánh vác cuộc đời mình dù đôi tay chưa bao giờ hiện hữu.

Với khát khao được vui chơi, học tập như bạn bè cùng trang lứa, ngay từ nhỏ, Lạc đã khổ công luyện tập để giờ đây, em đã vượt qua hết thảy. Dù tay phải chỉ đến khuỷu tay, tay trái chỉ có đến cổ tay, em vẫn đủ khéo léo làm được hầu hết mọi việc như người bình thường.

Lạc ham học. Nhưng do không có đôi bàn tay nên em gặp vô vàn khó khăn trong việc cầm bút. Thời gian đầu tập cầm bút bằng hai cánh tay, em không thể giữ chặt được và bút liên tục rơi. Hay như khi học vi tính, do bấm bằng cùi tay nên em luôn bấm 2,3 phím một lần. Mọi thứ không theo ý mình, có lúc tưởng chừng như Lạc phải bỏ cuộc. Vậy mà với lòng quyết tâm cao độ, qua bao khó khăn rèn luyện, cuối cùng trái ngọt đã đến với Lạc. Năm 2009, em đạt giải khuyến khích trong cuộc thi tin học cấp tỉnh. Em cũng đã làm chủ được cây bút, đôi cánh tay không có bàn tay như có ma thuật điều khiển cây bút cho con chữ hiện ra. Ma thuật được tạo ra từ tinh thần thép, từ ý chí quyết tâm không mệt mỏi của Lạc đã giúp em đi trọn quãng đời học sinh tiểu học, Trung học cơ sở, rồi Trung học phổ thông với đầy ắp những kỉ niệm vui buồn.

Tinh thần lạc quan

Năm 2017, Trần Văn Lạc thi đậu vào khoa Tâm lý giáo dục và Công tác xã hội Trường Đại học Quy Nhơn. Khi được hỏi tại sao lại chọn ngành Công tác xã hội, Lạc chia sẻ: “Em mong muốn sau này có thể góp phần giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh như mình”. Chàng sinh viên Lạc luôn lạc quan, vui vẻ, hòa đồng với bạn bè và rất hăng hái tham gia các phong trào, hoạt động tập thể: vui chơi, ca hát, bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, cờ tướng, cờ vua…

Trần Văn Lạc giúp đỡ những em nhỏ và người già có hoàn cảnh như mình trong Trung tâm

tgcc

Em thoáng buồn khi nói về khiếm khuyết của bản thân: “Ai cũng mong muốn mình sinh ra trên đời được lành lặn, khỏe mạnh chị ạ. Nên nếu nói là không buồn thì sẽ là nói dối. Nhưng em không vì thế mà bi quan, tự ti đâu bởi em nghĩ mình còn may mắn hơn rất nhiều người. Đôi chân em vẫn đi được tới mọi nơi, em vẫn có thể sử dụng hai cánh tay để làm mọi việc, có đôi tai để nghe mọi âm thanh cuộc sống và đôi mắt để ngắm nhìn mọi thứ xung quanh”.

Lạc nhắn biểu tượng mặt cười rồi nhanh chóng gửi cho tôi những tấm hình kỉ yếu em chụp với các bạn cùng lớp hôm nhận bằng tốt nghiệp Đại học vào tháng 6 năm 2021. Bên bạn bè, nụ cười em rạng rỡ như khẳng định rằng bao thiếu thốn, mất mát chỉ là thử thách đối với Trần Văn Lạc.

Lạc luôn tâm niệm: “Cuộc đời không bao giờ đóng cửa ai, nếu mình có quyết tâm vẫn tìm ra con đường đi cho riêng mình. Đừng bao giờ từ bỏ khi gặp phải khó khăn, thất bại. Bởi chính những khó khăn, thất bại đó sẽ giúp chúng ta mạnh mẽ thêm”. Tôi tin điều Lạc nói là thật, bởi hàng ngày trên facebook của em, tôi không bao giờ gặp những than vãn mệt mỏi, chán nản mà tràn ngập niềm vui, năng lượng sống.

Hạnh phúc mỉm cười

Cuối năm 2021 là mốc thời gian đầy niềm vui và hạnh phúc của Lạc. Em đã tìm lại được gia đình của mình. Mẹ em đến đón em về trong niềm rưng rưng xúc động. Nhìn những bức hình em cười vui ánh mắt chụp cùng mẹ, cùng các em của mình trong dịp Tết, có lẽ những bạn bè, những người quan tâm tới em không giấu nổi niềm xúc động. Mọi người mừng cho em, vậy là từ nay, cánh chim lạc bầy nhỏ bé ngày nào đã tìm về được tổ ấm của mình.

Lạc trong chuyến đi thăm những hoàn cảnh khó khăn

tgcc

Niềm vui đoàn tụ như ngọn lửa hồng sưởi ấm trái tim khao khát yêu thương, như nguồn sống tiếp thêm sức mạnh cho Lạc vững bước đôi chân trên đường đời. Ra Tết, em tạm biệt gia đình thân yêu, trở lại thành phố Quy Nhơn tìm việc. Giờ đây, em đang làm việc cho một công ty TNHH chuyên cung cấp đồ điện gia dụng. Em vui lắm, ngoài những lúc làm việc – giới thiệu mặt hàng của công ty đến với mọi người qua các trang mạng, tư vấn, trả lời khách hàng thì em còn có sở thích nấu ăn. Các món ăn Lạc nấu cũng đa dạng, bắt mắt chẳng kém gì ai.

Dù ở đâu, Lạc cũng luôn nhận được sự quan tâm, yêu thương của mọi người và ngược lại, em cũng luôn dành sự quan tâm, yêu thương của mình đến tất cả. Nhất là những người có hoàn cảnh không may mắn. Ngày 25.3.2022 – ngày Công tác xã hội, em chia sẻ trên facebook của mình: “Hiện tại, mình đang làm dự án “Khảo sát về chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người khuyết tật” của Trung tâm nghiên cứu chính sách và phát triển Depocen, social impact và Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ. Hai tuần vừa qua, tuy có hôm mình kiệt sức, có hôm đau, có hôm nhịn đói, thiếu ngủ,… nhưng mình cảm thấy rất vui khi được cống hiến sức lực của mình và được nhìn thấy những nụ cười hạnh phúc của “họ”. Luôn tự nhủ bản thân phải cố gắng nhiều hơn nữa. Hiện tại còn một vài điều chưa thực hiện được nhưng trong “từ điển” của mình không bao giờ có khái niệm thất bại và bỏ cuộc”.

Đọc dòng tâm sự của Lạc, tôi chợt nhớ tới câu văn trong truyện ngắn Mùa lạc của nhà văn Nguyễn Khải: “Ở đời này không có đường cùng, chỉ có những ranh giới. Điều cốt yếu là phải có sức mạnh để vượt qua những ranh giới ấy”. Đối với Lạc, cuộc đời còn nhiều lắm những ranh giới nhưng tôi tin em chắc chắn có đủ bản lĩnh và nghị lực vượt qua tất cả để chinh phục bầu trời phía trước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.