Trong miền ký ức của tôi, bánh sen chấy là món đặc biệt chỉ có trong ngày tết. Dù hiện nay, loại bánh này không còn phổ biến nhưng với nhiều gia đình người Huế, bánh sen chấy vẫn không thể thiếu mỗi dịp xuân về.
Bánh sen chấy được xem là món ngon, sang trọng, dùng uống trà tiếp khách đầu năm mới. Sát tết, sen tươi khá đắt nên không phải nhà nào cũng làm loại bánh này. Có nhiều cái tết, sen đắt đỏ, mẹ tôi phải thay thế nguyên liệu hạt sen bằng đậu xanh. Tuy hình thức tương đối giống nhau nhưng hương vị bánh sen chấy đúng điệu luôn khác biệt. Trong suy nghĩ bé thơ, hễ đến nhà nào có bánh sen chấy là giàu lắm.
Hồi ấy, bánh trái không nhiều như bây giờ. Trẻ con chúng tôi lúc nào cũng thòm thèm đủ thứ. Bánh sen chấy trở thành món ngon xa xỉ. Mỗi khi người lớn làm bánh, trẻ con đều ngồi quanh bếp để xem.
Tiết trời những ngày cuối năm xứ Huế thường lạnh cắt da cắt thịt. Ngày làm bánh, mẹ tôi thức dậy từ tờ mờ sáng để chuẩn bị nguyên liệu và củi lửa. Anh em chúng tôi cũng bật dậy theo.
Bên bếp lửa hồng, mẹ tỉ mẩn bóc từng hạt sen, lấy từng tim sen nhỏ xíu. Sen sau khi được làm sạch sẽ, đem hấp chín, tán nhuyễn rồi dáo với đường thành một hỗn hợp sóng sánh, thơm phức. Chiếc khuôn đồng hình chữ nhật được làm nóng trên than đang đỏ. Mẹ cẩn thận cho một ít hỗn hợp ấy lên khuôn, dùng muỗng chấy đều thành một lớp mỏng, rồi nhanh chóng dùng chiếc đũa tre cuộn tròn thành hình ống cỡ bằng ngón tay. Để bánh không bị dính, mẹ thường quết một lớp dầu mỏng lên mặt khuôn. Điều quan trọng là phải đổ bánh làm sao độ chín vừa tới, bánh không bị khô hằn thì mới có thể cuộn tròn.
Những chiếc bánh nhỏ nhắn được sấy khô cẩn thận với than. Mùi bánh chín thơm dậy cả gian bếp. Mặc cho cái lạnh ngoài trời, mẹ tôi vẫn lấm tấm mồ hôi trên trán, còn anh em chúng tôi thì co ro bên mẻ bánh hấp dẫn. Sau khi sấy khô bánh, mẹ tôi cẩn thận cho vào hộp đậy kín và đợi tết.
Bánh được làm từng cái nên khá kỳ công. Mỗi que bánh đều giòn ngon với hương sen khó cưỡng. Cho vào miệng tan dần trong lưỡi với vị ngọt thanh của sen. Thật khó diễn tả hết vị ngon của bánh bởi trong nó có cả vị ngọt của tình mẹ và “mùi” của tết. Háo hức, đợi chờ, tràn ngập niềm vui...
Bình luận (0)