Ruốc muối xổi (còn gọi là ruốc bóp) có thể làm ngập ngừng bước chân người qua ngõ bằng mùi thơm ràng rịt.
Rồi còn mắm ruốc nữa, thả vào đó chút ớt tỏi thì bánh tráng, bún tươi, cả bánh bèo, bánh xèo biết bao nhiêu cho đủ! Lại nhớ, không riêng gì đám trẻ làng, người lớn vẫn cứ ghiền món bánh tráng giòn rưới mắm ruốc, hơ lại trên lửa than rồi thoa lên chút mỡ hành, giá hiện nay 2.000 đồng một miếng. Nó vừa mặn vừa ngọt vừa thơm, ăn tới "cành hông" mà miệng vẫn chóp chép.
Nhiêu đó chưa hết những món ngon mà ruốc mang lại từ đôi bàn tay khéo léo của người nội trợ làng chài. Tôi chỉ muốn nói tới món ruốc trộn mà rất nhiều người làng này (ở Sa Huỳnh, Quảng Ngãi) coi như món "bất ly mâm". Cái món dân dã mà "thách" cả nhà giàu này có mấy "giờ vàng" để ăn. Ăn với bánh tráng vào nửa buổi chiều nắng quái để nạp năng lượng làm việc cho mấy giờ còn lại. Ăn lúc gần cuối ngày là nhóm ngư dân lai rai với tí "cay cay" trước khi ra biển "oánh sẫm" (đánh lưới, câu cá lúc trời nhá nhem tối). Ngoài ra, ruốc trộn còn được ăn với cơm trong bữa chính cho nhẹ bụng. Nói là "ăn với cơm" nhưng cả nhà cứ ruốc trộn mà ăn nên thường là cơm còn dư.
Lớp trẻ làng tôi đứa nào cũng "sinh viên" phổ thông cấp 2, cấp ba. Chúng nó đặt tên một cách rất… âm nhạc cho món ruốc trộn là bản "mashup". Ruốc, bún mì, xà lách phối vào như… một đoạn của bài này nối tiếp một đoạn của bài khác… để tạo một giai điệu hay và mới lạ. Trong tổ hợp ruốc, bún mì và xà lách, mỗi thứ tưởng chẳng ăn nhập gì nhau nhưng đã phối kết để làm nên một món ăn hoàn chỉnh.
Ruốc từ biển, bún mì được chế biến từ củ mì, rau xà lách thì… đất vườn cung cấp. Nằm chung đĩa với tí gia vị mắm đường ớt tỏi, món ruốc trộn ăn không biết... mệt! Ruốc rang vàng, hơi giòn một chút nên rất thơm. Những con ruốc bám trên từng sợi bún, từng lá rau. Mỗi thứ mỗi vị để cho ra một thứ hương riêng chung hòa hợp. Riêng "anh" bún mì dai dai, deo dẻo đóng vai trò kéo dài thời gian nhai để cái giòn ngọt của ruốc, cái thơm khiêm nhường mộc mạc của rau từ tốn tiết ra mùi vị đậm đà.
Thưởng thức món ruốc trộn không thể thiếu bánh tráng nướng thật giòn. Gắp miếng ruốc trộn thả lên miếng bánh tráng mà nhai rôm rốp thì cái ngon của món ăn được nhân lên gấp bội. Ăn… âm thanh là có thật. Tiếng vỡ giòn rôm rốp của bánh tráng tạo cảm giác sảng khoái và hân hoan một cách lạ kỳ. Có lẽ vì vậy đa số các món ăn miền Trung thường có bánh tráng gạo hoặc bánh tráng mì kèm theo chứ không riêng gì món ruốc trộn.
Các "thể loại" ruốc từ tươi tới héo tới khô vẫn đang được dân làng chài chế biến hằng ngày để sẵn sàng "phủ sóng" lên những tháng kế tiếp. Vậy nên các món ăn như bún riêu, nước chấm bánh căn, bánh xèo, nước chan bún tươi, chấm rau sống… đều không lo thiếu mắm ruốc.
Bình luận (0)