Hút 2 triệu m3 nước từ lòng đất mỗi ngày

18/06/2019 15:18 GMT+7

Đã có nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước chỉ ra mối liên hệ giữa việc khai thác nước ngầm với sụt lún mặt đất cũng như tác động cộng hưởng của các yếu tố tự nhiên.

Báo cáo tổng hợp của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) trình bày tại Hội nghị Chính phủ về phát triển ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (Nghị quyết 120) cho biết: ĐBSCL là một trong các vùng có tiềm năng nước dưới đất lớn nhất nước ta, gồm 7 tầng chứa nước chính, chiều sâu phân bố từ vài chục mét đến 500-600 m. Các khu vực tiềm năng lớn gồm: Bạc Liêu, Long An, Đồng Tháp, Cà Mau, Trà Vinh, Cần Thơ. Trữ lượng khai thác tiềm năng nước nhạt khoảng 22,5 triệu m3/ngày. Trong đó, trữ lượng khai thác an toàn khoảng 4,5 triệu m3/ngày.
Tuy nhiên, tình trạng khai thác nước ngầm quá mức không chỉ riêng vùng ĐBSCL mà các nghiên cứu thời gian qua chỉ ra rằng TP.HCM cũng là vùng có nguy cơ cao.

Sụt lún vì khai thác nước ngầm

Hiện ĐBSCL và TP.HCM có khoảng 9.650 giếng khai thác nước ngầm cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất,  với quy mô từ 10 m3/ngày trở lên. Riêng TP.HCM có khoảng 1.920 giếng, với lưu lượng khai thác 519.000 m3/ngày. Tổng lưu lượng khai thác của các giếng nêu trên gần 2 triệu m3/ngày.
Sơ đồ các nguyên nhân gây ra sụt lún Viện khoa học tài nguyên nước
Các nhà khoa học trong nước cũng có một số kết quả nghiên cứu tương tự. Đáng chú ý là nghiên cứu do Bộ TN-MT thực hiện. Đề án “Điều tra, đánh giá việc khai thác, sử dụng nước dưới đất, tác động đến sụt lún bề mặt đất khu vực TP.Hà Nội, TP.HCM và ĐBSCL, định hướng quản lý khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước dưới đất” được triển khai thực địa từ năm 2018, dự kiến kết thúc năm 2020. Kết quả sơ bộ về hiện trạng khai thác nước dưới đất khu vực TP.HCM và ĐBSCL.
Sụt lún có nhiều nguyên nhân về cả tự nhiên và tác động của con người. Các yếu tố gây sụt lún đất bao gồm: suy giảm phù sa, hoạt động xây dựng công trình tập trung; độ rung do hoạt động giao thông vận tải, khai thác nước dưới đất quá mức. Đến nay, chưa có nghiên cứu, đánh giá cụ thể để xác định mức độ tác động của từng nguyên nhân gây lún nêu trên. Nhưng khai thác nước dưới đất quá mức là một trong những nguyên nhân gây sụt lún đất ở khu vực TP.HCM và ĐBSCL.

562 vị trí sạt lở

Khi nền đất bị sụt lún, lớp đất mặt vốn có độ cố kết thấp sẽ bị ép xuống, tiếp xúc với dòng chảy sông ngòi và dòng biển. Kết quả là quá trình xói lở, trượt đất trở nên dễ dàng hơn và có xu hướng xảy ra theo hiệu ứng “domino”, một khu vực bị sạt lở, nước sẽ mau chóng tràn ngấm vào vùng lân cận và tiếp tục tạo ra các hố sạt lở tiếp theo. Đến năm 2018, ĐBSCL có 562 vị trí bờ sông, bờ biển bị sạt lở, với tổng chiều dài 786 km, trong đó có 42 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài 149 km (bờ sông có 26 vị trí sạt lở với tổng chiều dài 65 km, bờ biển 16 vị trí sạt lở với tổng chiều dài 84 km).
Tình hình sạt lở không những diễn ra vào mùa mưa mà còn xuất hiện cả mùa khô, diễn ra ở các tuyến sông chính cho đến các hệ thống kênh, rạch với mức độ ngày càng nhiều và nguy hiểm, điểm nguy hiểm nhất thuộc tỉnh Cà Mau với tổng chiều dài 14 km. Từ xã Gành Hào (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu), dải bờ biển dài 200 km qua Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang cũng bị sạt lở nghiêm trọng.
Đồ thị, lưu lượng và mật độ khai thác nước dưới đất theo tỉnh Bộ TN-MT
Mức độ, tốc độ lún trung bình thời kỳ 2005-2017 theo địa phương Bộ TN-MT

Giải pháp đồng bộ

Bộ TN-MT đề xuất giải pháp: Điều tra, khoanh định các khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất. Trước hết tập trung khoanh định các khu vực cần hạn chế do khai thác quá mức. Lập bản đồ phân vùng lún cho toàn vùng (chi tiết đến cấp xã) trên cơ sở sử dụng công nghệ ảnh viễn thám qua các thời kỳ và tích hợp cùng với bản đồ ngập mặn do tác động của nước biển dâng toàn vùng làm cơ sở để triển khai thực hiện các giải pháp thích nghi, ứng phó. Xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống theo dõi, giám sát diễn biến sụt lún đất, nhất là tại một số khu vực có mức độ lún cao. Nghiên cứu áp dụng các giải pháp để tăng cường khả năng trữ nước ngọt cho vùng ĐBSCL nhằm đưa phù sa vào nội đồng, trữ nước ngọt, giảm dần việc khai thác nước dưới đất. Nghiên cứu áp dụng các giải pháp lưu giữ nước mưa ở các khu đô thị, dân cư tập trung.

Kết quả nghiên cứu của một số tổ chức quốc tế:

- Dự án “Nghiên cứu giai đoạn 1 - sự sụt lún đất ở bán đảo Cà Mau” do Viện Địa kỹ thuật Hoàng gia Na Uy (NGI) hiện năm 2012. Kết quả nghiên cứu trong 20 năm qua tỉnh Cà Mau đã mất đất hoặc bờ biển bị lùi vào từ 100 m đến 1,4 km. Đánh giá sơ bộ, sụt lún ở Cà Mau có thể đã lên đến 30 - 70 cm ở nhiều nơi. Giai đoạn 2 của Dự án kết quả đo năm 2017 - 2018 cho thấy ở Cà Mau, tốc độ lún trung bình là 3 cm/năm.
- Tập đoàn CLS (Pháp) đã có nghiên cứu giám sát biến động bề mặt đất ở TP.HCM giai đoạn 2015-2017. Kết quả bước đầu cho thấy tốc độ lún đất trung bình 11,1 mm/năm có nơi đến 38,7 mm/năm.
- Nghiên cứu của Đại học Stanford (Mỹ) Nghiên cứu tương quan giữa khai thác nước dưới đất, sụt lún đất và nước biển dâng ở đồng bằng sông Mê Kông Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho rằng khai thác nước dưới đất quá mức là một nguyên nhân gây sụt lún đất. Việc suy giảm mực nước quá mức với tốc độ 0,3m/năm và sự nén ép của các lớp trầm tích gây ra sụt lún đất do khai thác nước dưới đất có tốc độ trung bình là 1,6 cm/năm.
- Đề tài nghiên cứu lún của Đại học Utrech Hà Lan (năm 2014), kết quả đưa ra là trong 25 năm, ĐBSCL bị lún trung bình khoảng 18 cm do hậu quả của việc hạ thấp mực nước dưới đất, mô hình đã ước lượng sụt lún trung bình hiện tại do khai thác nước dưới đất là 1,1 cm/năm, một số khu vực trên 2,5 cm/năm với xu hướng ngày càng tăng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.