Hụt hơi chạy theo đổi mới: 2 giải pháp cho một kỳ thi quốc gia

11/07/2018 07:51 GMT+7

Nhiều ý kiến cho rằng nếu còn tổ chức một kỳ thi quốc gia thì Bộ GD-ĐT chỉ nên đặt một mục tiêu là để xét tốt nghiệp, còn việc tuyển sinh ĐH là việc của các trường.

Còn nếu bắt buộc phải theo cho hết lộ trình đổi mới thi đến năm 2019, Bộ nên có 2 phần thi riêng.
Đề thi gồm 2 phần khác nhau
Theo TS Đỗ Thị Ngọc Quyên, chuyên gia độc lập về giáo dục, với chúng ta, khảo thí là lĩnh vực mới, chuyên gia thiếu và chuyên môn còn non kém, việc đi học hỏi từ các tổ chức khảo thí uy tín tổ chức các bài thi chuẩn hóa như SAT, ACT là hợp lý. “Tuy nhiên, việc ghép hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi ĐH vào một kỳ thi thì tôi không rõ lãnh đạo ngành giáo dục học từ đâu”, TS Quyên nói và góp ý: “Nếu có thể làm được đề chuẩn như đề SAT thì cũng là quá tốt. Kể cả việc bài thi này đang được một số trường xem xét lại trong việc sử dụng để tuyển sinh. Nhưng cho dù giả sử chúng ta có thể thiết kế được bài thi chất lượng tốt như SAT đi chăng nữa mà “phương tiện” này không phù hợp với “mục đích” thì cũng không đạt được kết quả mong muốn”.
Còn theo TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT, với những nước chậm phát triển, muốn không lẹt đẹt chạy theo thì phải “đi tắt đón đầu”, vấn đề hiện nay là đừng để bị lạc khi “chạy theo”.

TS Tùng cũng cho rằng rất khó hiểu khi Bộ GD-ĐT dày công tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia mà mục tiêu chính là xét tốt nghiệp, trong khi tỷ lệ đỗ là hơn 90%. “Rất khó định danh kỳ thi THPT quốc gia hiện nay là kỳ thi gì! Thi tốt nghiệp thì không phải vì kết quả thi chỉ có giá trị 50% trong xét tốt nghiệp. Thi tuyển sinh ĐH cũng không phải, vì em nào cũng phải thi kể cả không có nhu cầu xét tuyển ĐH”, TS Tùng nhận xét.
TS Võ Sỹ Nam, ĐH Chicago (Mỹ), cũng nhận định rất khó để thiết kế một đề thi 2 trong 1 cho tốt, vì tính chất 2 kỳ thi khác nhau, nên nếu muốn duy trì kỳ thi, cần có một giải pháp đơn giản. Đó là trong một buổi thi tách riêng ra 2 phần. Một phần để thí sinh làm bài thi tốt nghiệp (có thể thi trắc nghiệm). Làm xong thu bài, cho thí sinh nghỉ ngơi độ 15 phút, sau đó làm đề tiếp theo là đề tuyển chọn vào ĐH (90 phút). Đề thứ 2 này các câu đều khó hơn trung bình và có tính phân loại cao (có thể trắc nghiệm hoặc tự luận). Các trường ĐH có thể căn cứ vào kết quả cả 2 phần để chọn người theo cách phù hợp với họ. “Phương án này không có gì mới, đã được đề cập hoặc áp dụng ở nhiều nơi, và không thể không có chuyện Bộ GD-ĐT không biết gì về điều này”, TS Nam phát biểu.
Trường ĐH tự chủ tuyển sinh
Theo TS Lê Trường Tùng, thất bại của Bộ GD-ĐT trong việc tổ chức kỳ thi 2 trong 1 là vì trộn lẫn các vấn đề với nhau, nên trong giải pháp có những mối gỡ không khớp nhau. Vì thế, giải pháp duy nhất để gỡ những rối ren đó là Bộ GD-ĐT chỉ tổ chức kỳ thi tốt nghiệp nếu thấy vẫn cần phải có một kỳ thi quốc gia, các trường ĐH dùng kết quả thế nào là việc của trường. Tuyệt đối không đặt vấn đề thi 2 trong 1, không thành chính sách quốc gia là đề thi phải bao nhiêu phần trăm cơ bản, bao nhiêu là nâng cao nữa. Và nếu là đề thi tốt nghiệp thì cứ phân hóa theo chuẩn, những bài thi đạt yêu cầu là gồm 5 mức A, B, C, D, E.
Để cho các trường ĐH được thực sự tự chủ trong tuyển sinh cũng là vấn đề mà GS Ngô Bảo Châu đã đề cập từ cách đây hơn 4 năm, khi góp ý cho Bộ GD-ĐT trong việc chọn phương án đổi mới thi. Theo GS Ngô Bảo Châu, chìa khóa cho phát triển ĐH VN vẫn là vấn đề được tự chủ, trong đó có tự chủ về tuyển sinh. Không nên ép tất cả các trường tuyển sinh dựa vào kết quả của kỳ thi phổ thông hay một kỳ thi trung gian nào đó. Có thể để cho những trường nhỏ, hoặc những trường chưa đủ trình độ tổ chức một kỳ thi tuyển sinh… được tham gia một kỳ thi tuyển sinh chung. Còn những trường lớn đủ tự tin, đủ khả năng đảm bảo sự tự chủ của mình thì để cho họ tự tổ chức kỳ thi của họ. “Về mặt nguyên tắc, để đạt được cái tối ưu thì mỗi trường nên làm một cách khác nhau, có một sự phối hợp trên quy mô quốc gia để các kỳ thi không chồng chéo nhau”, GS Ngô Bảo Châu nói.
TS Võ Sỹ Nam cho biết thực ra các trường ĐH của Mỹ, bao gồm cả những ĐH danh tiếng, vẫn liên tục thực hiện các bước cải cách, trong đó có cải cách về tuyển sinh. “Vấn đề là họ tự chủ, nên các cải cách đó không ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống như mình. Thường thì các trường tinh hoa cải cách trước, các trường khác học theo. Nhưng ở VN mình, vì chưa tự chủ, nên rất khó. Mọi cái trông chờ ở Bộ GD-ĐT, mà Bộ lại thiếu chuyên gia, nên cải cách nhiều nhưng cũng tạo ra nhiều tác động xấu từ những cải cách này lên toàn hệ thống. Một quan điểm tiến bộ mà ĐH Mỹ đạt được trong cải cách tuyển sinh là hướng tới xét nhiều khía cạnh của một con người. Nhưng áp dụng ở VN là rất khó, ngoài vấn đề quan điểm, nhận thức còn do môi trường giáo dục chưa đảm bảo minh bạch, công bằng”, TS Nam nói.
TS Nam đề xuất: “Do điều kiện hoàn cảnh của VN khác Mỹ nên cũng không thể rập khuôn Mỹ được. Vì thế, Bộ nên đề cập nhiều hơn đến mô hình thi cử của Trung Quốc, Nhật với Hàn (giống VN hơn). Tuy vậy, ngay cả các nước này cũng đang phải cải cách nên cũng cần học từ sai lầm của họ”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.