Sáng 30.10, TAND cấp cao tại TP.HCM đã tuyên án vụ nhập 9.300 hộp thuốc H-Capita chữa bệnh ung thư 'không được sử dụng cho người'
Theo đó, HĐXX cấp phúc thẩm đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại theo kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TP.HCM (VKS).
[VIDEO] Khoảnh khắc tòa phúc thẩm tuyên hủy toàn bộ án sơ thẩm để điều tra lại theo kháng nghị
Bị cáo Nguyễn Minh Hùng và các đồng phạm bị dẫn giải đến tòa vào sáng 30.10 Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Củng cố chứng cứ làm rõ H-Capita là thuốc giả
HĐXX cấp phúc thẩm nhận định đây là một vụ án lớn, gây dư luận xã hội quan tâm, cấp sơ thẩm chưa phản ánh đúng mức độ, hành vi phạm tội của các bị cáo cũng như tính chất vụ án; có dấu hiệu lọt người, lọt hành vi phạm tội, không phản ánh đúng tinh thần đấu tranh phòng chống tội phạm.
HĐXX hỏi 'Bị cáo đặt thuốc từ nơi này, nhập thuốc không rõ nguồn gốc, làm hồ sơ nhập từ một nơi khác, nâng giá thuốc bán kiếm lời?' Bị cáo Hùng: 'Thưa, đúng'. HĐXX: 'Như vậy chính là làm giả thuốc'. Bị cáo Hùng im lặng.
Dựa vào hồ sơ vụ án cho thấy thuốc không rõ nguồn gốc, các bị cáo cũng khai không biết thuốc nguồn gốc từ đâu. Pháp luật Việt Nam chỉ rõ: “Thuốc giả là sản phẩm được sản xuất dưới dạng thuốc với ý đồ lừa đảo, thuộc một trong những trường hợp sau đây: Không có dược chất; Có dược chất nhưng không có hàm lượng đã đăng ký; Có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn; mạo tên, kiểu dáng công nghiệp của thuốc đã đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp của cơ sở sản xuất khác" (khoản 24, điều 2, luật Dược 2005).
HĐXX nhận định, dựa vào các quy định, định nghĩa về hàng giả khác, cho thấy nghi vấn "thuốc H-Capita là thuốc giả" là có cơ sở, trong khi đó, kết luận giám định chỉ nêu "thuốc không được sử dụng cho người". Vì vậy, cấp sơ thẩm xử tội "buôn lậu" cho các bị cáo là chưa phù hợp.
HĐXX phúc thẩm tuyên chấp nhận kháng nghị, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm vụ VN Pharma, trả hồ sơ yêu cầu điều tra lại Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Nhưng để xác định tội danh một cách đầy đủ với chứng cứ, lập luận vững chắc hơn, cần trưng cầu giám định lại lô hàng, vì Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) là đơn vị cấp phép nhập khẩu, quá trình cấp phép có nhiều thiếu sót, sai phạm, là đối tượng cần xem xét trong vụ án này, nhưng lại tham gia giám định tư pháp lô hàng do chính mình cấp phép…
Một lần nữa, HĐXX cấp phúc thẩm nhận định kháng nghị của VKS đề nghị xem xét các bị cáo đã có dấu hiệu phạm tội “sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh” là có cơ sở.
Chiều 23.10, TAND cấp cao tại TP.HCM đã ra quyết định bắt tạm giam 2 bị cáo Nguyễn Minh Hùng, Võ Mạnh Cường. Sau khi nghe đọc lệnh bắt tạm giam, bị cáo Hùng đã ngất xỉu tại chỗ
Làm rõ trách nhiệm của Cục quản lý dược
Theo chứng cứ thu thập được, bằng thủ đoạn tương tự, có 3 loại thuốc các bị cáo đã vào Việt Nam tiêu thụ. Để xảy ra tình trạng này, có vai trò rất lớn của Cục quản lý dược.
Tại phiên tòa, qua chất vấn cho thấy Cục quản lý dược có nhiều thiếu sót như cấp phép cho Công ty Helix tại Việt Nam hoạt động; Tổ thẩm định có 3 người không ký tên đồng ý cấp phép nhưng không có biên bản nêu lý do. Tại tòa, đại diện Bộ Y tế, Cục quản lý dược cho rằng "không cần ý kiến, lý do 3 chuyên gia" này là không phù hợp.
Ngày 23.10, Bộ Y tế có công văn trả lời 11 câu hỏi của TAND cấp cao tại
TP.HCM, liên quan đến vụ án buôn lậu, làm giả con dấu, tài liệu của cơ
quan, tổ chức, xảy ra tại Công ty CP VN Pharma.
Tại tòa, luật sư và bị cáo cung cấp chứng cứ mới, khẳng định Công ty Helix Canada là có thật, trong khi đó hồ sơ điều tra cho thấy công ty này không có thật. Điều này cũng cần phải làm rõ.
HĐXX nhận định cần tiến hành điều tra làm rõ trách nhiệm của cá nhân thẩm định, cấp phép thuốc H-Capita cũng như 7 loại thuốc trước đó để xác định tội danh phù hợp; trách nhiệm của Cục quản lý dược cấp phép hoạt động cho Công ty Helix tại Việt Nam.
Từ đó, HĐXX cũng chấp nhận nội dung này theo kháng nghị của VKS. Ngoài ra, HĐXX nhận định, chấp nhận những nội dung kháng nghị khác của VKS, đề nghị làm rõ 7,5 tỉ đồng là chi hoa hồng cho ai, từ lô hàng nào, và đây là tiền tang vật của vụ án nên cần tịch thu sung công quỹ.
Sáng 20.10, tại phiên tòa phúc thẩm vụ án VN Pharma, đối với việc giám định của Bộ Y tế, VKS nhận định có nhiều mâu thuẫn, không khách quan.
Trước đó, ngày 25.8, TAND TP.HCM xử sơ thẩm tuyên phạt Nguyễn Minh Hùng, nguyên Tổng giám đốc VN Pharma, 12 năm tù về tội “buôn lậu”.
Nguyên giám đốc Công ty TNHH thương mại hàng hải quốc tế H&C Võ Mạnh Cường 12 năm tù về tội “buôn lậu”.
Các đồng phạm Nguyễn Trí Nhật (nguyên Phó tổng giám đốc VN Pharma) 5 năm tù; Ngô Anh Quốc (nguyên Phó tổng giám đốc VN Pharma) 4 năm tù Phan Cẩm Loan (nguyên Phó trưởng phòng XNK VN Pharma) 3 năm 6 tháng tù; Lê Thị Vũ Phương (nguyên kế toán trưởng VN Pharma) 3 năm tù; Bùi Ngọc Duy (nguyên Trưởng phòng nghiên cứu phát triển VN Pharma) 1 năm 6 tháng tù; Phạm Anh Kiệt (nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV dược Sài Gòn - Sapharco) 2 năm tù treo; Phạm Văn Thông (dược sĩ) 2 năm tù treo.
Bình luận (0)