Cuộc hành trình hơn 2 thập kỷ qua của tín dụng chính sách vì an sinh xã hội, đặc biệt sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư (Chỉ thị) về "tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội ở huyện Anh Sơn, đã góp phần làm thay đổi diện mạo vùng đất trung du miền núi nằm về phía Tây nam tỉnh Nghệ An, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho nhân dân.
Kết quả này là sự nỗ lực, sáng tạo của các cấp ủy, chính quyền, ban ngành đoàn thể và hơn cả là sự chung sức đồng lòng của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã huy động nguồn vốn tăng trưởng nhanh, chuyển tải kịp thời nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước tới đúng các đối tượng thụ hưởng, góp phần đắc lực chương trình kế hoạch phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Điểm nổi bật trong thực hiện Chỉ thị 40 trong thời gian qua là Huyện ủy, UBND huyện Anh Sơn đã đưa hoạt động tín dụng xã hội thành nhiệm vụ thường xuyên, nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch triển khai kế hoạch phát triển kinh tế hàng năm và cả giai đoạn 2021-2025 của các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trên địa bàn; đồng thời tập trung huy động các nguồn lực cho tín dụng ưu đãi lồng ghép, các nguồn vốn đầu tư có hiệu quả với phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nông dân.
Giám đốc NHCSXH huyện Anh Sơn, ông Trần Khắc Thi, cho biết: Ngay từ năm đầu tiên (2014) triển khai thực hiện Chỉ thị 40 cho đến nay, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến thôn xã đã có sự đồng thuận, thống nhất quan điểm về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của tín dụng chính sách trong việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, thường xuyên quan tâm chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện về mọi mặt cho hoạt động tín dụng chính sách.
Với sự vào cuộc tích cực và sâu rộng của cấp ủy, chính quyền địa phương, quá trình triển khai Chỉ thị 40, dòng vốn tín dụng chính sách trên quê hương Anh Sơn cùng với các chương trình tín dụng ưu đãi của Nhà nước, đã tăng thêm hiệu quả rõ rệt.
Cụ thể, đến ngày 30.4.2024, nguồn vốn ngân sách do UBND huyện Anh Sơn chuyển sang NHCSXH là 3.462 triệu đồng, góp lực nâng tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn đạt trên 675 tỉ đồng, tăng 344 tỉ đồng so với thời điểm trước khi Chỉ thị số 40, cùng hơn 10.000 khách hàng có dư nợ.
Nguồn vốn tín dụng chính sách có sự tăng trưởng cao bởi nguồn vốn NHCSXH cấp trên chuyển về nhiều, nguồn tiền gửi tiết kiệm hằng tháng của đông đảo khách hàng, kể cả các thành viên Tổ tiết kiệm và vay vốn và nguồn vốn ngân sách địa phương bổ sung ủy thác, đã được những cán bộ tín dụng chính sách huyện Anh Sơn đưa nhanh và đến đúng các đối tượng, địa chỉ thụ hưởng, góp phần quan trọng giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện từ 15,8% (năm 2014) xuống còn 4,07% năm 2023 và 15/21 xã về đích nông thôn mới.
Cùng với đó, NHCSXH huyện Anh Sơn được nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động. Các cán bộ tín dụng chính sách đã bền bỉ, tận tâm thực hiện tốt phương châm "3 cùng" (cùng bám sát cơ sở, cùng bàn bạc với chính quyền, đoàn thể và cùng hướng dẫn người nghèo vay vốn dễ dàng, sử dụng vốn vay đúng mục đích, đạt kết quả).
Chính từ hiệu quả của việc triển khai Chỉ thị 40 NHCSXH huyện Anh Sơn liên tục những năm qua đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ "đánh nghèo tại chỗ". Người nghèo và các đối tượng chính sách mới đây được hưởng lợi về chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước nên đã phấn khởi thi đua sản xuất xây dựng nhiều mô hình giảm nghèo bền vững, làm giàu chính đáng.
Tiêu biểu như bà Phan Thị Thu, thôn 4, xã Cao Sơn, đã sử dụng 50 triệu đồng vốn vay ưu đãi san phẳng thung lũng, trồng 3 ha cây keo lá chàm và nuôi 2 con bò sinh sản, thu nhập ngót 100 triệu đồng/năm, xây được căn nhà 5 gian kiên cố, khang trang.
Là một trong số đoàn viên thanh niên của xã Tam Sơn được bình xét để NHCSXH huyện Anh Sơn cho vay vốn giải quyết việc làm, anh Nguyễn Thanh Nam chia sẻ, nhận thấy điều kiện tự nhiên quê hương có nhiều thuận lợi về diện tích đất đai, nguồn nước, nguồn thức ăn, anh đã sử dụng toàn bộ số tiền vay 150 triệu đồng đầu tư nuôi lợn nái, lợn thịt và chăm sóc đồi cây keo lá chàm. Nhờ đó, đến nay, gia đình anh đã sở hữu cơ ngơi 15 con lợn nái, 100 con lợn thịt, 5 ha cây lấy gỗ xanh tốt, ước giá trị 500-700 triệu đồng, đồng thời có cuộc sống ổn định và đã trả hết nợ ngân hàng.
Chỉ thị 40 của Ban Bí thư đã thực sự đi vào cuộc sống ở huyện Anh Sơn; cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã và các ban ngành đoàn thể luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác tín dụng chính sách xã hội.
Theo ông Hoàng Xuân Cường, UV BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH Anh Sơn, thời gian tới, Ban đại diện HĐQT huyện sẽ tập trung chỉ đạo NHCSXH huyện huy động các nguồn lực, luôn bám sát chương trình, định hướng và mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương; đồng thời đảm bảo đáp ứng 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận sản phẩm, dịch vụ của NHCSXH.
Bình luận (0)