Sách Phủ biên tạp lục do nhà bác học Lê Quý Đôn (1726 - 1784) biên soạn năm 1776 có đoạn mô tả việc khai thác của chúa Nguyễn tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, như sau:
"... Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng 2 nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng năm chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy. Ở đấy tha hồ bắt chim bắt cá mà ăn. Lấy được hóa vật của tàu như là gươm ngựa, hoa bạc, tiền bạc, hòn bạc, đồ đồng, khối thiếc, khối chì, súng, ngà voi, sáp ong, đồ sứ, đồ chiên, cùng là kiếm lượm vỏ đồi mồi, vỏ hải ba, hải sâm, hột ốc vân rất nhiều. Đến kỳ tháng 8 thì về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp, cân và định hạng xong, mới cho đem bán riêng các thứ ốc vân, hải ba, hải sâm, rồi lĩnh bằng trở về [...]
Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất, hoặc người thôn Tứ Chính ở Bình Thuận, hoặc người xã Cảnh Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiền sưu cùng các tiền tuần đò, cho đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên, tìm lượm vật của tàu và các thứ đồi mồi, hải ba, bào ngư, hải sâm, cũng sai cai đội Hoàng Sa kiêm quản". Như vậy, theo Lê Quý Đôn, phương tiện đi biển của đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải là "thuyền câu nhỏ" (nguyên văn 小 钓 船 tiểu điếu thuyền).
Học giả Phan Huy Chú (1782 - 1840) trong Hoàng Việt địa dư chí (1833) thì cho rằng, thuyền đi Hoàng Sa là loại "thuyền nhỏ" (小 船 tiểu thuyền): "Tiền Vương lịch triều (các chúa Nguyễn) đặt đội Hoàng Sa 70 tên, lấy người thôn An Vĩnh luân phiên sung vào, lội trên mặt nước để lấy hải vật, mỗi năm cứ đến tháng 3, nhận chỉ thị đi làm việc, đem theo lương thực 6 tháng, đi 5 chiếc thuyền nhỏ, ra khơi 3 ngày 3 đêm mới đến đảo này, ở đó mặc tình tìm lấy, bắt cá mà ăn, lấy được rất nhiều đồ vật quý báu của thuyền chở, cùng lượm lấy khá nhiều hải vật, qua tháng 8 trở về, vào cửa Eo, tới thành Phú Xuân".
Quốc sử quán triều Nguyễn trong bộ sách Đại Nam thực lục (Phần tiền biên, khắc in năm 1848) cũng ghi lại sự kiện đội Bắc Hải dùng "thuyền nhỏ" (小 船 tiểu thuyền) làm phương tiện thực thi nhiệm vụ trên biển.
Một nhà sư người Trung Hoa là Thích Đại Sán (1633 - 1704), từng đến Đàng Trong theo lời mời của chúa Nguyễn Phúc Chu, trong cuốn Hải ngoại ký sự thì chép: "Thời quốc vương trước, hàng năm sai thuyền đánh cá đi dọc theo bãi cát, lượm vàng bạc khí cụ của các thuyền buôn tấp vào..." (Thích Đại Sán; Hải ngoại ký sự; Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam - Viện Đại học Huế; 1963). Thích Đại Sán cũng nói thuyền đánh cá ấy gọi là "thuyền điếu xá" (钓 汊 船 điếu xá thuyền).
Tiểu điếu thuyền, tiểu thuyền hay điếu xá thuyền thực ra là chiếc ghe câu (hoặc ghe câu nhỏ), một phương tiện di chuyển, đánh bắt cá xa bờ, dài ngày của ngư dân vùng duyên hải Nam Trung bộ, đặc biệt là ngư dân Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Theo mô tả của cụ Nguyễn Hạp (người xã An Hải, H.Lý Sơn, Quảng Ngãi), xuất thân từ gia đình ngư dân lâu đời, thì ghe câu có mê (đáy) chìm hẳn dưới nước, đan bằng cật tre dày, trát phân trâu, rồi quét dầu rái lên. Phần phía trên gọi là be làm bằng gỗ chò hoặc gỗ sao, có thể chồng cao hai lớp (be đôi) hay ba lớp (be ba). Cột buồm bằng gỗ kiền kiền. Một số bộ phận khác như các then, sỏ thì làm bằng gỗ mù u. Cây dầu rái, gỗ kiền kiền, gỗ chò, gỗ sao, song mây, cây lá buông (làm buồm)... là những nguyên vật liệu đóng ghe thuyền khá phong phú ở vùng núi rừng phía tây. Cây mù u - một loại cây thân gỗ, quả có thể ép lấy dầu, thì được trồng hoặc mọc hoang khắp nơi, từ triền núi đất bạc màu đến vùng đất nhiễm mặn ven biển.
Một bậc cao niên Lý Sơn khác là cụ Võ Hiển Đạt (xã An Vĩnh), người phục dựng mô hình ghe câu và ghe bầu hiện trưng bày tại Bảo tàng Hoàng Sa (Lý Sơn) và Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi, cho biết: Ghe câu có chiều dài 10 - 12 m; chiều rộng 2 - 2,5 m; chiều cao be 0,8 - 1 m; trọng tải 5 - 6 tấn. Ghe câu nhỏ, đúng như tên gọi, có kích thước nhỏ hơn, trọng tải chừng 3 - 4 tấn.
Cũng như ghe bầu, ghe câu di chuyển chủ yếu nhờ điều khiển sức gió thổi vào cánh buồm, có kết hợp mái chèo những khi cần thiết. Những lúc thiếu gió hay ngược gió, các đà công (thủy thủ) có kỹ thuật chạy "vát" rất độc đáo, bằng cách kết hợp điều chỉnh độ nghiêng của cánh buồm, dầm lái, cân bằng đòn ganh (đòn then) và đặc biệt là sử dụng linh hoạt một bộ phận có chức năng chống giạt, hình đoản đao, gọi là xiểm (lui hạ, xà bát), làm cho ghe vừa tiến về phía trước, vừa giữ được thăng bằng.
Có được ưu thế nhờ sử dụng vật liệu nhẹ, kết cấu phù hợp, ghe câu di chuyển khá nhanh và linh hoạt, với tốc độ từng làm kinh ngạc các nhà hàng hải người châu Âu. Kinh nghiệm đi biển dày dạn của ngư dân và tay nghề khéo léo của người thợ đóng thuyền đã khiến cho các loại ghe câu miền Trung trở thành phương tiện đánh bắt hải sản thuận lợi, bên cạnh đội ngũ thương thuyền (ghe bầu) đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong vận tải đường biển suốt nhiều thế kỷ. (còn tiếp)
Bình luận (0)