Huyền bí đảo Lý Sơn: Thiêng liêng Âm linh tự

08/02/2023 07:11 GMT+7

Người dân Lý Sơn tin rằng Âm linh tự là nơi thiêng liêng nhất trên hòn đảo. Gặp năm mất mùa, hạn hán, các bô lão lập đàn cầu đảo ở đây. Những ai hiếm muộn, tính chuyện làm ăn, tha hương lập nghiệp, đặc biệt là trước mỗi chuyến đi khơi, đều đến Âm linh tự xin ơn trên và người khuất mặt độ trì.

Âm linh tự (nghĩa tự, miếu âm hồn, miếu âm nhơn, am chúng sinh…) là công trình thờ tự thường gặp ở các làng, xã, xóm, ấp trên khắp đất nước VN. Đây là nơi thờ cúng vong hồn những người chết đi nhưng vì nhiều lý do không có ai thừa nhận hoặc không ai biết đến. Người xưa gọi chung những đồng loại rơi vào tình cảnh như vậy là "thập loại chúng sinh" và dành cho họ mối thương cảm mang đậm tình người. Đại thi hào Nguyễn Du cũng đã từng viết bài Văn tế thập loại chúng sinh (Văn Chiêu hồn), lưu truyền rộng rãi trong dân gian, thể hiện sự đồng cảm sâu xa giữa những người đang sống với các cô hồn bạc phận.

Huyền bí đảo Lý Sơn: Thiêng liêng Âm linh tự - Ảnh 1.

Âm linh tự ở Lý Sơn

Lê Hồng Khánh

Ở nhiều tỉnh ven biển miền Trung, trong đó có Quảng Ngãi, hằng năm đến tiết Thanh minh (khoảng tháng 3 âm lịch) người dân tảo mộ và cúng tế các vong linh cô hồn ở các âm linh tự, nghĩa tự, gọi là cúng Thanh minh.

Âm linh tự làng An Vĩnh xây dựng tại một giồng đất cao, thoáng đãng ở thôn Tây xã An Vĩnh, cách cảng Lý Sơn chừng 500 m về phía tây. Mặt tiền Âm linh tự nhìn ra hướng nam, trước sân có đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong uy nghi bề thế.

Không giống với nhiều âm linh tự, nghĩa tự, miếu cô hồn ở những nơi khác, kể cả nghĩa tự làng An Hải trên cùng huyện đảo, Âm linh tự làng An Hải có mái che, các gian thờ bài trí quy củ, hằng năm tại đây diễn ra khá nhiều nghi lễ long trọng, có sự tham gia của đông đảo dân làng. Đây cũng là nơi lưu giữ nhiều tư liệu quý liên quan đến các đội Hoàng Sa, Bắc Hải, kể cả những tư liệu là của riêng các gia đình, gia tộc được người dân tin tưởng đem lưu gửi.

Theo lời kể của các bậc cao niên, khoảng đầu thế kỷ 19, hai làng An Vĩnh và An Hải (nay là xã An Vĩnh và xã An Hải) đã có đình làng và nghĩa tự. Tuy nhiên, đến khoảng thập niên 1950, đình làng An Vĩnh bị hư hại, dân làng rước các linh vị thờ thần hoàng, các vị tiền hiền về thờ ở Âm linh tự. Vì vậy, trong hơn nửa thế kỷ, Âm linh tự làng An Hải là nơi sinh hoạt tâm linh, lễ hội dân gian tập trung của cộng đồng cư dân sở tại.

Đặc biệt, vào tiết Thanh minh hằng năm bà con các dòng tộc làng An Hải tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tại Âm linh tự, một nghi lễ đặc biệt nhằm tưởng vọng và tri ân liệt sĩ của các đội Hoàng Sa, Bắc Hải cùng các dân binh, tráng đinh đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tuần phòng trên biển, trú phòng trên các quần đảo, chống trả quân cướp biển để bảo vệ tàu thuyền, ngư dân cùng sự yên lành của làng quê đất đảo.

Huyền bí đảo Lý Sơn: Thiêng liêng Âm linh tự - Ảnh 2.

Tượng đài tưởng niệm đội Hoàng Sa

Sử cũ chép rằng, dưới thời chúa Nguyễn và tiếp sau đó là triều đại nhà Nguyễn, nhà nước phong kiến VN đã cho thành lập các hải đội Hoàng Sa, Bắc Hải làm nhiệm vụ tuần phòng trên biển, giong thuyền đến các quần đảo Hoàng Sa và Bắc Hải (Trường Sa) để thu lượm hải vật, sản vật, đo đạc hải trình, cắm mốc và dựng bia minh định chủ quyền đối với các quần đảo này.

Ngoài những vật dụng thiết yếu dùng cho người đi biển, mỗi thủy thủ can trường của các đội Hoàng Sa, Bắc Hải còn tự mình chuẩn bị 1 đôi chiếu, 7 nẹp tre, 7 sợi dây mây, 1 thẻ bài khắc tên họ, quê quán, phiên hiệu. Nếu không may người thủy thủ qua đời thì những đồng đội trên thuyền sẽ bó thi hài người xấu số cùng với chiếc thẻ khắc tên vào trong manh chiếu, nẹp dọc 7 thanh tre rồi buộc chặt lại bằng 7 sợi dây mây. Sau một vài nghi thức đưa tiễn giản đơn, thi hài sẽ được thả xuống biển. Những người còn sống gửi lên cao xanh lời cầu nguyện mong manh rằng xác thân người bạn thuyền xấu số của họ sẽ trôi dạt vào bờ biển, và nếu may mắn có ai đó vớt được nắm xương tàn thì nhờ chiếc thẻ mà biết tên họ quê quán của con người đã vị quốc vong thân. Nguyện cầu là vậy nhưng chẳng có mấy khi xác người xấu số trôi dạt được vào trong mé biển. Đó là chưa kể lắm khi cả thuyền hoặc cả hải đội bị bão tố đánh chìm… Cho đến nay người dân Lý Sơn còn truyền tụng nhiều câu ca nói về những hiểm nguy, gian khổ mà người lính Hoàng Sa, Trường Sa phải chịu đựng trong khi thi hành nhiệm vụ:

"Trường Sa đi có về không

Lệnh vua sai phải quyết lòng ra đi"

"Hoàng Sa trời bể mênh mông

Người đi thì có mà không thấy về

Hoàng Sa mây nước bốn bề

Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa"

Từ năm 2010, khi đình làng An Hải được phục dựng, linh vị thần hoàng, các vị tiền hiền và tử sĩ Hoàng Sa, Bắc Hải được rước về thờ tự ở đình làng. Tuy vậy, vong linh những người lính Hoàng Sa, Bắc Hải vẫn còn được thờ vọng tại Âm linh tự và người dân thường xuyên đến dâng hương hành lễ.

Cùng với những ngôi mộ lính Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn, Âm linh tự đã được Bộ VH-TT-DL xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia, theo Quyết định số 41/2007/QĐ-VHTT ngày 3.8.2007. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.