Hồi ấy, khoảng năm 1982, trên tỉnh xôn xao cái tin có một làng ở huyện Chư Păh chuẩn bị Pơ thi tới mấy chục bò. Không được, phải ngăn lại. Đương khó khăn đói khổ, gạo phiếu củi tem mà lại tới mấy chục con bò cho một cái lễ bỏ mả (người Kinh dịch nôm na ra như vậy) thì không được. Tôi đang làm trong ngành văn hóa, được cử xuống để dân vận, khuyên bà con tiết kiệm theo chính sách chung của nhà nước. Nhưng là nói thế thôi chứ bà con vẫn làm, như đã chuẩn bị.
Đốt bò trong lễ Pơ thi |
HUY Tịnh |
Cả khu nhà mồ la liệt... đầu bò. Những con bò đã đốt lông, cắt đầu gác lên các chạc cây. Bà con làm thịt bò bằng cách lấy cây le vót nhọn xiên một phát vào nách, trúng tim. Rồi chất củi đốt.
Ấn tượng nhất với tôi lại là cảnh hàng trăm nam thanh nữ tú xuống suối gùi nước lên để đổ vào ghè rượu cần. Mỗi người một bó đuốc, một cái gùi trên lưng, trong gùi là những ống nứa đựng nước. Ngược dốc, bao giờ suối cũng dưới thấp, khu nhà mồ trên cao. Người lên dốc đầu cúi, những ống nứa ngất nghểu trong gùi, ngọn đuốc giơ cao, một dây lửa kéo dài mấy trăm mét giữa rừng. Chưa bao giờ tôi thấy cảnh tượng nào hùng vĩ hơn thế. À, trước đấy có thấy trong phim lịch sử La Mã.
Mấy trăm ghè rượu. Rượu miên man dằng dặc. Rượu quanh nhà mồ rồi kéo dài ra rừng... Mỗi ghè rượu có một gùi nước bên cạnh. Dân làng lũ lượt kéo đến. Không chỉ làng chủ lễ, mà cả các làng lân cận. Họ gùi theo các ghè rượu cần để góp, vì thế những hàng ghè rượu cứ loang xa như sóng...
Rồi chiêng lên. Rồi xoang (múa), rồi khóc, khóc hờ chứ có vẻ như không phải khóc thật. Người khóc chui vào nhà mồ khóc, ở ngoài, chiêng rộn ràng, xoang tình tứ, rượu và thịt như suối. Ông Y Vin, nguyên là diễn viên múa đoàn văn công Tây nguyên, sau là đồng nghiệp với tôi ở Phòng Văn nghệ Ty Văn hóa Gia Lai Kon Tum, giải thích: Đây là cái Pơ thi của một gia đình giàu người Jrai. Ngôi mộ này có... 10 người. Hôm nay họ làm lễ Pơ thi, tức là bỏ vĩnh viễn. Còn trước đấy, hằng ngày họ vẫn ra nhà mồ thăm, bón cơm nước cho người chết, vì lúc ấy người chết... chưa chết, mà mới “tạm chết”, nên người nhà vẫn ra nói chuyện, tâm tình, mang cơm và thức ăn ra. Trước đấy thì họ chia của, đồ đạc trong nhà đều được chia cho người chết và mang ra nhà mồ để, để phân biệt thì người ta làm thủng đồ đi. Thứ hay được chia là chiêng và ghè, nhiều nhà mang cả xe đạp, radio ra... đều được làm hỏng.
Những ghè rượu cần Pơ thi |
Nên có hồi có nhà báo không hiểu chuyện, viết báo “báo động” về tình trạng hủy hoại đồ thờ cúng ở nhà mồ.
Bây giờ thì hết tục chôn chung rồi, chứ thời tôi mới lên Tây nguyên vẫn còn. Trong một thời gian nhất định, thường là một năm, nếu trong nhà có người chết thì họ mở nắp hòm ra cho người mới vào. Có trường hợp chật quá, họ đứng lên dận cho xẹp xuống để vừa người mới.
“Hòm” là những cây gỗ nguyên lấy trong rừng về, đục phía trên đủ để cho người vào, những cây gỗ to có thể cho năm sáu người, tất nhiên đa phần là những người trước đã khô thì mới cho người sau nên khá dễ. Các cây gỗ hòm ấy được đặt nửa chìm nửa nổi trên mặt đất, và phía trên là một cái nhà, rất đẹp, che mưa nắng. Chính là nhà mồ. Mỗi làng có một khu nhà mồ, là khu mà sau này giới nhiếp ảnh rất thích, mỗi lần xuống làng Tây nguyên là tìm ra bằng được để chụp ảnh.
Pơ thi là cái lễ cuối cùng của người sống dâng cho người chết. Sau đấy là thôi, bỏ hẳn, không liên quan gì nữa. Khác với người Kinh là thờ cúng đời này qua đời khác. Nên người Việt không bỏ làng được, còn bàn thờ hương hỏa, còn ông cha mồ mả... trong khi người Tây nguyên không thờ cúng sau khi đã Pơ thi nên họ có thể du cư. Đi vào rừng thi thoảng gặp những khu nhà mồ bỏ hoang là thế. Chưa kể, người Jẻ Triêng ở phía bắc Tây nguyên, thuộc tỉnh Kon Tum bây giờ, từng có tục gác hòm lên cây chứ không chôn.
Trong một lần điền dã ở H.Đăk Glây tôi đã lạc vào khu nhà mồ như thế.
Cái lễ Pơ thi mà tôi dự lần đầu tiên ấy kéo dài... 7 ngày. Cái khu nhà mồ ấy, sáng hôm sau thì nó đã rất kinh hoàng rồi. Nước lép nhép, màu bùn trộn với nhờ nhờ máu bò quện vào nhau. Ngày sau nữa thì bắt đầu bốc mùi. Sau này tôi lấy vợ, là cán bộ trung tâm y tế dự phòng, thì đa phần các vụ chống dịch của cô ấy bắt nguồn từ những cuộc Pơ thi như thế này. Nhiều nhất là dịch tả.
Nhưng tôi thì nhớ đời cuộc ấy. Sáng hôm sau mở mắt, thấy mình nằm lẫn lộn giữa dân làng, xung quanh vẫn thịt, cơm, rượu và những người tiếp tục uống, say lờ đờ vít cần lúc sáng sớm thì quả là... cao thủ. Từ người được cử xuống... dân vận, trở thành người bị dân vận lại đúng nghĩa. (còn tiếp)
Bình luận (0)