Huyền bí nhà mồ Tây nguyên: Nhà mồ và tượng mồ

06/08/2022 06:57 GMT+7

Nhà mồ của người Tây nguyên là một thế giới nghệ thuật , tất nhiên là dưới góc nhìn của chúng ta hôm nay, còn với người Tây nguyên, đơn giản đấy là nơi họ thành kính đưa người chết về để đợi ngày Pơ thi, tức vĩnh viễn ra đi, không bao giờ quyến luyến quay lại nữa.

Vậy nên nhà mồ càng đẹp, càng to thì tức là tình cảm của người sống càng lớn. Tất nhiên là to đẹp trong khuôn khổ khả năng của gia đình chứ không như người Kinh một số nơi bây giờ, nghĩa địa trở thành thành phố người âm, mỗi ngôi mộ hàng mấy tỉ bạc, ngất nghểu to hơn cả nhà người sống.

Nhà mồ có mấy “hạng mục” chính: Nhà, không gian quanh nhà, tượng. Nếu nhà ở của người Tây nguyên là nhà sàn thì nhà mồ là nhà trệt, tất nhiên thấp và nhỏ. Nhiều hoa văn cách điệu được vẽ, khắc trên ấy. Bên trong là các quan tài, tùy nhà, có nhà một có nhà năm bảy quan tài. Đa phần là để nửa nổi nửa chìm trên mặt đất. Quan tài bằng cây gỗ nguyên, có chừa lỗ để “tiếp thức ăn uống” cho người nằm bên trong. Mỗi làng có một khu nhà mồ ở xa làng, thường là ngược chiều với nguồn nước. Tất nhiên vẫn có những trường hợp cá biệt. Xung quanh nhà là hàng rào gỗ, xen kẽ hàng rào gỗ là tượng. Mái nhà là cả một thế giới nghệ thuật sinh động mang yếu tố tâm linh.

Bên ngoài khu nhà mồ

HUY TỊNH

Tượng mồ ban đầu chỉ là những hình tượng quen thuộc trong đời sống mà con người đã trải qua. Nhiều nhất là những người đàn bà ôm mặt, đàn bà chửa, các bộ phận sinh dục nam nữ được phóng đại. Một nhà khoa học giải thích cho tôi, đại khái, tượng mồ rất nhiều hình ảnh đàn bà chửa là bởi phụ nữ Tây nguyên sinh nở rất tự nhiên, họ tự ra rừng đẻ, xong thì mang con về, nên số chết nhiều hơn số sống. Và mẹ chết thì bao giờ cũng chôn con theo, mà những người chết khi sinh đẻ đa phần là rất bất ngờ, vì thế sự thương tiếc, xúc động rất cao. Tượng nhiều hình ảnh phụ nữ có mang và nhiều bộ phận sinh dục cũng là thế. Một mặt nó là hiện thân của sự sống, nhưng mặt khác, nó cũng là nguyên nhân của những cái chết (do sinh nở). Thì là tôi hóng hớt trong một cuộc rượu cần ở làng cũng chưa ra đầu ra đũa lắm, nhưng cảm thấy có lý, hoặc ít nhất được thỏa mãn một phần thắc mắc của mình.

Ðẽo một cây gỗ thành hình người thì dễ, ai cũng có thể làm được, nhất là các nhà điêu khắc, nhưng thổi hồn vào đấy cho nó thành tượng mồ với khắc khoải những kiếp người thì chỉ nghệ nhân bản địa Tây nguyên làm được trong những thời khắc nhất định. Những thời khắc lóe sáng của tâm linh như những “vụ nổ tâm thức” học theo cách nói của lý thuyết hiện đại chẳng hạn, chính là lúc con người thăng hoa nhất, nhập thân nhất, phiêu diêu với người đang nằm dưới đất đen đất đỏ kia. Người đẽo tượng thì lý giải rất tự nhiên: “Giàng bảo làm!”. Thế thôi. Đấy, họ không làm nghệ thuật như bây giờ chúng ta quan niệm mà họ chỉ làm những công việc tâm linh, những việc Giàng bảo. Và họ biết, cái mà họ bỏ ra cả tháng trời để làm ấy, xong để ở nhà mồ, rồi kệ nó tự hỏng trong nắng trong mưa, họ không đoái hoài đến nữa, tất cả tượng đều vô danh, đều không có tên tác giả, dù đều có dấu ấn cá nhân của người làm. Nghệ sĩ tới tận cùng là ở chỗ này.

Đầu bò và tượng mồ

Dưới ánh chiều, tất cả mọi pho tượng mồ như thức cả dậy, lung linh và huyền ảo, mỗi pho tượng có một sắc thái biểu cảm riêng, một đời sống riêng, hợp thành một thế giới sống động. Người ta nói rằng không phải ai và không phải lúc nào cũng có thể đẽo được tượng mồ. Mỗi làng thường chỉ có vài người và chỉ vào lúc xuất thần nhất, họ mới làm. Tất nhiên đấy là những phút xuất thần trong khuôn khổ, bởi chỉ khi nào đến lúc Pơ thi thì người ta mới làm tượng mồ, và những pho tượng ấy chỉ đặt ở nhà mồ.

Xung quanh nhà mồ không chỉ có tượng người mà còn có tượng chim, khỉ... Chim và khỉ có thể được mang về đặt ở nhà rông hoặc nhà ở chứ tượng người thì không bao giờ. Và những pho tượng người ấy chính là một thế giới người thu nhỏ với tất cả mọi cung bậc tâm trạng tình cảm. Hình ảnh những người đàn bà ôm mặt khóc, những người đàn ông đánh trống, những hình người cả đàn ông đàn bà khỏa thân với bộ phận sinh dục được đặc tả và phóng đại... tất cả hiện lên sinh động rực rỡ và lộng lẫy như cuộc sống vốn vừa diễn ra trước đấy. Tất nhiên âm hưởng chung vẫn là buồn hiu hắt, nỗi buồn không chỉ toát ra từ các pho tượng, mà còn từ khung cảnh khu nhà mồ.

Nhìn thế, nhưng vẫn có những quy định rất chặt chẽ về tượng mồ chứ không phải bạ đâu đẽo đấy, tiện đâu để đấy như hiện nay một số nơi đang làm. Ví dụ như, cây dùng làm tượng mồ không được mang qua làng, mà đi thẳng từ rừng vào khu nhà mồ luôn. Nếu không có đường đi phải xin làng nộp heo cúng để được đi qua. Thế tức là tượng mồ lại càng không được phép mang vào làng.

Những người làm tượng không mang bất cứ thứ gì từ khu làm tượng vào làng, ngoại trừ đồ nghề là rìu và rựa. Chỉ được đem đến nơi làm chứ không được đem thứ gì từ nơi làm về nhà. Sau Pơ thi thì được phép... (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.