Đây cũng là chiến lược trong xây dựng chương trình Nông thôn mới, giúp cải thiện cuộc sống người dân ở huyện Đức Cơ.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng bền vững
Theo đó, trong những năm qua, H.Đức Cơ đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuyển đổi những loại cây trồng có giá trị thấp sang những cây có giá trị thương phẩm cao. Hàng trăm ha trồng mì và một số loại cây khác đã được thay bằng những vườn sầu riêng, cà phê xanh ngút mắt. Những đề án để tái cơ cấu ngành nông nghiệp như: Đề án cải tạo và nâng cao giá trị cây điều; Xây dựng bản đồ thổ nhưỡng đất sản xuất nông nghiệp phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng H.Đức Cơ… bước đầu đã có kết quả khả quan.
Chiến lược phát triển ổn định cây công nghiệp dài ngày là hướng đi bền vững, phù hợp với quy hoạch của huyện. Nhờ cải tạo chất lượng vườn cây đã giúp nâng cao hiệu quả kinh tế, từ đó cuộc sống người dân cũng được cải thiện. Từ vùng đất này, nhiều nông dân có của ăn của để và đã xuất hiện nhiều triệu phú chân đất.
Hiện H.Đức Cơ có hơn 5.000 ha cà phê. Đây là loại cây có giá trị bền vững. Thời gian qua, giá cà phê tăng cao đã giúp nông dân có thêm niềm vui, vững tin vào loại cây này. Canh tác cà phê theo hướng hữu cơ, thu cà phê chín, đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt… đang được nhiều nông dân mạnh dạn triển khai từ đồng đất của mình. Ngoài ra, H.Đức Cơ còn là thủ phủ của cây điều ở Gia Lai với diện tích hơn 14.000 ha.
Ông Vũ Mạnh Định, Chủ tịch UBND H.Đức Cơ, cho biết: "Đức Cơ là thủ phủ của điều ở Gia Lai. Chất lượng điều của Đức Cơ đã được các nơi đánh giá là ngon có tiếng ở Việt Nam. Để phát huy lợi thế của cây điều, chúng tôi sẽ gắn với xây dựng thương hiệu điều Đức Cơ là thương hiệu điều của Gia Lai, gắn với tập tục, tập quán canh tác để góp phần xóa đói giảm nghèo, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số".
Theo ông Định, UBND H.Đức Cơ cũng đã chủ động kêu gọi các nhà đầu tư để hướng đến chế biến sâu, nâng cao giá trị thương phẩm cho từng sản phẩm. UBND huyện đã làm việc với Công ty THHH Vĩnh Hiệp (Gia Lai) để xây dựng dữ liệu vùng trồng EUDR đối với sản phẩm cà phê, phục vụ xuất khẩu. Làm việc với Hiệp hội trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam khu vực miền Trung - Tây nguyên, Công ty TNHH dược Phú Thành, Nhà máy yến sào NestGia về liên kết phát triển sản phẩm yến sào. Làm việc với Công ty TNHH xuất nhập khẩu Vạn Đại Phát VN và các đối tác Nhật Bản trong việc xây dựng vùng nguyên liệu các loại công sản tại địa phương; bước đầu đang triển khai thực hiện mô hình trồng dứa MD2 với diện tích 1 ha tại xã Ia Pnôn. Làm việc với Công ty TNHH Cao Nguyên Đại Hồng Phát trong việc phát triển vùng nguyên liệu cây dược liệu tại địa phương. Làm việc với Công ty CP Tropivina về phát triển chuỗi giá trị nông sản tại huyện Đức Cơ; Công ty CP Tập đoàn VISIMEX xây dựng vùng nguyên liệu canh tác điều hữu cơ trên địa bàn huyện.
Nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao
Theo thông tin từ UBND H.Đức Cơ, hiện toàn huyện có 27 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP. Đây là huyện có số lượng sản phẩm OCOP nhiều nhất tỉnh Gia Lai và phong phú về chủng loại sản phẩm như như sầu riêng, hạt điều, yến sào, cà phê…
Bên cạnh đó, một ngành nghề mới phát triển rầm rộ ở Đức Cơ trong những năm qua, đó là nghề nuôi yến. Hiện toàn H.Đức Cơ có khoảng 500 cơ sở nuôi chim yến. Nhiều hộ gia đình có của ăn của để từ nghề này. Cuối năm 2023, UBND H.Đức Cơ đã thông qua dự thảo quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận "Yến sào Đức Cơ" với các sản phẩm yến thô, yến tươi, yến tinh chế và yến chưng.
Ông Nguyễn Quốc Tư, Trưởng phòng NN-PTNT H.Đức Cơ, nói: "Việc xây dựng nhãn hiệu yến sào Đức Cơ sẽ khẳng định với các khách hàng về tiềm năng cũng như sự khác biệt về chất lượng sản phẩm đối với sản phẩm yến sào của những địa phương khác. Ít ai nghĩ Đức Cơ có tiềm năng, lợi thế đối với ngành nghề này. Nhiều sản phẩm từ yến của Đức Cơ đã được công nhận là sản phẩm OCOP. Niềm vui này đã đưa Đức Cơ trở thành một trong những thủ phủ về yến cùng với các địa phương khác ở Gia Lai như Ayun Pa, Phú Thiện, Ia Pa, Chư Sê…".
Xác định chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP là một trong những giải pháp quan trọng để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất, thời gian qua, H.Đức Cơ đã chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Cùng với chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất công nghệ cao để hướng đến phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP là một trong những giải pháp phù hợp và cần thiết để phát triển nông nghiệp bền vững, giúp xây dựng nông thôn mới thành công ở H.Đức Cơ.
Để tạo điều kiện phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn, Phó chủ tịch UBND H.Đức Cơ, ông Trần Ngọc Phận cho biết: "Huyện tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, thường xuyên thông tin về các hoạt động xúc tiến thương mại. Chúng tôi cũng triển khai, lồng ghép có hiệu quả các chính sách hỗ trợ để giúp các chủ thể nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường. Hằng năm, huyện bố trí kinh phí từ 500 triệu - 1 tỉ đồng để hỗ trợ các chủ thể thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP; phối hợp với Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Gia Lai đưa các sản phẩm OCOP của huyện vào hệ thống siêu thị để giới thiệu, quảng bá rộng rãi hơn".
Bình luận (0)