Huyện Thái Thụy xác định phát triển kinh tế biển là hướng đột phá

05/12/2023 09:58 GMT+7

Với bờ biển dài 27 km, 3 cửa sông lớn hằng năm đổ ra biển một lượng lớn phù sa, vùng biển Thái Thụy có tiềm năng hải sản phong phú. Theo số liệu điều tra của Viện Nghiên cứu hải sản 1, trong vùng biển Thái Thụy có ít nhất 46 loài cá có giá trị kinh tế cao, 10 loài tôm, 5 loài mực...

Huyện Thái Thụy xác định phát triển kinh tế biển là hướng đột phá - Ảnh 1.

Năm 2022 diện tích nuôi trồng và cho thu hoạch thủy sản nước mặn, lợ của toàn huyện ước đạt khoảng 2.430,19 ha, trong đó, nuôi ngao đạt khoảng 1.110 ha, tập trung tại 3 xã ven biển là Thụy Trường, Thái Thượng và Thái Đô, với hình thức nuôi quảng canh 100%

Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) có 27 km đường bờ biển, hàng chục nghìn ha bãi triều. Diện tích rừng ngập mặn năm 2022 ước đạt 2.535,9 ha. Với điều kiện địa lý tự nhiên thuận lợi. Thái Thụy trở thành một huyện đầy tiềm năng phát triển ngành nuôi trồng thủy hải sản, đặc biệt là nuôi và khai thác ngao. Bên cạnh đó, nhiều công trình trọng điểm về hạ tầng kinh tế - xã hội đang được đầu tư xây dựng tạo ra lợi thế, tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biển, vùng ven biển của huyện.

Bởi vậy, những năm qua H.Thái Thụy luôn xác định trọng tâm phát triển kinh tế biển là hướng đột phá của địa phương. Thực tế cho thấy hướng đi này là sự lựa chọn đúng đắn của huyện ven biển Thái Thụy.

Đến nay, H.Thái Thụy có 2.700 ha nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ; 1.570 ha nuôi trồng thủy sản nước ngọt; 465 phương tiện khai thác thủy sản. Tổng sản lượng nuôi trồng, khai thác thủy sản cả năm đạt từ 95.000 - 100.000 tấn. Đây là nguồn nguyên liệu phục vụ trực tiếp cho các doanh nghiệp, cơ sở chế biến thủy sản ở địa phương.

Hiện nay huyện tập trung phối hợp cùng ban quản lý dự án của Bộ NN-PTNT hoàn thành các bước đầu tư xây dựng cảng cá Thụy Tân tại xã Thụy Trường và xã An Tân (theo Quyết định số 592/QĐ-TTg, ngày 30.5.2023 của Thủ tướng Chính phủ); hoàn thiện các bước dự án đầu tư nâng cấp cảng cá Tân Sơn và các bến cá theo quy hoạch; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, đa dạng hóa hình thức, mặt hàng chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ; khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở chế biến thủy sản duy trì, phát triển nghề và làng nghề chế biến gắn với quy hoạch khu vực thu gom, xử lý chất thải, nước thải bảo đảm môi trường sinh thái khu dân cư và môi trường ven biển; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm...

Huyện Thái Thụy xác định phát triển kinh tế biển là hướng đột phá - Ảnh 2.

Ông Lê Nguyên Hoài, Phó chủ tịch UBND H.Thái Thụy

Ông Lê Nguyên Hoài, Phó chủ tịch UBND H.Thái Thụy, từng nhấn mạnh: "Phát triển kinh tế biển là bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó trọng tâm là nghề nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy hải sản tại các xã Thụy Xuân, Thụy Hải và TT.Diêm Điền".

Từ lợi thế kinh tế biển, người dân Thái Thụy mạnh dạn phát triển ngành nghề chế biến thủy hải sản. Điển hình như cơ sở chế biến hải sản An Bình của bà Tạ Thị Hạnh đã thu mua sứa tươi để chế biến thành sứa muối ăn liền. Sản phẩm sứa ăn liền qua chế biến có giá cao gấp nhiều lần so với sứa tươi trước đây.

Cụ thể, so với giá bán sứa thô đi thị trường Trung Quốc chỉ khoảng 7.000 kg thì sau khi chế biến, sản phẩm đã có giá thành lên tới 30.000 đến 35.000 đồng/kg. Việc chế biến sứa biển không chỉ mang lại thu nhập cho ngư dân đi đánh bắt mà còn góp phần tạo thêm công ăn việc làm tại chỗ cho bà con trong vùng.

Huyện Thái Thụy xác định phát triển kinh tế biển là hướng đột phá - Ảnh 3.

Từ lợi thế kinh tế biển, người dân Thái Thụy mạnh dạn phát triển ngành nghề chế biến thủy hải sản

Để góp phần đưa kinh tế biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, thời gian qua Thái Thụy còn quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng khu vực ven biển, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, trong đó chú trọng thực hiện tốt công tác quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng khu vực ven biển theo quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình. Chủ động tháo gỡ khó khăn, thực hiện quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án trọng điểm như: Dự án tuyến đường bộ ven biển; dự án khu công nghiệp Liên Hà Thái; các tuyến đường kết nối trong Khu kinh tế Thái Bình...

Trên cơ sở phát huy kết quả đã đạt được, thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền H.Thái Thụy tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, khắc phục khó khăn, tập trung thu hút nguồn lực để khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng của biển, từ đó từng bước phát triển kinh tế biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.