Huyền thoại gò Rồng ấp kể chuyện vua Lý Công Uẩn

23/07/2019 16:36 GMT+7

Vua Lý Công Uẩn đã được sinh ra như thế nào là câu chuyện được kể trong Huyền thoại gò Rồng ấp .

Tối 22.7, vở kịch Huyền thoại gò Rồng ấp được công diễn trên sân khấu Nhà hát chèo Việt Nam. Đây là tác phẩm sân khấu do PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, Tổng giám đốc VOV, viết kịch bản dựa trên những huyền tích dân gian về sự ra đời của Lý Công Uẩn - vị hoàng đế khai quốc của triều Lý (một triều đại phong kiến phát triển rực rỡ).
Điều này cũng cho thấy, tác giả kịch bản vẫn tiếp tục theo đuổi các đề tài tôn vinh lịch sử văn hóa dân tộc. Trước đó, ông đã có Mai Hắc Đế, Hừng đông, Thầy Ba Đợi, Hoa lửa Truông Bồn
NSND Triệu Trung Kiên cho biết, đây không phải lần đầu ông dựng vở với kịch bản của PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ. “Kịch bản của anh Nguyễn Thế Kỷ cũng giống như thơ của anh ấy, nó luôn ẩn chứa nhiều tầng lớp cảm xúc. Tôi cũng thích âm hưởng dân gian trong kịch bản”, ông Kiên cho biết.
Chính từ phác thảo không gian giàu chất huyền thoại trong kịch bản gốc, bản diễn ông Kiên dựng đã có những mảnh văn hóa truyền thống đặc trưng. Chẳng hạn, ông đưa vào những hình ảnh của lễ hội Nõ Nường mang tính phồn thực cao. Trên nền tín ngưỡng đó, có câu chuyện do trời đất giao hòa mà người đàn bà cảm động thụ thai, sau đó sinh ra Lý Công Uẩn.
Ông Kiên cũng rất hài lòng với phục trang của vở diễn. Như các vở diễn khác của sân khấu Lệ Ngọc, Huyền thoại gò Rồng ấp cũng được một đơn vị thiết kế và thực hiện. Ở vở diễn này là Công ty cổ phần Ỷ Vân Hiên - một đơn vị đã sớm chọn cho mình con đường riêng, mà phục dựng trang phục cổ cũng như thiết kế các trang phục trên cảm hứng từ trang phục xưa.
“Các trang phục đều rất công phu. Kể từ khi nhận việc thiết kế và thực hiện trang phục, chúng tôi đã dồn toàn bộ sức lực để thực hiện cho kịp khối lượng công việc này”, ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Công ty cổ phần Ỷ Vân Hiên, chia sẻ.
Cảnh xúc động nhất đêm diễn Huyền thoại gò Rồng ấp chính là cảnh người mẹ dùng mảnh sành tự rạch bụng để đứa con chào đời. Người con này sau chính là Lý Công Uẩn. Cảnh diễn thể hiện tình mẫu tử cao thượng. Điều này, giống như tiết lộ của cố vấn nghệ thuật - PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái trước đó. Bà Thái cho rằng, vở diễn sẽ thể hiện rất hay hình tượng người mẹ, nhất là người mẹ của một vị vua. Một người mẹ phải thật sự cao quý thế nào mới có thể mang thai và sinh hạ ra được một vị vua.
“Vở này không đặt vấn đề  Lý Công Uẩn điều hành triều đình như thế nào, mà đặt vấn đề ông ấy được hình thành trong lòng người mẹ như thế nào. Phải có người mẹ thế nào, mang nặng đẻ đau như thế nào mới có được vị vua đầu triều như thế”, bà Thái nói.
Huyền thoại gò Rồng ấp chính thức được công diễn từ 23-26.7, sau đó sẽ tham dự Liên hoan Sân khấu Trung Quốc - ASEAN vào tháng 9 ở Nam Ninh (Trung Quốc), và dự định tham gia Liên hoan Sân khấu Quốc tế thử nghiệm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.