Năm 1971, vợ ông Marcos, bà Imelda, bị bắt gặp xài hơn 3 triệu USD chỉ trong 1 ngày mua sắm ở New York. Hỏi vì sao giàu trong khi lương tổng thống thì bèo bọt, Marcos phá lên cười và bảo “nhờ tìm ra kho vàng của Yamashita”.
|
Cuối thập niên 1950, nhiều toán người Nhật âm thầm trở lại Philippines tìm cách hợp tác làm ăn, song thực chất là săn lùng số kho báu giấu lại ở Đệ nhị thế chiến.
Chính quyền Tokyo cũng đề nghị sẵn sàng giúp Philippines “hàn gắn vết thương chiến tranh” bằng những dự án hạ tầng miễn phí, bao gồm đầu tư cho hệ thống thủy lợi, đường sá, làm đường hầm xuyên núi. Các công ty cứu hộ Nhật xin được nạo vét, khơi thông dòng chảy cho vịnh Manila bằng cách trục vớt tàu đắm ở đây. Bằng cách này, họ đã vớt được nhiều xác tàu bên trong chứa của cải quân Nhật chuyên chở trước khi chìm xuống biển.
Nhiều công ty xây dựng của Nhật cũng đổ xô sang Philippines, làm những dự án ở các vị trí “nghi có vàng” trên khắp đất nước Philippines. Họ thuê công nhân Philippines làm việc trên những dây chuyền sản xuất ti vi, cassette, máy tính, tủ lạnh hay máy lạnh... ra sản phẩm, tất cả được đóng thùng chuyển sang Nhật. Trong đó, có nhiều thùng hàng được ghi nhận là “rất nặng”. CIA có những thông tin cho biết người Nhật đã tìm lại được không ít vàng cất giấu thời Đệ nhị thế chiến và chuyển về chính quốc bằng cách này, song CIA đã không can thiệp.
Marcos biết được thông tin về kho báu hoàn toàn tình cờ. Binh sĩ của ông phát hiện 2 người đàn ông Nhật, vốn là cựu binh quân đội Nhật hoàng, đang hì hục đào một cái hố tại Ilocos Norte, quê hương của Marcos ở tây bắc Luzon. Họ cố tìm lại những thỏi vàng to bằng cái bánh quy giấu riêng từ thời chiến. Marcos ra lệnh tịch thu số vàng này.
Khi ấy, Marcos là một chính trị gia trẻ, nhạy bén. Từ những thỏi vàng thu được của 2 cựu binh Nhật, ông cũng nghe loáng thoáng về câu chuyện Santy khai quật thành công các kho vàng trước đó. Marcos tìm cách tiếp cận, tạo quan hệ, dần dần ông bắt đầu thay Santy điều hành một số hoạt động, trong đó có chiến dịch The Umbrella.
Khi đắc cử tổng thống năm 1965, Marcos trực tiếp tiến hành tìm kiếm kho báu. Đầu tiên, ông hợp tác với trùm thế giới ngầm Sasakawa Ryoichi để cùng tìm kiếm và chia phần. Sasakawa là bạn nối khố của Kodama - trùm xã hội đen Nhật Bản được Nhật hoàng huy động trong chiến dịch Hoa Huệ Vàng, cướp bóc tài sản trong thế giới ngầm của 12 quốc gia thời chiến tranh, đặc biệt là Trung Quốc. Do đó, Sasakawa biết chỗ giấu vàng, còn Marcos trao cho Sasakawa quyền tìm kiếm. Nhưng kho vàng thực sự khiến Marcos nổi tiếng cả thế giới không đến từ sự hợp tác này, mà từ một anh thợ khóa Roger Roxas.
Tháng 1.1971, một thợ khóa người Philippines kiêm nhà săn kho báu nghiệp dư tên Roger Roxas bò vào một đường hầm do quân Nhật đào thời chiến và tìm thấy một bức tượng Phật ngồi bằng vàng cao gần 10 feet (chưa đến 90 cm), nặng khoảng 1 tấn và được đúc theo phong cách Miến Điện.
Thường ngày, Roxas kiếm sống bằng nghề mua bán lặt vặt ở khu resort Baguio, kiêm luôn chức Chủ tịch Hiệp hội Săn lùng kho báu Philippines. Roxas tiếp xúc rất nhiều du khách Nhật. Một lần, vị khách Okubo Eusebio nói với Roxas rằng khi còn trẻ, ông ta phiên dịch cho tướng Yamashita và biết Yamashita đã chở một lượng vàng bạc lớn từ Manila đến Baguio để mua lương thực cho binh sĩ trong năm cuối chiến tranh. Okubo nói rằng số vàng đó được cất trong những thùng gỗ, giấu dưới đường hầm gần Bệnh viện đa khoa Baguio. Okubo cũng cho Roxas biết ông đã thấy một bức tượng Phật bằng vàng ở gần tu viện vốn là nơi ở và tổng hành dinh của tướng Yamashita.
Một người Bồ Đào Nha khác tên Albert Fuchigami lại nói với Roxas rằng cha ông là người Nhật đã để lại cho ông nhiều tấm bản đồ kho báu. Gia đình Fuchigami có một sạp bán rau quả ngoài chợ. Ông này nói rằng cha ông có lần đã dẫn ông vào một đường hầm phía sau Bệnh viện Baguio. Đây là đường hầm có lối đi đủ to cho các xe đẩy tay và bên trong chứa toàn vàng. Trước khi chết, cha Albert đã cho ông số bản đồ này.
Roxas là bạn của John Ballinger - sĩ quan Mỹ từng chiến đấu ở Luzon trong đơn vị du kích của đại úy Medina. Chính Ballinger từng chụp ảnh chiếc tàu Fuji Maru ngụy trang thành tàu cứu thương và theo đoàn xe quân sự chở vàng từ vịnh Subic giấu trong hang núi. Sau đó, khi đại đội của Medina thâm nhập Baguio, Ballinger quan sát thấy quân Nhật mang những thùng rất nặng vào trong đường hầm gần bệnh viện. Quân du kích sau đó tấn công bằng súng máy và lựu đạn, đánh sập cửa đường hầm, nhốt sống quân Nhật bên trong. Sau cuộc chiến, Ballinger trở về Mỹ, sống ở New Mexico. Trong một lần trở lại Philippines, John Ballinger nói với Roxas rằng ông nhớ lối vào đường hầm nằm ở gần một hố công sự bê tông. Tuy nhiên, Ballinger không thể chỉ được cái hố đó ở đâu vì hiện trường đã thay đổi qua mấy chục năm.
Phân tích thông tin thu nhặt được từ Fuchigami, Okubo và Ballinger, Roxas kết luận chắc chắn là đường hầm đó tồn tại, vấn đề là phải tìm ra cái hố công sự bê tông đó. Roxas nộp đơn xin chính quyền cho phép được đào tìm kho báu. Thẩm phán vùng Baguio Pio Marcos là cậu của Tổng thống Marcos. Theo đó, chính phủ Philippines sẽ được chia 30% tổng số của cải tìm thấy.
Mùa xuân năm 1970, công nhân của Roxas tìm ra lối vào của đường hầm bị sập. Để mở được cửa đường hầm, quân của Roxas phải đào thêm 7 tháng nữa. Và khi đường hầm được mở ra, đám công nhân lập tức bị dội trở lại vì một luồng xú uế từ các thi thể. Roxas phải đợi 1 tuần lễ trước khi bò được vào bên trong…
Bình luận (0)