Thập niên 1970, Kim Chấn Bát xuất hiện như ngôi sao sáng trên bầu trời điện ảnh Hồng Kông. Cùng với Lý Tiểu Long, Kim đã đưa quyền cước thật lên màn ảnh với những đòn đánh tuyệt kỹ đầy nghệ thuật, làm say mê biết bao khán giả.
Nếu Lý Tiểu Long vận dụng phối hợp tài tình đòn tay vịnh xuân, đòn chân karate và bộ pháp của quyền anh, thì Kim Chấn Bát lại thi triển hapkido, một môn võ tên nghe còn mới lạ nhưng kỹ thuật hết sức độc đáo. Nhiều đệ tử thụ giáo từ ông sau này trở thành những tên tuổi lừng lẫy như Thành Long, Hồng Kim Bảo, Mao Anh, Điền Tuấn… Con người huyền thoại đã đến Việt Nam một ngày đầu tháng tư.
Người đàn ông dáng vẻ trung niên, phong thái lịch lãm cúi chào chúng tôi. Phòng khách độ khoảng hai chục người, tôi đảo mắt nhìn quanh cố tìm đại sư Kim, người mà chúng tôi đang mong gặp. Với những người theo đuổi nghiệp võ, tên tuổi của Kim Chấn Bát quá lớn. Trong hình dung của tôi, lão sư còn sống đến hôm nay chắc râu tóc đã bạc phơ. Và chắc ông chưa kịp có mặt. Đợi khá lâu, tôi quay tìm võ sư Lâm Ngọc Tấn, người tổ chức buổi gặp mặt để hỏi. Võ sư Tấn bắt đầu giới thiệu, mọi người hết sức ngỡ ngàng. Hóa ra người đàn ông vừa chào chúng tôi lại chính là đại sư Kim Chấn Bát. Ông trẻ trung và nhanh nhẹn đến kỳ lạ. Nở nụ cười thân thiện, ông bắt đầu câu chuyện về môn võ hapkido và hành trình võ thuật của mình.
|
Kim Chấn Bát cất tiếng chào đời ngày 2.4.1941 tại thị trấn nhỏ U Pori Il Gu trên bán đảo Triều Tiên. Khi đó, vùng đất này đang chịu sự chiếm đóng và cai trị của Nhật. Thế chiến thứ 2 chấm dứt, đất nước ông bị chia cắt thành hai miền. Lớn lên giữa thời loạn lạc, cha ông khuyến khích con cái luyện tập võ thuật như phương tiện duy nhất để tự bảo vệ. Thuở nhỏ ông tập qua môn Ssireum, một môn vật truyền thống rèn sức chịu đựng và sự va chạm. Năm 16 tuổi ông rời bỏ quê nhà di chuyển tới thành phố Daegu Sin Chun, học thêm các môn võ khác như judo, kendo, tang soo do. Cuối cùng khi đến Seoul, ông có cơ duyên được gặp và theo học vị thầy Ji Han-jae, người sáng lập môn hapkido hiện đại. Bị hấp dẫn bởi những đòn thế biến ảo kỳ lạ, ông không ngừng miệt mài khổ luyện và quyết định dừng chân ở môn võ này.
Gia nhập quân đội
Cũng như bao thanh niên trai trẻ thời ấy, ông bị động viên vào quân đội và đưa đi đào tạo tại học viện cảnh sát quân sự (quân cảnh). Lúc ấy chính quyền quân sự Hàn Quốc (Đại Hàn) đang thẳng tay trấn áp các tổ chức chống chính phủ, đồng thời khởi xướng ra luật lệ mới nên Tổng thống Park Chung-hee luôn ở vị thế nguy hiểm, có thể bị ám sát bất cứ lúc nào. Gần 500 thành viên ưu tú trong quân đội được tuyển chọn, qua sàng lọc còn lại 30 người nằm trong đội cận vệ của Park Chung-hee. Kim Chấn Bát được chọn như một vệ sĩ riêng, luôn sát cánh cùng tổng thống và làm hết trách nhiệm của một người lính chuyên trách bảo vệ yếu nhân.
Khi chính quyền Park Chung -hee quyết định gửi quân tham chiến tại Việt Nam, ông được lệnh lên đường đến một đất nước xa xôi ở phương nam mà ông chưa từng biết. Ông còn nhớ rõ: “Tôi đặt chân đến Sài Gòn đúng ngày 28.3.1965. Do đặc thù chuyên môn của mình, tôi được cơ cấu vào đội điều tra hình sự của lực lượng quân cảnh, chuyên điều tra và xử lý sai phạm trong các đơn vị quân đội. Một thời gian sau Đại sứ quán Hàn Quốc có công văn gửi sang bên quân đội xin đích danh tôi làm cận vệ riêng cho ông đại sứ. Vậy là tôi trở lại với nghề cũ”. Tuy vậy, đến năm 1967 ông chính thức xin giải ngũ và qua làm việc cho một công ty của Mỹ tại Sài Gòn với mức lương khá cao.
|
Mở lò võ
Nhắc đến hai chữ “duyên nợ” với Việt Nam, ông vẫn còn bồi hồi: “Lúc làm cận vệ cho ông đại sứ, cứ mỗi buổi chiều có thời gian rảnh là tôi xách võ phục tới trung tâm huấn luyện judo của thầy Thích Tâm Châu để tập nâng cao kỹ thuật môn võ này. Hết giờ tập, khi mọi người ra về tôi ở lại luyện những đòn đá thượng đẳng hapkido. Khi ấy có nhiều người hỏi tôi tại sao không dạy lại cho anh em với. Tôi nhận lời và bước đầu có khoảng 30 người theo học”.
Lúc đó phong trào taekwondo ở miền Nam đã rất mạnh. Quân đội Hàn Quốc đã gửi sang 200 võ sư taekwondo, 50 võ sư judo và các trung tâm huấn luyện mọc khắp các tỉnh thành và sự phát triển hết sức rầm rộ. Nhưng chưa có ai biết gì đến môn võ hapkido.
Chọn lựa một ngày đẹp trời, Kim Chấn Bát cùng nhóm môn sinh lứa đầu của mình tổ chức buổi biểu diễn ra mắt đầu tiên tại sở thú. Buổi biểu diễn gây được tiếng vang lớn và số người xin ghi danh học rất đông, số người ủng hộ cũng rất nhiều. Đã đến lúc phải tính đến mở một võ đường riêng, ông tìm thuê một căn nhà 6 tầng trên đường Nguyễn Huỳnh Đức (bây giờ là Huỳnh Văn Bánh), bắt tay vào xây dựng cơ nghiệp riêng của mình. Dù tuổi đời còn rất trẻ lại kiếm tiền khá nhiều nhưng ông không lao vào ăn chơi mà dành hết tâm huyết cho việc truyền thụ võ thuật. Nhiều võ sinh các môn võ khác cũng tìm đến xin nhập môn, như bác sĩ Phạm Văn Cổn khi ấy đã mang đai đen 2 đẳng taekwondo. Các sư huynh bên judo vẫn tiếp tục theo luyện hapkido và hỗ trợ cho ông rất nhiều.
Chưa đầy 3 năm, võ đường hapkido đã thu hút hơn một ngàn võ sinh, đào tạo được 50 huấn luyện viên đai đen. Đến bây giờ ông vẫn còn nhớ tên một số người: “Người nhận bằng đai đen số 1 có tên là Minh Châu, số 2 là Raymond - một người Việt lai Pháp. Người có đẳng cấp cao nhất hiện nay là bác sĩ Phạm Gia Cổn, mang 9 đẳng quốc tế. Những người này đều đang ở Mỹ”.
Đại sư Kim Chấn Bát bộc lộ ông có cảm tình đặc biệt với người Việt Nam. Theo ông người Việt có thể trạng học võ rất tốt, đầu óc thông minh, sống thân thiện và thủy chung. Ông nói: “Sau này khi qua định cư tại Mỹ, tôi cũng tìm đến các khu dân cư đông người Việt sinh sống để mở võ đường và tìm thấy ở đây những môn sinh ưu tú nhất của mình”.
Cao Thụ
Bình luận (0)