Đó là nơi cung cấp nước ngọt, các loại thủy sản. Những năm khô hạn kéo dài, người dân không thể sống thiếu sông, bờ sông là bến nước dân gian, là nơi tụ tập của bà con trong làng tắm giặt, hàn huyên, sinh hoạt thường ngày.
Mùa khô dòng sông êm đềm, phẳng lặng như tấm thảm xanh trải rộng và dài. Những con cò đi ăn buổi sớm, với đôi chân thon thả điệu đà, chúng dạn dĩ sà xuống bờ sông tìm mồi. Nhớ lúc mùa khô kéo dài, nhà tôi thiếu nước ngọt, phải đánh xe bò xuống bờ sông để chở những thùng phuy nước về dùng. Nói không ngoa, chứ nước trong vắt, uống rất mát, một cây kim rớt xuống vẫn nhìn thấy được. Mùa mưa về cũng là lúc lũ tới, sông gào thét dữ dội, nước đỏ ối, con thác cuồn cuộn chảy, bọt tung trắng xóa như muốn nuốt chửng cả bầu trời rộng lớn. Mưa tầm tã trên sông Sêrêpôk, trắng xóa cả triền sông, sau cơn mưa các loài cá, thảm thực vật bắt đầu sinh sôi nảy nở.
Căn nhà sàn tôi ở hướng ra sông, trải qua hai mùa mưa nắng, mùa khô oi bức, từng luồng gió thổi phập phồng qua căn nhà mát rười rượi; mùa mưa từng cơn mưa xối xả lộp độp rơi trên mái tôn, sấm chớp đì đùng xé toang màn đêm mịt mùng. Từ trong nhà nhìn ra ô cửa là mênh mông bát ngát sông với hàng bông lau xanh rì cùng đám mây vần vũ.
Trải qua biết bao thăng trầm, con người gặp gỡ giao duyên với nhau, yêu nhau, thương nhau cũng từ con sông Sêrêpôk huyền thoại này. Thường sông chảy về hướng đông, thế nhưng dòng Sêrêpôk lại chảy ngược về hướng tây, chính vì nét riêng biệt ấy mà dòng sông giàu phù sa, chất chứa bao nhiêu tình cảm của người dân nơi đây.
Mùa hè thật sôi động, sông dạn dĩ và thân thiện. Sáng sớm, hai bên bờ sông là những đám cỏ xanh còn đọng sương đêm óng ánh, những chú nghé ẩn nhẫn với cặp mắt to ngân ngấn nước, lông mi cong vút, nhai cỏ từ tốn nhẹ nhàng điềm nhiên nhìn tôi. Những con thác nhỏ, nước trong vách ồ ạt chảy, tôi và lũ bạn trong làng leo lên ngọn thác và nhảy xuống, một cảm giác mạnh mẽ, sảng khoái. Tôi đã biết bơi từ lúc năm tuổi, như một chú nhái nhỏ luồn lách giữa sông, mọi ngóc ngách nông sâu của dòng sông này tôi thuộc như lòng bàn tay. Lũ trẻ chúng tôi còn nghịch ngợm chặt cây chuối kết thành bè lênh đênh trên sông.
Tôi bơi ra cù lao, cù lao xanh biếc, những chú vịt trời thảng thốt dáo dác bay, trong ổ đầy trứng. Xung quanh cù lao là hoa dầm tang, tiếng Thái gọi là “bó chay”, hoa nở tự nhiên trắng bạt ngàn, hoa có vị đắng nhẹ, xào hoặc nấu canh ăn rất ngon. Tôi hái nhẹ nhàng, từng chùm hoa trắng, hương thơm tinh khiết, dìu dịu vương vấn trên đầu ngón tay. Để hoa không bị dập nát, tôi bỏ vào tàu lá chuối gói cẩn thận đem về cho mẹ đổi gạo.
Cuối hè, dọc hai bên bờ sông dày đặc trái trâm, là một loại trái rừng màu tím sẫm ăn ngọt và chát. Tôi thả chân trần đi dọc bên bờ, hái những quả trâm tím bỏ vào mũ lưỡi trai đầy tràn. Tôi và lũ bạn với mái tóc xù xì, da đen nhẻm do nắng, hàm răng trắng bóc, mặt mũi và đôi môi lem luốc dính màu “mực tím” vì ăn trâm.
Trên ngọn đồi kia là cánh rừng bạt ngàn xanh, những đám mây trắng lững lờ trôi vắt qua đồi, chim tu hú kêu vang trời cũng là lúc mùa trái chín thơm lừng, ổi rừng, xoài rừng chín vàng khắp nương đồi. Con suối nhỏ trong vắt chảy róc rách, những đàn cá rô phi nhỏ xíu bơi lội tung tăng dưới nước, thấy bóng người chúng sợ hãi nấp vào khe đá, tôi thả câu và giăng lưới, một lát sau cá đầy “muông” (một loại giỏ đựng cá của người Thái), đủ một bữa cơm cho cả nhà.
Con sông Sêrêpôk cho làng tôi nhiều thứ, cái no, sự sống. Tôi lớn lên từ con sông này, sông đã cho tôi tuổi thơ hồn nhiên, trong sáng, vụng dại của ngày xưa mà tôi không hề hay biết. Đến khi tôi trưởng thành nhận ra thì dòng sông đã bị ô nhiễm nặng bởi ý thức của con người. Nếu có một điều ước, tôi ước được quay trở về ngày xưa, để được bơi lội tung tăng, để được câu cá, ăn những trái trâm tím mọc bên bờ. Ngày xưa đâu?
|
Bình luận (0)