Huyền thuật ở Thái Lan: Palad khik

28/01/2015 09:00 GMT+7

Chập choạng tối, Bangkok bắt đầu lên đèn. Những sạp áo quần, đồ lưu niệm dọc đường Sukhumvit (khu Nana) đã lục tục dọn ra. Bà chủ cầm một cái linga (linh vật hình dương vật) bằng gỗ đen bóng to bằng cổ tay rồi vung vẩy lên mớ đồ trên kệ, miệng lầm rầm, mặt rất nghiêm trang. Gần đó, vài sạp hàng cũng làm điều tương tự...

Chập choạng tối, Bangkok bắt đầu lên đèn. Những sạp áo quần, đồ lưu niệm dọc đường Sukhumvit (khu Nana) đã lục tục dọn ra. Bà chủ cầm một cái linga (linh vật hình dương vật) bằng gỗ đen bóng to bằng cổ tay rồi vung vẩy lên mớ đồ trên kệ, miệng lầm rầm, mặt rất nghiêm trang. Gần đó, vài sạp hàng cũng làm điều tương tự...

Huyền thuật ở Thái Lan: Palad khikPalad khik được bán phổ biến ở Thái Lan - Ảnh: Nguyễn Tập
Đừng hết hồn. Đấy chỉ là một loại bùa cầu may mắn của người Thái thôi.
Bùa may mắn
Thờ sinh thực khí linga, yoni vốn không lạ gì ở các nước Đông Nam Á, nhưng dùng sinh thực khí làm bùa thì không phổ biến chút nào. Ở Thái, không khó để mua những loại bùa này, nhiều nhất là những khu tập trung khách du lịch như dọc con đường Sukhumvit (khu giải trí Nana), hoặc khu phố Tây Khaosan, Silom...
Những ngày đầu đến Bangkok, tôi vẫn nghĩ đấy đơn thuần chỉ là đồ chơi tình dục được bày bán như ở nhiều nước khác. Mãi sau này, tôi mới biết đấy là palad khik, một loại bùa được cho là đem lại may mắn cho người sử dụng.
Xuất phát từ nền văn hóa Khmer (Campuchia), trong quá trình trao đổi văn hóa, palad khik du nhập vào Thái khoảng thế kỷ thứ 8. Để bùa hiệu nghiệm, họ thường phải “thỉnh” palad khik tại các chùa, đền, lạy tạ Shiva - vị thần tối cao trong đạo Hindu (có khả năng hủy diệt và tái sinh, thường được đại diện bằng sinh thực khí linga, yoni).
“Ngày xưa, khi thấy có người đeo quanh bụng một vòng chuỗi những dương vật gỗ giả, mọi người đã bật cười khúc khích. Cái tên palad khik ra đời như thế. “Khik” phát âm giống như tiếng cười khích khích”, Chris Jones, một nhà sưu tập bùa Thái viết.
Với những người kinh doanh, palad khik sẽ giúp họ thành công, buôn bán thuận lợi. Phan Nhân Minh, một người Việt bán trái cây ở Bangkok hơn 5 năm kể: “Hầu như tiệm buôn bán nào cũng đều có một cái palad khik. Quán to, cái đó... to, quán nhỏ, cái đó... nhỏ. Hồi trước, có lần tình cờ tôi thấy được một cái to bằng bắp chân trong một tiệm vàng ở khu phố Tàu Yaowarat”.
Đeo palad khik thi hoa hậu
Một dạo, báo chí Thái Lan sôi động hẳn lên khi cựu Hoa hậu Thái Lan Papasara Techapaiboon, vợ của cựu Bộ trưởng Khoa học Thái Lan, bật mí rằng cô giấu trong tóc một cái bùa palad khik nhỏ trong đêm chung kết năm 1998. Không biết do ngẫu nhiên hay do công lực bùa quá mạnh, Papasara đêm đó được trao vương miện hoa hậu rồi không lâu sau cưới luôn cả ngài bộ trưởng.
Khi tìm tư liệu, tôi thấy trên mạng có tấm hình chụp một palad khik khá lớn trong một quán bar tại Pattaya. Tôi xuống Pattaya để tìm mà không được. Apinat Hassket, nhân viên khách sạn Sunshine Vista, nói: “Người ta ít trưng palad khik ở ngoài nên khó thấy lắm, họ thường để trong ngăn đựng tiền. Tôi cũng có một cái. Mà không chỉ đem lại may mắn đâu, nó còn giúp quyến rũ người khác nữa đấy”.
Điều này thì tôi có đọc trên mấy trang về bùa chú của Thái, người độc thân muốn tìm kiếm người yêu thường kiếm một cái đeo vào người. Thường chỉ có đàn ông mới sử dụng bùa này nhưng một số phụ nữ cũng mang nó trong túi xách để phòng cướp và hiếp dâm. Và đặc biệt, không như những loại bùa khác hay được đeo quanh cổ, với bùa này, đàn ông đeo... quanh bụng.
“Nếu đeo bên phải bùa sẽ giúp quyến rũ phụ nữ trở thành người yêu, nếu đeo bên trái sẽ gặp thuận lợi, may mắn trong kinh doanh. Tuyệt đối không được đeo nó trên những loại bùa, hoặc hình tượng Phật có trên người”, Apinat vừa nói vừa vạch áo khoe.
Lễ vật cúng thần
Trong khi hầu hết mọi nơi trên thế giới khi cúng tạ thần linh đều dùng những lễ vật quý giá, thơm ngon như: vàng, hoa, thực phẩm… thì có một nơi ngay giữa trung tâm Bangkok, người dân lại dâng lễ vật cúng thần là dương vật gỗ - palad khik.
Tương truyền cây đa vài trăm tuổi phía sau khách sạn Swissotel Nai Lert (cách bến tàu điện Phloen Chit chỉ vài phút đi bộ) là nơi ở của nữ thần sinh sản Chao Mae Tuptim rất linh thiêng nên Nai Lert (triệu phú người Thái đầu tiên phát triển và bảo tồn Bangkok) quyết định xây dựng miếu thờ này để bày tỏ lòng thành kính.
Ngày nọ, một phụ nữ hiếm muộn tìm đến để xin thần Chao Mae Tuptim ban cho đứa con. Cầu được ước thấy, 9 tháng 10 ngày sau, người phụ nữ đó sinh được một em bé khỏe mạnh. Để cảm tạ, bà mang đến miếu lễ vật một cái... dương vật khổng lồ bằng gỗ.
“Tiếng lành đồn xa”, phụ nữ hiếm muộn khắp nơi đều đổ lại xin em bé. Và mỗi lần đạt được ý nguyện, ngoài hoa, phẩm vật, nhiều người cũng bắt chước cúng palad khik. Vì thế, dù chỉ là một miếu thờ nhỏ nhưng có đến hàng trăm cái palad khik bày la liệt trên bàn thờ, dưới đất, nơi gốc cây...
Palad khik ở đây làm bằng gỗ, đá (được đeo nơ, quàng khăn rất đẹp) với đủ kích cỡ khác nhau: có cái nhỏ bằng ngón tay nhưng cũng có cái dài gần... 2 m. Điều đặc biệt là hầu hết palad khik ở đây đều được sơn đỏ.
Người bảo vệ ở đây, anh Teerepat cho rằng “tuptim” trong tiếng Thái có nghĩa là quả lựu. Quả này màu đỏ và là biểu tượng cho sự sinh nở nên palad khik được sơn đỏ.
Tuy nhiên, dù màu gì đi nữa thì lễ vật palad khik này vẫn thật sự là một điều thú vị. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.