Chôn đá tính tuổi chùa…
Chánh điện chùa xây dựng trên nền đất cao. Mái của chánh điện được cấu tạo gồm nhiều lớp chồng lên nhau, trên đỉnh là chóp tháp cao vút, uy nghi. Phía trước nhà khách và tăng xá là tháp cột cờ, chân tháp có bộ phù điêu 7 đầu rắn thần Naga. Hai bên có bộ bánh xe 12 căm tượng trưng thập nhị nhân duyên. Đây là ngôi chùa cổ có kiến trúc rất độc đáo, nằm giữa vườn cây sao, dầu, cây me rộng chừng 2 ha, quanh năm thu hút hàng ngàn chim cò, vạc, cồng cộc… về đây làm tổ.
Nghệ nhân Sơn Sốc, người gắn bó với ngôi chùa này từ nhỏ để học nghề rồi truyền nghề điêu khắc gỗ lại cho các phật tử, cho biết: “Theo các sư thầy kể lại, ngôi chùa được thành lập vào năm 1637, vị sư đầu tiên là Thạch Thiệp. Đến nay chùa đã qua 24 hòa thượng trụ trì và nhiều lần được trùng tu sửa chữa. Do ảnh hưởng chiến tranh, hồi tháng 2.1968 chùa bị trúng bom làm hư khoảng 70% ngôi chánh điện và làm sập thư viện 3 tầng. Năm 1969 chùa xây dựng lại thư viện, chánh điện và tăng xá”.
|
Cũng theo nghệ nhân Sơn Sốc, chánh điện cũ chỉ có hai mặt theo hướng đông tây, đến năm 2000 được xây lại bốn mặt và sửa lại mái ngói. Hiện nay, chùa còn lưu giữ được một số tượng đá cổ quý nhưng bị sứt mẻ thời chiến tranh, đặc biệt là 4 pho tượng trong bộ Quá khứ thất Phật. Riêng tượng Thích Ca lớn ở chánh điện sau trận bom may mắn vẫn còn và được tu bổ lại. Hiện nay, chùa Hang do sư cả Thạch Suông trụ trì. Sư là người có công lớn trong việc vận động phục dựng lại chùa.
Cũng như các chùa Khmer theo hệ phái Nam tông khác ở Trà Vinh, cách tính niên đại của chùa khá độc đáo là dựa trên biên niên các cục đá được chôn hồi khai sơn lập tự. Theo lời kể của các sư, khi động thổ cất chùa, người Khmer tiến hành lễ chôn đá Kiết giới. Lễ này lấy từ tích Phật Thích Ca khất thực. Mỗi khi đi trai giới, ngài bẻ một nhánh cây cắm xuống đất, chư tăng họp xung quanh. Chỗ nào đức Phật cắm cây thì lấy chỗ đó xây chùa. Khi tiến hành lễ chôn đá, các sư đặt một cục đá trên đó chạm hình đầu Phật, có ghi ngày tháng. Mỗi lần trùng tu hay cất lại chùa mới cũng làm lễ này. Về sau, nếu muốn biết niên đại của chùa thì chỉ việc đào cục đá ấy lên thì sẽ rõ.
Trong lễ chôn đá có nghi thức ném vật cầu nguyện. Người cầu nguyện đi 7 vòng quanh hố chôn đá rồi ném xuống một vật. Ví dụ người muốn học giỏi thì ném quyển sách, người muốn giàu thì ném tiền bạc, con gái muốn có chồng hạnh phúc thì ném nữ trang… Vì vậy, khi đào gặp những chiếc hố cổ xưa này, người ta thường gặp nhiều bạc vụn.
|
|
Và chuyện 12 con giáp
Đối diện với chánh điện chùa Hang là quần thể tượng 12 con giáp, được bố trí hình vòng cung đắp nổi cặp rồng uốn lượn như chiếc thuyền. Đầu rồng ngẩng trên hai trụ đắp phù điêu thần Yak (chằn tinh được Phật cải hóa) và Voi. Nhìn từ bên trái sang là các tượng bao gồm các thần tiên và chằn cỡi chuột, cỡi bò, cọp, thỏ và rồng, tương ứng với Tý - Sửu - Dần - Mẹo - Thìn của người Việt.
Về phía bên phải cũng theo trình tự gồm các vị thần tiên cỡi dê, khỉ, gà, chó và thần cỡi heo xếp ngoài cùng. Chính giữa có vị thần cỡi đầu rắn Naga và thần cỡi ngựa bố trí sát bình phong. Trên tấm bình phong là một kiến trúc xây tháp 4 mặt có mái che, hai bên có tượng nữ thần Kinnari chống đỡ mái, trên cùng là bộ tượng 8 vị Phật chắp tay.
So sánh với 12 con giáp của người Việt thì bộ tượng này con thỏ thay cho mèo (Mẹo), con bò thay cho trâu (Sửu). Theo giải thích của các sư, con bò trong 12 con giáp của Khmer ảnh hưởng văn hóa Bà la môn giáo, đó là bò thần Nandi vốn là con vật cưỡi của thần Shiva. Vào ngày Tết Chol Chnam Thmay, người Khmer căn cứ quyển Đại Lịch để đón giao thừa và dựa trên 12 con giáp để bói xem năm mới tốt hay xấu. Điều này xuất phát từ cổ tích về vị thần Bốn Mặt được kể lại như sau:
|
Thuở Ngọc đế Indra tạo nên Trời Đất, có vị Quốc vương hạ sinh một hoàng tử tên là Thomma Bal. Từ nhỏ, vị hoàng tử này rất thông minh học đâu nhớ đó. Năm 7 tuổi, hoàng tử thông thuộc các sách thiên văn, bói toán, kinh điển. Tiếng khen bay tới thiên đình, thần Kabil Môhaprum (thần Bốn mặt) nổi lòng ghen tức nên tìm cách hại hoàng tử. Thần bay xuống trần gọi hoàng tử đến gặp và ra câu đố về “cái duyên con người trong một ngày” rồi giao hẹn trong 7 ngày nếu đáp đúng thì ngài sẽ tự chặt đầu, còn trái lại hoàng tử phải dâng đầu cho ngài.
Dù suy nghĩ suốt ngày, hoàng tử Thomma Bal vẫn không tìm ra lời giải. Bấy giờ, trên ngọn cây có 2 con chim linh chuyên ăn thịt đang nói chuyện với nhau là sẽ ăn thịt hoàng tử vì không giải được câu đố và vô tình tiết lộ lời giải. Nghe được, hoàng tử vội trở về dinh mừng rỡ khôn cùng. Hôm sau, đúng hẹn, thần Bốn Mặt cầm gươm vàng bay xuống. Hoàng tử ra lạy nghinh tiếp và trả lời đúng như những gì con chim linh nói. Thần Bốn Mặt nghe xong biết mình đã thua cuộc, liền dặn các con sau khi ngài tự chặt đầu thì đem đầu mình để trong một ngôi tháp. Mỗi năm, thay phiên nhau rước đầu đi quanh ngọn núi Tudi và đừng cho người trần chạm đến vì nếu đầu rơi xuống biển thì biển sẽ cạn khô. Quăng lên trời thì không có mưa, để trên mặt đất thì đất sẽ khô cứng…
Từ đó về sau, mỗi năm một lần, 7 cô con gái của thần Bốn mặt thay phiên nhau xuống trần, vào tháp bưng đầu của cha đến núi Tudi, theo hướng Mặt trời đi vòng quanh chân núi ba lần. Các vị thiên tôn con của Ngọc đế Indra cũng cỡi thú đi theo đám rước. Mỗi năm một vị thay đổi theo 12 con giáp. Qua 12 năm thì vị thứ nhất trở lại. Mỗi vị cỡi thú, ăn mặc và sử dụng khí giới khác nhau. Dân gian luận theo những điều ấy mà đoán điều hung kiết cho năm mới.
Theo nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, nhóm tượng 12 con giáp ở chùa Hang là yếu tố văn hóa dân gian xâm nhập vào Phật giáo, bởi về nguyên tắc các chùa của người Khmer theo hệ phái Nam tông không có. Hơn nữa, nhóm tượng này đã được bố cục trình tự theo kiểu 12 con giáp của người Việt, chỉ thay đổi hai con Trâu và Mèo.
Bình luận (0)