(TNTS) Huyết áp tăng cao là nguyên nhân dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, có thể gây tử vong. Điều đáng lo ngại là bệnh nhân huyết áp cao ngày càng trẻ hóa.
Ảnh: Shutterstock
|
Chế độ ăn uống nhiều muối, nhiều mỡ, uống rượu bia kèm theo chế độ sinh hoạt lười vận động và chịu nhiều áp lực trong cuộc sống, đặc biệt là ở những người làm việc văn phòng là những nguyên nhân khiến ngày càng có nhiều người bị huyết áp cao.
Theo thông tin do Viện Tim mạch VN đưa ra vào năm 2014, số người bị chứng cao huyết áp ở nước ta không ngừng tăng trong vài chục năm trở lại đây. Năm 1990, khoảng 8-9% người trưởng thành tại VN bị cao huyết áp; đến năm 2008, con số này tăng lên mức 25,5%. Đến thời điểm công bố thống kê, có tới 30% người trưởng thành, tương đương 10 triệu người Việt tuổi từ 25 - 64 bị cao huyết áp.
Giới chuyên môn đang rất lo ngại trước thực tế bệnh nhân huyết áp cao ngày càng trẻ hóa. Viện Tim mạch quốc gia ghi nhận có nhiều người bị đột quỵ do biến chứng của huyết áp cao dù mới ở độ tuổi 25 - 40.
Sát thủ tìm đến ai ?
Có rất nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ dẫn đến cao huyết áp. Có một tỷ lệ lớn người bị bệnh không rõ nguyên nhân, gọi là huyết áp cao vô căn. Bên cạnh đó là yếu tố tuổi tác, tuổi càng cao thì huyết áp thường cao. Huyết áp cao cũng có tính di truyền, nghĩa là trong nhà nếu cha mẹ bị cao huyết áp thì con cái dễ bị cao huyết áp. Huyết áp cao còn có thể xuất phát từ những bệnh lý khác, như rối loạn chuyển hóa mỡ trong máu, suy thận, bị hội chứng rối loạn chuyển hóa (rối loạn chuyển hóa đường, rối loạn chuyển hóa lipid, rối loạn chuyển hóa a xít uric...), hẹp động mạch thận... Những người béo phì cũng có nguy cơ bị tăng huyết áp. Các bệnh nhân sử dụng lâu dài một số thuốc gây giữ nước hoặc rối loạn điện giải như: kháng viêm Non steroide, cortisone, thuốc nội tiết... cũng sẽ dần trở thành nạn nhân của “sát thủ thầm lặng”.
Theo Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó chủ tịch Hội Phẫu thuật lồng ngực và tim mạch TP.HCM, cao huyết áp thường có các triệu chứng như mệt, tim hồi hộp và đập nhanh, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu... hoặc phát hiện tình cờ khi đo huyết áp và khám một bệnh khác. Ông Nam khuyên nên đo huyết áp ngày 2 lần buổi sáng và buổi chiều, đo ở tư thế nằm và nghỉ ngơi 15 phút trước khi đo. Những lần đầu tiên nên đo huyết áp và làm chẩn đoán nguyên nhân cao huyết áp ở bác sĩ chuyên khoa tim mạch. Về sau mới có thể tự theo dõi ở nhà với máy đo điện tử cá nhân.
Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Hoài Nam cho biết, huyết áp cao dẫn đến khá nhiều biến chứng, có biến chứng làm chết người đột ngột, chính vì vậy giới y khoa thường gọi cao huyết áp là tên sát nhân thầm lặng. Hai biến chứng thường gặp nhất của cao huyết áp là nhồi máu cơ tim cấp gây đột tử và tai biến mạch máu não gây đột quỵ. Tai biến mạch máu não có thể là do vỡ động mạch trên não hay lấp mạch não do cục máu đông và mảng xơ vữa động mạch hình thành trong lòng động mạch.
Làm gì khi bị huyết áp cao ?
Theo lời khuyên của chuyên gia Nguyễn Hoài Nam, việc đầu tiên là bệnh nhân cần nằm nghỉ ngơi thư giãn, tránh lo âu hay xúc động thái quá. Nếu có thuốc điều trị cao huyết áp ở nhà thì nên sử dụng ngay và đo huyết áp lại sau 30 phút. Tránh sử dụng các loại thuốc hạ huyết áp quá nhanh như Nefidipine dạng cắn ngậm như trước đây vẫn thường sử dụng, vì huyết áp tụt quá nhanh có thể gây tai biến về tim mạch cho bệnh nhân.
Người bị cao huyết áp nên tìm đến bác sĩ chuyên khoa để được khám và điều trị đúng cách. Một trong những vấn đề đáng lo ngại ở VN là người bệnh thường bỏ qua các triệu chứng bất thường về sức khỏe. Theo các chuyên gia tại Viện Tim mạch VN, ước tính chỉ khoảng 30% trong số 10 triệu người bị cao huyết áp tại nước ta được điều trị. Bên cạnh đó, tuân thủ điều trị khi đã được bác sĩ kết luận huyết áp cao cũng là một vấn đề ít được quan tâm ở người bệnh VN.
Có nhiều trường hợp sau một thời gian điều trị người bệnh, thấy huyết áp đã giảm về mức gần bình thường là ngừng sử dụng thuốc nhưng lại giữ lối sống, chế độ ăn và sinh hoạt như cũ nên huyết áp tăng lại.
Thay đổi lối sống
Những thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, nhất là những chất béo bão hòa, các thực phẩm chứa nhiều muối và đường như các loại thức ăn nhanh dễ đưa đến nguy cơ cao huyết áp do xơ vữa động mạch. Chính vì vậy, chế độ ăn ngừa huyết áp cao nên hạn chế các loại thực phẩm nói trên và tăng các loại rau củ quả, trái cây.
Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Hoài Nam cho biết muốn phòng ngừa và điều trị cao huyết áp có hiệu quả, việc đầu tiên là phải thay đổi chính bản thân mình. Một số biện pháp quan trọng bao gồm: tránh béo phì và cố gắng giảm cân theo tiêu chuẩn BMI; hạn chế các chất kích thích như bia, rượu; bỏ hẳn thuốc lá; có chế độ ăn uống hợp lý cân bằng giữa chất béo, protein và chất bột đường.
Bên cạnh đó, tăng cường vận động, tập thể dục thể thao đúng cường độ và phù hợp với tình trạng sức khỏe, tuổi tác cũng sẽ giúp ích rất nhiều trong việc phòng ngừa cũng như điều trị cao huyết áp. Ông Nam cho biết thêm, với bệnh nhân bị cao huyết áp thì đi bộ 30 phút mỗi buổi sáng là môn thể thao thích hợp nhất. Tránh tập luyện những môn thể thao đối kháng như quần vợt, cầu lông, bóng đá... Luôn giữ cân bằng cuộc sống, tìm cách thư giãn sau thời gian làm việc mệt nhọc, căng thẳng.
Đối với người bị bệnh, cần uống thuốc hạ huyết áp đều đặn theo chỉ định của bác sĩ tim mạch. Do cao huyết áp là bệnh mạn tính nên bệnh nhân luôn phải sử dụng thuốc hạ huyết áp để giữ huyết áp ổn định trong giới hạn an toàn.
Trong dân gian có một số bài thuốc nam được cho là có thể giúp hạ huyết áp cho những người cao huyết áp ở mức độ nhẹ, chủ yếu là do tác dụng lợi tiểu và an thần. Tuy nhiên, Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Hoài Nam lưu ý, với những trường hợp cao huyết áp từ trung bình đến nặng thì bao giờ cũng phải điều trị bằng thuốc hạ huyết áp và các loại thuốc điều trị nguyên nhân cao huyết áp như thuốc hạ mỡ máu, thuốc hạ đường huyết, thuốc lợi tiểu... mỗi ngày.
Bình luận (0)