Theo Nikkei, nhiều công ty tại Triển lãm Điện tử tiêu dùng (CES) 2022 đã háo hức tham gia vào cuộc đua metaverse và các công ty châu Á cũng không ngoại lệ, ngay cả khi họ vẫn đang trong quá trình tìm hiểu chính xác khái niệm này có nghĩa là gì.
Hyundai đã công bố “metamobility” tại CES 2022, một khái niệm kết hợp giữa metaverse và tính di động |
Hyundai |
Thuật ngữ “metaverse” được tiểu thuyết gia nổi tiếng Neal Stephensen đặt ra trong tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Snow Crash để mô tả về một thế giới ảo nơi con người tương tác với nhau dưới dạng kỹ thuật số. Kể từ khi từ “metaverse” bước vào thế giới kinh doanh, đặc biệt là sau khi Facebook đổi tên thành Meta cuối năm ngoái, cuộc tranh luận xung quanh cách giải thích về metaverse không ngừng nóng lên.
“Tôi không nghĩ metaverse là một từ được định nghĩa chính xác, cố định tại thời điểm này. Nó vẫn đang phát triển”, Sokwoo Rhee, người đứng đầu LG Nova, chi nhánh đổi mới có trụ sở tại Thung lũng Silicon của tập đoàn LG Corp, nói.
Hyundai muốn đưa con người đến tương lai mới với tầm nhìn 'metamobility' |
Tại sự kiện triển lãm truyền thông hôm 4.1, LG đã giới thiệu một số công ty khởi nghiệp liên quan đến metaverse mà hãng đang hợp tác trong một chương trình ươm tạo. Một trong số đó là iQ3, công ty chuyên xây dựng các chương trình đào tạo doanh nghiệp về thực tế ảo, và I3M, công ty khởi nghiệp trải nghiệm phong phú mang đến cơ hội “du lịch” thế giới trong metaverse.
Ông Rhee cho biết vẫn chưa rõ bằng cách nào để những dự án đó có thể được tích hợp vào hoạt động kinh doanh của LG, nhưng hy vọng metaverse sẽ giúp định hình lại con đường tăng trưởng cho tập đoàn. “Tôi không nghĩ LG muốn định nghĩa cho metaverse vào thời điểm này. Chúng tôi đại khái biết nó là gì và chúng tôi biết đó sẽ là một phần của tương lai”, ông Rhee nói.
Trong khi đó, nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc Hyundai đã giới thiệu một khái niệm mới được gọi là “metamobility”, ngụ ý về sự kết hợp giữa metaverse và tính năng di động, nhằm mục đích mở rộng ra ngoài lĩnh vực kinh doanh ô tô. Hyundai đã mua lại nhà sản xuất robot Boston Dynamics từ SoftBank vào năm 2021. Chú chó robot Spot của Hyundai đã gây chú ý tại CES 2022, hãng ô tô Hàn Quốc mô tả tương lai của metaverse là nơi nhiều thiết bị robot hoạt động như mối liên kết giữa thế giới ảo và vật lý.
Ví dụ, một chiếc ô tô robot có thể cung cấp dịch vụ di chuyển như một chiếc xe cá nhân, nó cũng có thể trở thành văn phòng hoặc trung tâm giải trí để người lái xe tương tác với những người khác trong thế giới ảo trong khi di chuyển ngoài đời thực. Tuy nhiên, có thể phải mất một thời gian nữa Hyundai mới hiện thực hóa hoàn toàn tầm nhìn về khả năng vận hành của mình. Khi Nikkei đến thăm gian hàng Hyundai Metaverse tại CES 2022, sự tương tác giữa con người và robot hầu như chỉ giới hạn ở một màn hình.
CES trở lại sau 1 năm vắng bóng vì Covid-19, người tham dự hào hứng thử "đồ chơi" mới |
Khác với hai công ty nêu trên, Panasonic lựa chọn bắt đầu trải nghiệm metaverse với phần cứng. Tập đoàn Nhật Bản đã giới thiệu MeganeX, kính thực tế ảo nặng khoảng 28 gram, nhẹ hơn nhiều so với các thiết bị hiện tại như Oculus của Meta.
“Panasonic cần thị trường mới, khách hàng mới và sản phẩm mới. Chúng tôi tin metaverse có tiềm năng kinh doanh rất lớn và mọi người sẽ dành nhiều thời gian hơn cho nó”, ông Takuma Iwasa, Giám đốc điều hành của Shiftall, công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của Panasonic đã phát triển MeganeX và ba thiết bị thực tế ảo khác, nói.
Theo Edo Segal, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Touchcast, công ty khởi nghiệp có trụ sở tại New York cung cấp không gian sự kiện ảo cho các doanh nghiệp trong metaverse, không phải tất cả các dự án đều thành công. Nhưng điều quan trọng là các công ty nên bắt đầu thử nghiệm sớm để đánh bại đối thủ. Ông Segal ví tình huống này giống như việc một công ty thành lập trang web vào những năm 1990. “Bạn có thể đợi, nhưng nếu bạn đợi thì người khác sẽ đến đó trước và chiếm hết công việc của bạn”.
Bình luận (0)