Hy Lạp phải bán đi những gì để nhận cứu trợ?

15/07/2015 10:07 GMT+7

(TNO) Hy Lạp sẽ không bán thành cổ Acropolis ở Athens, nhưng sẽ phải bán nhiều tài sản có giá trị khác. Với thỏa thuận để nhận gói cứu trợ vừa qua, chính phủ Hy Lạp đồng ý chuyển nhượng đến 50 tỉ EUR tài sản cho một quỹ độc lập.

(TNO) Hy Lạp sẽ không bán thành cổ Acropolis ở Athens, nhưng sẽ phải bán nhiều tài sản có giá trị khác. Với thỏa thuận để nhận gói cứu trợ vừa qua, chính phủ Hy Lạp đồng ý chuyển nhượng đến 50 tỉ EUR tài sản cho một quỹ độc lập.

Chủ cửa hàng quà lưu niệm đang ngồi chờ khách tại thủ đô Athens, Hy Lạp hôm 7.7 - Ảnh: AFP
Theo CNN, để đổi lấy gói cứu trợ thứ ba trị giá 96 tỉ USD với châu Âu, Hy Lạp phải bán đi nhiều tài sản cho một quỹ độc lập. Mục tiêu của Hy Lạp là quyên tiền mặt hoặc chuyển đổi những tài sản trên thành doanh nghiệp hái ra tiền.
Danh mục tài sản bán đi dự kiến bao gồm các ngân hàng, công ty điện, các hãng tiện ích, sân bay và bến cảng. Một số khu du lịch và khu phát triển đất đai đang được chính phủ sở hữu cũng có khả năng vào danh sách này.
Cụ thể, công ty viễn thông OTE do nhà nước sở hữu một nửa, Tổng công ty điện Hy Lạp và hãng Truyền tải điện độc lập của nước này nằm trong các doanh nghiệp mà nhà nước có thể tư nhân hóa.
Theo kế hoạch của Athens, 25 tỉ trong số 50 tỉ EUR có được từ hoạt động này sẽ chảy thẳng vào hệ thống ngân hàng đang gặp khó khăn, 12,5 tỉ EUR khác sẽ được dùng để trả nợ và 12,5 tỉ EUR còn lại sẽ được đầu tư để thúc đẩy nền kinh tế. Chương trình trên sẽ phải được Quốc hội Hy Lạp thông qua trong hôm nay nếu nước này muốn nhận tiền cứu trợ.
Trước đó, chính quyền Athens đã để mắt đến việc bán 35,5% cổ phần của họ trong Hellenic Petroleum - hãng vận hành 3 nhà máy lọc dầu ở Hy Lạp - và 90% cổ phần của họ trong Hellenic Post.
Việc Hy Lạp sẽ bán bớt tài sản để gây quỹ không phải là thông tin mới. Thực hiện một loạt hoạt động tư nhân hóa nằm trong những điều kiện của những thỏa thuận tài chính trước đây dành cho Hy Lạp. Tuy nhiên, quá trình này đã không diễn ra suôn sẻ và đạt hiệu quả thấp hơn mong đợi.
“Các chương trình tư nhân hóa đã là một nỗi thất vọng lớn trong các gói cứu trợ trước đó”, Raoul Ruparel, đồng giám đốc của Viện chính sách Open Europe (Anh) nói. Một trong số ít các thỏa thuận tư nhân hóa thành công diễn ra vào năm 2013, khi OPAP - một hãng cá cược Hy Lạp - được bán cho các nhà đầu tư ở nước Nga, Đức và Cộng hòa Séc.
Hiện tại, các nhà phân tích đang cảnh báo về tham vọng của chương trình này. Nhiều tài sản của Hy Lạp mất giá sau 5 năm nước này chìm trong cuộc khủng hoảng thổi bay 25% GDP.
Mục tiêu ban đầu của chương trình này là gây được số tiền 50 tỉ EUR đến năm 2019, song sau đó, nó được rút bớt xuống còn 22 tỉ EUR đến năm 2020. Tuy vậy, Quỹ phát triển tài sản công cộng Hy Lạp đến nay chỉ mới thu được 3,5 tỉ EUR.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.