Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ là hai trong số các thành viên lâu đời nhất của NATO, cùng gia nhập liên minh vào năm 1952. Song mối quan hệ và những căng thẳng giữa hai nước đã có từ trước khi NATO ra đời, và việc trở thành thành viên của liên minh hầu như không làm dịu đi tranh chấp của họ.
Trong những năm gần đây, quan hệ giữa Athens và Ankara đã xấu đi đến mức một số người tin rằng một cuộc chiến có thể nổ ra giữa hai nước, theo Business Insider.
Các quốc gia này chiếm giữ vùng lãnh thổ quan trọng về chiến lược ở đông nam châu Âu, và nằm trong số những nước có quân đội lớn nhất NATO, khiến nguy cơ xảy ra đụng độ càng cao hơn.
Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels tháng 6.2021 |
anadolu |
Chạy đua vũ trang ở phía đông Địa Trung Hải
Do căng thẳng dai dẳng với Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp là một trong số ít thành viên NATO duy trì chi tiêu quốc phòng cao hơn mức 2% GDP mà liên minh kêu gọi. Chi tiêu quốc phòng của Hy Lạp năm 2022 là cao nhất liên minh nếu tính theo tỉ trọng trong GDP.
Mặc dù phần lớn chi tiêu quốc phòng của Hy Lạp thường nằm ở các chi phí liên quan đến nhân lực, nhưng việc mua sắm trang thiết bị đáng kể dưới thời chính quyền hiện tại, bắt đầu từ tháng 7.2019, cũng đã khiến nước này trở thành một trong những nước chi tiêu nhiều nhất cho khí tài quân sự trong NATO (Liên minh cũng kêu gọi các thành viên dành khoảng 20% chi tiêu quốc phòng cho việc mua và nâng cấp trang thiết bị).
Hy Lạp đang tập trung phát triển lực lượng không quân và hạm đội hải quân.
Kể từ năm 2020, họ đã mua 24 máy bay phản lực Rafale do Pháp sản xuất. Đây là các máy bay chiến đấu đa năng thế hệ 4.5 được coi là rất có năng lực và vượt trội về công nghệ so với bất kỳ máy bay nào của Thổ Nhĩ Kỳ. Athens cũng đang nâng cấp 84 chiếc F-16 của mình lên cấu hình Viper mới nhất và đã đăng ký tham gia chương trình F-35.
Một máy bay F-16 Viper của Hy Lạp |
chụp màn hình msn |
Hy Lạp có kế hoạch mua 7 trực thăng tác chiến chống tàu ngầm MH-60R và nước này đã lắp đặt hệ thống phòng không Vòm Sắt của Israel trên các đảo ở biển Aegea phía đông nước này. Hệ thống này được điều chỉnh để chống lại đội máy bay không người lái đồ sộ của Thổ Nhĩ Kỳ.
Về hải quân, Hy Lạp đã mua 3 khinh hạm FDI HN từ Pháp và có thể mua thêm một chiếc nữa. Hy Lạp cũng đang trong giai đoạn cuối cùng để lựa chọn thêm 4 tàu hộ vệ cho lực lượng hải quân vốn đã khá lớn của mình.
Hy Lạp duy trì lực lượng xe tăng lớn nhất trong số các thành viên châu Âu của NATO - mặc dù một phần trong đó là các mẫu đời cũ - và có lực lượng pháo binh thuộc vào hàng lớn nhất châu lục.
Xe tăng của Hy Lạp trong một cuộc diễu binh năm 2018 |
chụp màn hình msn |
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ có quân đội lớn thứ hai, lực lượng xe tăng và pháo binh lớn thứ hai trong NATO, sau Mỹ.
Lực lượng không quân Thổ Nhĩ Kỳ có thể sánh ngang với Hy Lạp, nhưng đang tụt hậu do Ankara bị cho ra khỏi chương trình F-35, Mỹ vẫn chưa chấp nhận yêu cầu nâng cấp F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ và hàng trăm phi công Thổ Nhĩ Kỳ bị cho xuất ngũ sau vụ đảo chính thất bại năm 2016.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ và các máy bay mà nước này sản xuất đứng đầu trong khối NATO. Máy bay không người lái TB-2 Bayraktar do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất đã nhận được sự chú ý đáng kể vì vai trò của chúng trong cuộc chiến ở Ukraine.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một trong những nước có lực lượng hải quân lớn nhất NATO, với một số lượng đáng kể tàu chiến và một hạm đội đổ bộ lớn. Ankara có kế hoạch tăng cường hạm đội của mình với ít nhất 4 và nhiều nhất là 7 khinh hạm tác chiến phòng không thay thế các tàu cũ hơn.
Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang chờ bàn giao 6 tàu ngầm Type 214 do Đức sản xuất, có thể làm nghiêng cán cân hải quân ở biển Aegea, vì Hy Lạp có 4 tàu ngầm Type 214.
Tàu ngầm của Thổ Nhĩ Kỳ trong một cuộc diễu binh năm 2009 |
afp |
Chi tiêu quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ thấp hơn đáng kể so với Hy Lạp, tính theo tỷ trọng GDP, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ có nền kinh tế lớn hơn và đang lên kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng hàng năm cho đến năm 2024. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan gần đây đã công bố thêm 26 tỉ USD chi tiêu quốc phòng cho năm 2023.
Việc tăng cường hỏa lực này sẽ khiến bất kỳ xung đột nào đều trở nên nguy hiểm hơn và một cuộc khủng hoảng cục bộ có thể nhanh chóng leo thang.
Tham mưu trưởng quân đội Hy Lạp, tướng Konstantinos Floros, năm 2020 từng nói rằng các cuộc xung đột trong tương lai sẽ không bị giới hạn về mặt địa lý, đi ngược chính sách trước đây của Hy Lạp.
Nhiều vấn đề, ít thấu hiểu
Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ từng tiến rất gần đến chiến tranh trong quá khứ.
Hai nước đụng độ trong vụ Thổ Nhĩ Kỳ xâm lược đảo Cyprus năm 1974, và suýt đụng độ trong cuộc khủng hoảng Imia năm 1996. Năm 2020, các khinh hạm của Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ va chạm trong một cuộc đối đầu ở phía đông Địa Trung Hải.
Cả hai nước đều đã mất máy bay phản lực và phi công trong các cuộc chạm trán ở phía đông biển Aegea, và bên này thường xuyên cáo buộc bên kia bay qua lãnh thổ của mình tại khu vực.
Các tranh chấp của họ bao gồm việc đảo Cyprus bị chia cắt và việc Thổ Nhĩ Kỳ biến vấn đề người di cư thành "vũ khí" chống lại EU, nhưng phần lớn căng thẳng giữa hai nước xoay quanh các đảo ở biển Aegea và phía đông Địa Trung Hải.
Người di cư đứng đợi giữa hai cửa khẩu của Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ năm 2020 |
reuters |
Hy Lạp, viện dẫn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), lập luận rằng hàng trăm hòn đảo của họ ở biển Aegea tạo ra lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế. Thổ Nhĩ Kỳ chưa ký UNCLOS và cho rằng các đảo này không được hưởng các quyền giống như đất liền.
Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã cho phép tuyên chiến nếu Hy Lạp mở rộng lãnh hải của mình ở Aegea từ 6 hải lý hiện tại lên đến 12 hải lý, mức tối đa mà UNCLOS cho phép.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng yêu cầu Hy Lạp chấm dứt quân sự hóa các đảo ở biển Aegea, cho rằng Athens đã vi phạm giới hạn của hiệp ước quy định thiết bị quân sự có thể được triển khai tới các đảo này. Athens cho biết trang thiết bị phục vụ mục đích phòng thủ.
Tàu cảnh sát biển của Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ tuần tra xung quanh cụm đảo Imia/Kardak ở biển Aegea năm 2017 |
anadolu |
Tranh chấp ở Aegea đã leo thang trong những tháng gần đây.
Hồi tháng 9, ông Erdogan cáo buộc Hy Lạp "chiếm đóng" các hòn đảo và "chúng tôi sẽ làm những gì cần thiết" khi đến thời điểm. Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis vài ngày sau nói rằng chiến tranh sẽ không bao giờ xảy ra nhưng nếu Ankara tấn công thì "sẽ bị đáp trả cực kỳ tàn khốc".
Nhiều người ở Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng những lời lẽ trên có động cơ chính trị: cả ông Erdogan lẫn ông Mitsotakis đều phải đối mặt với cuộc bầu cử vào mùa hè tới.
Các nhà quan sát cho rằng NATO có thể kiềm chế căng thẳng như từng làm trong quá khứ, nhưng hiềm khích giữa hai trong số các thành viên quan trọng nhất của liên minh có vẻ vẫn sẽ tiếp diễn (EU và Mỹ ủng hộ Hy Lạp trong vấn đề các đảo ở Aegea, và Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng đây là thiên vị).
Đối thoại chính trị phần lớn bị đóng băng, nhưng bộ trưởng quốc phòng của hai nước đã gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh NATO vào ngày 14.10 với nỗ lực làm dịu tình hình.
Sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết điều quan trọng là tranh chấp "được giải quyết mà không có sự can thiệp của bên thứ ba". Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp nói rằng "miễn là có mối đe dọa về chủ quyền lãnh thổ, thì bất kỳ nỗ lực liên lạc nào cũng trở nên vô ích".
Bình luận (0)