Ì ạch cơ chế 'bán điện cho hàng xóm'

04/08/2023 06:40 GMT+7

Ưu tiên phát triển mạnh nguồn năng lượng tái tạo đến gần 40% tổng sản lượng, nhưng Quy hoạch điện 8 đã được phê duyệt từ giữa tháng 5, đến nay đã hơn 2 tháng rưỡi mà các hướng dẫn để "mua bán điện cho hàng xóm" vẫn chưa thấy đâu.

Bỏ qua nhu cầu "bán điện cho hàng xóm"

Bộ Công thương vừa có báo cáo Thủ tướng về dự thảo cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) không qua Tập đoàn điện lực VN (EVN), giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn. Dự thảo sẽ được áp dụng cho các đơn vị có sở hữu nhà máy điện gió, điện mặt trời (ĐMT) công suất lắp đặt từ 10 MW trở lên và khách hàng mua là tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp (DN) có nhu cầu sử dụng điện để sản xuất. 

Việc mua bán điện giữa hai bên có thể thông qua đường dây kết nối trực tiếp do đơn vị phát điện đầu tư phù hợp với quy hoạch; hoặc mua bán điện qua hệ thống lưới điện quốc gia, bên phát điện kết nối với lưới điện quốc gia và bán điện năng của nhà máy lên thị trường điện giao ngay tại thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Dự thảo cơ chế khuyến khích việc mua bán điện trực tiếp để tự sản, tự tiêu. Giá bán lẻ cho khách hàng sử dụng điện lớn áp theo giá được quy định tại Quyết định 1062 của Bộ Công thương, tương đương hơn 1.920 đồng/kWh.

Ì ạch cơ chế 'bán điện cho hàng xóm' - Ảnh 1.

Nhà máy điện mặt trời Cư Jút (H.Cư Jút, Đắk Nông)

CHÍ NHÂN

Trong thực tế, không chỉ có các nhà đầu tư năng lượng tái tạo và các DN sản xuất lớn cho nhu cầu mua bán điện trực tiếp, mà rất nhiều hộ gia đình đã đầu tư ĐMT từ mấy năm trước, không được phát điện lên lưới, cũng mong có cơ chế khuyến khích hướng dẫn để có thể bán điện trực tiếp cho các nhà hàng xóm một cách dễ dàng hơn. Đặc biệt, sau khi Quy hoạch điện 8 được phê duyệt (ngày 15.5.2023), niềm "háo hức" được bán điện cho hàng xóm của nhiều hộ gia đình càng mãnh liệt. Bởi Quy hoạch điện 8 nêu rõ: "Ưu tiên và có chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển ĐMT mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng, nhất là các khu vực có nguy cơ thiếu điện như miền Bắc và ĐMT tự sản, tự tiêu".

Thế nhưng, đến nay đã hơn 2 tháng rưỡi, cũng là giai đoạn mùa nắng nóng, thủy điện thiếu, nhà máy điện than trục trặc liên tục, nguồn ĐMT dư từ nhà dân vẫn chưa được tận dụng chia sẻ trong cộng đồng dân cư. Đáng nói, dự thảo cơ chế mua bán điện trực tiếp của Bộ Công thương mới trình Thủ tướng cũng "bỏ quên" đối tượng này. Trong khi đó, chính nguồn điện dư có thể bán cho hàng xóm giúp giảm tải rất lớn cho ngành điện trong giai đoạn nguy cơ thiếu điện tại khu vực miền Bắc.

Chiều 2.8, đại diện EVN cũng cho biết cơ chế mua bán điện trực tiếp nếu được ban hành sớm sẽ tạo cơ hội cho những khách hàng có thể mua bán trực tiếp với các chủ đầu tư năng lượng tái tạo. "Với ĐMT mái nhà, việc mua bán sản lượng điện giữa các gia đình với nhau cũng là hình thức được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng. Trong thời gian qua, EVN đã nhiều lần có tờ trình, kiến nghị sớm có hướng dẫn phát triển nguồn ĐMT mái nhà dân, tự tiêu dùng tại chỗ và không phát lên lưới này", đại diện EVN chia sẻ.

Ì ạch cơ chế 'bán điện cho hàng xóm' - Ảnh 2.

Chuyên gia kiến nghị cần cơ chế mở cho các nguồn điện, như điện mặt trời mái nhà của hộ dân

ĐỘC LẬP

Cần cơ chế mở cho các nguồn điện

Chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình cho rằng về mặt kỹ thuật, hai nhà lắp chung một hệ thống ĐMT hoặc một nhà lắp rồi chia sẻ cho 5 - 7 nhà trong xóm là hoàn toàn có thể thực hiện được, chưa nối lên lưới điện quốc gia thì tùy nghi hai gia đình mua bán với nhau. Chỉ trừ khi ĐMT của hộ gia đình này đã được nối với lưới điện cho dù bị giới hạn số kW thì nếu cho phép mua bán trực tiếp, cũng rất khó triển khai vì ngành điện đang quản lý việc cấp điện cho các hộ gia đình bằng hợp đồng mua bán điện.

"Việc được phép bán ĐMT cho nhà hàng xóm là một cách khuyến khích nhà dân, DN sử dụng nguồn năng lượng tái tạo. Quy hoạch điện 8 cũng đặt ra phát triển ĐMT mái nhà tự sản, tự tiêu và chủ yếu phục vụ tiêu thụ tại chỗ, đặc biệt tại khu vực miền Bắc. Thế nhưng, dù luôn chực chờ nguy cơ thiếu điện, nhiều hộ gia đình phía bắc vẫn không mặn mà đầu tư do… không bán điện cho hàng xóm được", ông Đình nêu thực trạng. 

Dù vậy, chuyên gia này cũng không khỏi lo lắng, nếu có cơ chế mở cho bán điện trực tiếp cho nhiều đối tượng, e rằng sẽ có làn sóng đầu tư ĐMT mái nhà nữa như mấy năm trước ở khu vực miền Nam, lại dẫn đến vỡ quy hoạch. Bởi khuyến khích lắp ĐMT tự sử dụng, cho bán có thể xảy ra tình trạng lạm dụng. Nhà này bán cho nhà kia, khu công nghiệp này bán cho khu công nghiệp kia. Trong thực tế, đã có DN khác vào khu công nghiệp đầu tư làm ĐMT trên mái nhà xưởng và bán lại cho DN sản xuất đó cũng như cho các DN lân cận. Nhưng ĐMT mái nhà không cung cấp được 24/24 thì phần điện thiếu mua ở đâu?

"Quy hoạch điện 8 đã có, nhưng nó chỉ là bộ khung sơ đồ để thực thi, trong quá trình thực hiện, thấy chưa phù hợp, có thể sửa đổi được. Theo tôi, nên có cơ chế mở cho vấn đề này, không nên giới hạn ĐMT đến năm đó đạt bao nhiêu MW. Vấn đề là các cơ quan chuyên môn có tính toán để đề xuất, đưa chính sách đột phá hay không mà thôi".

Ông Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng

Giải thích rõ hơn, chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm cho biết chủ trương làm ĐMT tự sản, tự tiêu, nhưng muốn bán cho hàng xóm phải đấu nối ngoài công tơ nằm ngoài hệ thống. Trong khi ĐMT lại không phát ban đêm, các hộ gia đình lại phải mua điện từ lưới, cụ thể là từ EVN. Muốn vậy, phải lắp công tơ đấu nối hai chiều. Hơn nữa, tuy không phát lên lưới, nhưng các hộ muốn đấu nối bán điện cho hàng xóm phải có giấy phép hoạt động điện lực theo luật Điện lực; rồi tiền bán điện cho nhóm hàng xóm đó thu về có bị kê khai đóng thuế thế nào chưa rõ… Như vậy, muốn bán điện trực tiếp cho hàng xóm, phải chờ sửa luật, hoàn thiện nhiều yếu tố pháp lý nữa. Vòng luẩn quẩn là ở đây.

"Trong thực tế, chúng ta đang thiếu các loại điện chứ không phải thiếu điện", chuyên gia Ngô Đức Lâm nhấn mạnh và phân tích: "Thời gian qua, nguồn thủy điện, điện than được phát thiếu hụt do ảnh hưởng cực đoan của thời tiết. Trong khi đó, ĐMT lại thừa, không phát lên lưới được. Chúng ta sốt ruột và cho rằng đây là nghịch lý. Ngay cả tổng sơ đồ Quy hoạch điện 8 mới được phê duyệt đã lộ rõ nghịch lý này. Chủ trương không giới hạn công suất ĐMT mái nhà lắp đặt theo hướng tự sản, tự tiêu, nhưng lại đề ra công suất loại hình này ước tính đến năm 2030 là 2.600 MW. Tại sao không là 3.600 MW? Sợ quá tải lưới điện thì trong quy hoạch cũng đã đưa ra lộ trình đầu tư lưới rồi. Nguồn ĐMT tại miền Nam đang dư, chờ đường dây 500 kV mạch 3 để chuyển tải ra miền Bắc. Muốn có nguồn điện từ Nam ra Bắc dồi dào hơn, nên cho mua bán điện trực tiếp với nhà hàng xóm. Vừa rồi, Bộ Công thương có lý giải không khuyến khích mở rộng đối tượng đầu tư ĐMT mái nhà là khách sạn, bệnh viện, trường học… vì với 2.600 MW, chỉ cần 12,5% nhà dân, mỗi nhà lắp được 1 kW ĐMT trong năm nay là đủ sản lượng quy hoạch rồi. Nói như vậy sao được? Nếu điều hành theo kiểu tính toán này là cách chúng ta tự lấy đá ghè chân mình".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.