Ì ạch dự án tu bổ, di tích Chăm ngàn năm hoang tàn

26/12/2022 07:29 GMT+7

Dù đề án khảo cổ và phát huy giá trị khu di tích Chăm Phong Lệ (P.Hòa Thọ Đông, Q.Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng ) đã có từ 5 năm qua, nhưng đến nay khu di tích vẫn rơi vào cảnh hoang tàn do công tác triển khai quá chậm.

Sau nhiều năm mòn mỏi chờ “danh phận”, chìm trong hoang vu (Thanh Niên đã nhiều lần thông tin), cuối tháng 2.2021 là thời điểm di tích Chăm Phong Lệ có hy vọng sáng sủa nhất khi UBND TP.Đà Nẵng trao bằng xếp hạng di tích cấp thành phố (di tích thuộc loại hình di tích khảo cổ duy nhất của TP). Thế nhưng cũng từ đó, di tích này tiếp tục rơi vào cảnh hoang hóa, quạnh quẽ… Thậm chí, đến nay sau gần 2 năm được công nhận là di tích, di tích Chăm Phong Lệ càng trở nên xuống cấp hơn.

Cây cối, cỏ dại mọc um tùm di tích Chăm Phong Lệ

HOÀNG SƠN

Giữa tháng 12.2022, vạch bụi rậm để vào khu di tích, chúng tôi không khỏi xót xa khi chứng kiến toàn bộ khu vực bị cỏ dại, dây leo mọc chằng chịt. Ngoại trừ hố thiêng được đánh giá có giá trị bậc nhất - nền móng của một ngôi tháp Chăm lớn nhất miền Trung - được che mái tôn thì những hiện vật còn lại nằm lăn lóc trên mặt đất. Sau những trận mưa lớn, hố thám sát đã bị sụt lở, tường gạch ngả nghiêng…

Bà Phan Thị Cổ (74 tuổi, sống cạnh di tích) cho biết thi thoảng có người đến ngó chút rồi ra về, còn lại cũng như khoảng 10 năm về trước, di tích im lìm, hoang phế… “Hồi trao bằng di tích rình rang lắm, rồi nghe dự án tu bổ đã lâu nhưng chờ mãi, tui có thấy triển khai chi đâu. Nhà tui cũng dính một phần đất trong dự án, mong giải tỏa để đi nơi khác chứ sống gần di tích âm u, rậm rạp riết sinh bệnh thôi…”, bà Cổ nói.

Một cán bộ P.Hòa Thọ Đông cho biết phường đã thành lập tổ quản lý khu di tích và đã thuê một người dân sinh sống gần đó bảo vệ. Nhiệm vụ của người này là trông coi không để người dân xâm hại khu di tích, vừa giữ vệ sinh khu vực. “Hằng quý, đoàn thanh niên cũng có đến phát quang, nhổ cỏ… Nhưng nói thật là vì khu vực này khá rộng, thời tiết mưa ẩm nên cỏ dại mọc um tùm. Nhìn khu di tích hoang vu, chúng tôi cũng rất xót xa nhưng không cách nào khác là phải chờ dự án bài bản từ cấp TP”, vị cán bộ này nói.

Chờ dự án tu bổ, di tích Chăm Phong Lệ tiếp tục xuống cấp sau nhiều năm hoang phế

Chờ đến bao giờ?

Thực hiện đề án khảo cổ và phát huy giá trị khu di tích Chăm Phong Lệ, cuối năm 2021, Sở VH-TT TP.Đà Nẵng đã đề xuất đầu tư công trình Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở 2 tại di tích Chăm Phong Lệ với tổng mức đầu tư gần 252 tỉ đồng. Giải trình sự chậm trễ tiến độ, ông Phạm Tấn Xử, Giám đốc Sở VH-TT TP.Đà Nẵng, cho hay do công tác đền bù phát sinh nhiều vướng mắc (hiện vẫn còn vướng 7/20 hồ sơ). Đây là công trình văn hóa đặc thù nên sau khi tiến hành các bước khai quật, khảo cổ toàn bộ khu vực 1 (diện tích 2.653 m2) cần được đánh giá kỹ lưỡng để có phương án bảo tồn, tu bổ các giá trị vùng lõi.

Cũng theo ông Xử, lý do chậm tiến độ vì Sở VH-TT phải tổ chức lấy ý kiến nhiều cơ quan, đơn vị, nhà nghiên cứu đầu ngành, đặc biệt là văn hóa Chăm; cần phải thi tuyển để chọn phương án kiến trúc phù hợp… “Về nguồn vốn đầu tư, do đây là công trình trọng điểm, có giá trị về di sản, kiến trúc và tín ngưỡng dân gian, cần yêu cầu thực hiện công tác bảo tồn di tích, phục vụ công tác nghiên cứu, giáo dục gắn với phát huy giá trị di tích văn hóa đã 1.000 năm tuổi. Với vai trò này, đồng thời đảm bảo tiến độ triển khai thực hiện, Sở VH-TT đề xuất sử dụng nguồn vốn ngân sách của TP để thực hiện…”, ông Xử kiến nghị.

Hiện vật nằm lăn lóc trên hố thám sát hoang tàn vì cỏ dại

Theo bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Sở KH-ĐT TP.Đà Nẵng, TP dự kiến hoàn thành đền bù, hoàn thành hồ sơ xếp hạng di tích vào năm 2017 - 2018; năm 2018 - 2020 triển khai một số dự án bảo tồn di tích, nhà trưng bày; năm 2020 - 2022 hoàn thiện các hạng mục còn lại. Tuy nhiên, với những lý do đã nêu, dự án đã bị chậm tiến độ. Bà Tâm thông tin, vừa qua, Sở VH-TT đã phối hợp với đơn vị liên quan thành lập dự án đầu tư từ ngân sách TP. Tuy nhiên, về quy mô, phân kỳ đầu tư, nguồn vốn khác với đề án được duyệt nên UBND TP đã giao lại cho Sở VH-TT rà soát, đề xuất việc điều chỉnh dự án.

“Đối với dự án đặc thù cần phải tôn tạo này, UBND TP đã có văn bản chỉ đạo Sở VH-TT phối hợp với đơn vị liên quan trình hồ sơ chủ trương đầu tư, trong đó tập trung vào hạng mục cần thiết để đảm bảo việc bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo di tích. Khi Sở VH-TT trình hồ sơ, Sở KH-ĐT sẽ thẩm định, báo cáo UBND TP. Đây là nội dung khẩn trương, nên vừa qua UBND TP liên tục chỉ đạo để đáp ứng yêu cầu bảo vệ di tích”, bà Tâm nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.