Tiến sĩ Đỗ Hữu Nguyên Lộc, Chủ tịch Hội Nghiên cứu và Giảng dạy tiếng Anh ở TP.HCM, cho biết Hà Tĩnh quyết định đặc cách cho 70 học sinh lớp 12 được là học sinh giỏi cấp tỉnh vì điểm IELTS 6.5 trở lên là “táo bạo”, “đột phá”.
"Đang gây nhiều tranh cãi"
“Song vì táo bạo, đột phá nên việc đặc cách trên đang gây nhiều tranh cãi. Chúng ta khó có thể khẳng định đó là đúng, hay sai hay hợp lý. Nhưng trước tiên, cần nhìn nhận rõ 2 bài thi IELTS và học sinh giỏi tiếng Anh cấp tỉnh có mục đích khác nhau”, tiến sĩ Lộc nói.
Tiến sĩ Lộc chỉ ra, bài thi học sinh giỏi tiếng Anh nhằm kiểm tra trình độ ngôn ngữ ở mức độ giỏi, hay xuất sắc, ai có năng lực để bồi dưỡng thêm, từ đó đi thi học sinh giỏi cấp quốc gia, thi Olympic… Còn thi IELTS không nhằm mục đích phân loại mà kiểm tra khả năng thành thạo ngôn ngữ, kỹ năng nghe nói đọc viết…
IELTS được ứng dụng phổ biến cao, tại hơn 9.000 cơ sở giáo dục, cơ quan chính phủ và nhà tuyển dụng lao động trên toàn thế giới. Trong khi đó, bài thi học sinh giỏi tiếng Anh (có thể cấp tỉnh) là bài thi chỉ áp dụng ở Việt Nam.
“So sánh bài thi học sinh giỏi tiếng Anh với bài thi IELTS thì giống như mình đang so sánh cái thuyền và cái xe hơi vậy”, tiến sĩ Lộc nói.
|
Đồng thời, theo tiến sĩ Lộc, có sự khác biệt ở các tỉnh thành. Ở các địa phương như TP.HCM, Hà Nội, học sinh có điều kiện học thực hành tiếng Anh hơn, số lượng học sinh học và thi IELTS đông, điểm thi IELTS cao.
Tiến sĩ Lộc cho hay, ở góc độ cá nhân, anh ủng hộ việc sử dụng điểm thi IELTS là một phần của đánh giá học sinh giỏi. Bởi đây là lựa chọn táo bạo, hợp thời, giúp trình độ tiếng Anh của người trẻ Việt Nam dần dần đạt chuẩn mực thế giới. Song, điểm IELTS không thôi thì không đủ phân loại học sinh. Do đó, cần kết hợp 2 yếu tố này.
Tiến sĩ Lộc đề xuất, cần bài thi IELTS và bài thi học sinh giỏi truyền thống. Bởi bài thi học sinh giỏi truyền thống có khả năng phân loại người học, học sinh được bồi dưỡng chuyên sâu. “Giả sử có điều kiện, để được tham gia kỳ thi học sinh giỏi tiếng Anh cấp tỉnh cần đạt IELTS tối thiểu 5.0, từ đó học sinh làm thêm một bài thi truyền thống học sinh giỏi tiếng Anh nữa”, tiến sĩ Lộc nêu ý kiến.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hội Nghiên cứu và Giảng dạy tiếng Anh ở TP.HCM cũng cho rằng, việc thay đổi nào cũng cần một lộ trình, không quá đột ngột để mọi người, từ phụ huynh, học sinh có thể đón nhận nhẹ nhàng, không quá bất ngờ.
“Nhưng phụ huynh có phát cuồng vì IELTS không?”
Phan Huỳnh Thảo, người sáng lập và là giáo viên tại IELTS Huỳnh Thảo - YOSE Home, TP.HCM, cho hay khi đọc bản tin về việc đặc cách là học sinh giỏi cấp tỉnh cho những học sinh IELTS 6.5 trở lên, không cần làm bài thi thì cô thấy: “Khá bất ngờ, song điều này cũng khá hợp lý. Do quá trình các em nỗ lực để đạt được những số điểm IELTS như vậy cũng không dễ dàng gì, huống hồ các em còn học những môn học khác ở trường nữa”.
Tuy nhiên, Thảo cũng suy nghĩ tới một số tiêu cực có thể phát sinh từ việc này, khi mà cứ IELTS 6.5 trở lên được đặc cách là học sinh giỏi cấp tỉnh, thì liệu có thể phụ huynh học sinh sẽ đổ xô, “phát cuồng” vì IELTS, nhà nhà người người cho con đi học IELTS, thi IELTS hay không. Mặc dù quy trình thi IELTS được thực hiện nghiêm túc, khắt khe, phản ánh khá trung thực và chuẩn xác trình độ nghe nói đọc viết của thí sinh, khó mà gian lận được, xong những việc gì thái quá đều không nên.
|
Người thành lập IELTS Huỳnh Thảo - YOSE Home cũng cho biết, việc ôn luyện và thi học sinh giỏi tiếng Anh rất khác với việc ôn tập và thi IELTS. Thi IELTS đầy đủ các kỹ năng nghe nói đọc viết, còn thi học sinh giỏi thì nghiêng về kiểm tra từ vựng và ngữ pháp. Dù nhìn chung cả hai bài kiểm tra đều có nhiều câu “bẫy” thí sinh, đòi hỏi học sinh phải suy luận, tư duy,…
“Việc ưu tiên cho những thí sinh có điểm IELTS cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh có thể được, để khuyến khích tinh thần học tập, hội nhập quốc tế, song cần phải nghiên cứu và xem xét rất kỹ việc có nên đặc cách hoàn toàn, không cần thi mà vẫn xếp loại nhất, nhì, ba, khuyến khích hay không. Tôi nghĩ nếu được, nên xem đây là yếu tố ưu tiên thêm. Tức là thí sinh nào cũng cần phải làm bài thi học sinh giỏi như truyền thống vẫn làm, song có cơ chế ưu tiên, cộng điểm nếu bạn có điểm IELTS từ mấy chấm trở lên chẳng hạn. Còn nếu quyết định xem IELTS là điều kiện đặc cách, thì nên cân nhắc kỹ tất cả các tình huống có thể phát sinh để đưa ra quy định toàn diện nhất”, Huỳnh Thảo nêu suy nghĩ.
“Chưa hợp lý”
Nguyễn Hòa Kim Thái, sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, bạn trẻ thi Olympic tiếng Anh học sinh sinh viên, Olympic tiếng Anh cho cán bộ Đoàn, thí sinh Đường lên đỉnh Olympia chia sẻ, cứ IELTS 6.5 trở lên được đặc cách học sinh giỏi cấp tỉnh, không cần thi là không hợp lý.
|
“Sở GD-ĐT Hà Tĩnh và một số bạn trẻ, phụ huynh thấy việc đặc cách là cách làm hay có lẽ do ở tỉnh chưa tổ chức được kỳ thi học sinh giỏi tiếng Anh với đủ 4 kỹ năng như IELTS. Dù tối thiểu 6.5 IELTS là rất tốt, đủ chuẩn để du học, thậm chí là bậc thạc sĩ, nhưng lấy danh hiệu học sinh giỏi để khuyến khích học sinh thi chứng chỉ tiếng Anh thì chưa hợp lý. Vì chi phí ôn tập IELTS bài bản, lệ phí thi khá đắt, các bạn khó khăn thì khả năng dự thi còn hơi thấp.
Chưa kể nếu cào bằng như vậy thì người có lợi sẽ là các trung tâm tiếng Anh, vì ai cũng đổ xô đi học.
Các giáo viên đội tuyển không còn đam mê truyền đạt nữa mà sẽ là “Các em giỏi rồi về thi IELTS đi các em”. Nếu muốn khuyến khích thì Sở có thể lựa chọn hình thức khác, hoặc xem đó là hình thức ưu tiên, chứ không nên đặc cách, không cần thi mà chỉ cần IELTS 6.5 vẫn xét giải nhất, nhì… cho kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh”, Nguyễn Hòa Kim Thái nêu quan điểm.
Bình luận (0)