(iHay) Mùa thu về, vàng cả góc trời đượm mây. Con đường lên xã Y Tý (huyện Bát Xát, Lào Cai) đang rộ mùa lúa khiến bao kẻ mê đi trào dâng cảm xúc...
Y Tý mờ sương đón tôi bằng một cơn mưa mỏng
|
Những thung lũng lúa tràn sắc vàng trong nắng tươi, ôm ấp lối đi quanh co bên đèo núi. Tôi như thả mình vào từng cụm mây lãng đãng ngang tầm với. Xe lướt nhẹ trên những con đường hai bên tím ngát màu hoa mua. Mùa này, rừng núi tràn sắc hoa. Hoa mua tím, hoa gừng trắng, hoa nghệ vàng,… sắc màu đan xen, lác đác trong sương sớm. Mùi rừng, mùi cỏ cây đá núi, mùi nắng hong khô làn sương mỏng… Tôi như đang ở một thế giới khác. Quên đi những mỏi mệt bộn bề của phố thị khói xe, của thứ âm thanh rộn rạo ngày thường.
Y Tý mờ sương đón tôi bằng một cơn mưa mỏng. Mưa nhẹ nhàng lăn vào má, làm ướt tóc mai. Mưa hết. Nắng cũng lên, sáng bừng cả nương lúa óng ánh mùa màng. Tôi bắt đầu hành trình khám phá các bản làng hun hút sâu trong thung lũng. Con đường nhỏ lờ mờ mây đan nắng với khí trời lành lạnh. Dốc lên rồi lại xuống. Tôi thấy mình len lỏi khắp những lối đi vòng quanh núi. Lúa tháng 9 thật đặc biệt. Từng mảng vàng non, vàng đậm, vàng xanh, vàng thắm đan xen nhau. Dường như người dân ở đây không thu hoạch cùng một thời điểm mà chậm rãi chờ thời tiết hong cho lúa mau chín, cho ngọn nhanh trổ bông.
Hoa mua tím, hoa gừng trắng, hoa nghệ vàng,… sắc màu đan xen, lác đác trong sương sớm
|
Qua hết vài ngọn núi, cuối cùng tôi cũng đặt chân đến bản Lao Chải – bản làng với những “ngôi nhà nấm” mà dân du lịch bụi vẫn thường truyền tai nhau. Đi qua hết rặng lúa vàng sóng sánh trong nắng thu, qua cả những bụi tre rừng xanh mát vươn cao bầu trời, tôi đã thấy thấp thoáng những mái nhà gianh vách đất nằm giữa con đường đất bùn nâu.
Lẩn khuất giữa núi rừng, nương lúa mùa vụ là những ngôi nhà trình tường của người Hà Nhì mộc mạc với tường đất và mái xanh rêu tuyệt đẹp. Những ngôi nhà hệt như cây nấm khổng lồ nằm thoai thoải trên những sườn núi tạo nên một bức tranh đẹp như trong chuyện cổ tích
|
Tôi dừng lại ở điểm trường Lao Chải 1 – một trường mầm non khang trang giữa bản Lao Chải nhà đất. Nói là trường, nhưng chỉ là một dãy nhà gồm 3, 4 phòng học nhỏ. Một cái sân nhỏ, có đu dây cho các bé chơi. Hôm nay là chủ nhật, lũ trẻ đang nô đùa ở trong sân. Trò chơi tụi trẻ yêu thích là “đua xe”. Chiếc xe đua này đặc biệt lắm. Được làm bằng vài thanh tre ghép lại, có thêm 2 bánh xe đầu cuối nữa. Thế là một cậu ngồi điều khiển, một cậu đứng sau đẩy. Xe thô sơ mà phóng nhanh lắm. Tôi cũng thử một lần cảm giác chơi trò chơi của tụi trẻ. Rất thú vị và trải nghiệm!
Tôi dừng lại ở điểm trường Lao Chải 1
|
Trò chơi “đua xe” của lũ trẻ
|
Ở góc dưới sân trường, mấy cô bé đang rủ nhau nhảy đu. Chiếc đu đơn giản là thanh gỗ đặt nằm và dây thừng buộc thắt. Trò chơi con trẻ, giản dị đến ngạc nhiên. Tôi chợt nhớ đến những cửa hàng đồ chơi đắt đỏ ở phố thị. Nhớ đến những khu công viên với đầy đủ những trò chơi hiện đại. Xích đu đủ màu, ngựa gỗ xanh đỏ, câu cá, lái ô tô,… Cuộc sống mà, vẫn có những điều thật khó nói. Nhìn nụ cười trẻ thơ vô tư, háo hức, tôi mong các em giữ mãi nét hồn nhiên này. Dẫu sao, tuổi thơ vẫn là quãng thời gian đẹp và vô tư nhất!
Bên cạnh khu điểm trường là bãi cỏ xanh cùng một ngôi nhà đất mái gianh. Ngôi nhà rất to và khóa trái cửa. Có vẻ như đây là “nhà văn hóa” của bản – theo ngôn ngữ và cách nhìn của kẻ thị thành như tôi.
|
Ngôi nhà trình tường của người Hà Nhì mộc mạc với tường đất và mái xanh rêu tuyệt đẹp
|
Tôi rảo bước thăm thú những ngôi nhà trong bản. Ở nơi đây, dường như mọi người đã lên nương hết. Nhà nào cũng vắng, chỉ có đàn gia súc vẫn tắm táp dưới con kênh. Tôi bị thu hút bởi một ngôi nhà mái cỏ gianh mọc tràn cây leo xanh lá. Ngôi nhà này có lẽ cũng khá lâu rồi. Nhà đất có cửa được rào bằng lớp tre đan. Rêu phong cũng bám đầy chân tường. Mùi tháng năm đang hằn vệt rõ quanh những nếp nhà nơi đây. Vết tường bong tróc từng mảng, đủ để thấy thời gian tồn tại của nó.
Khám phá ngôi nhà trình tường của người Hà Nhì
|
Lũ trẻ hào hứng dẫn tôi vào bên trong gian nhà chính nhỏ bé nhưng ấm áp
|
Thấy có khách lạ, mấy đứa trẻ con đang chơi ngoài mương lân la chạy vào. Tôi hỏi thăm và chia kẹo cho tụi trẻ. Đứa nào đứa nấy ngửa bàn tay còn lấm lem bùn đất ra nhận kẹo, ánh mắt háo hức và nụ cười hồn nhiên. Theo chân một cậu bé, tôi ghé ngôi nhà bên cạnh, chào và xin phép chủ nhà để vào thăm.
Chủ nhà là một bà cụ đang mải nhóm bếp. Cụ là người Hà Nhì. Tóc quấn thành vòng trên đầu với bộ trang phục màu đen, có vỏn vẹn một khuy cúc trước ngực. Ban đầu tôi khá ngạc nhiên với mái tóc dày của cụ. Nhưng sau đó mới nhận ra đó là cuộn tóc giả, được bện chặt từ những sợi tách ra của vỏ cây rừng. Dường như cụ không hiểu được tiếng Kinh, chỉ cười cười và ra hiệu cho tôi. Đôi lúc khoảng cách ngôn ngữ được thay bằng những nụ cười và ánh mắt mến khách.
Món quà nhỏ khiến tụi trẻ thích thú và thân thiện hơn
|
Phía trong ngôi nhà khá chật và thiếu ánh sáng. Dường như nhà không có cửa sổ và khói bếp thì đang nghi ngút khắp căn. Do điều kiện khí hậu khắc nghiệt, sống trên tầng mây, sống giữa sương giá quanh năm, nên người Hà Nhì ở đây xây những ngôi nhà kín mít với bức tường dày và ít cửa để giữ ấm và tránh gió lùa. Ngoài ra, giống những mái bếp của người xứ núi, căn bếp ở đây cũng có thanh củi dựng ngang nóc bếp đen sì nhuộm khói, treo những dãy ngô thẳng tắp lửng lơ. Dường như ngô cũng được hun khói mà chuyển màu.
Gian bếp ấm cúng
|
Gác bếp ở đây cũng có thanh củi dựng ngang nóc bếp đen sì nhuộm khói, treo những dãy ngô thẳng tắp lửng lơ
|
Sau khi thăm thú ngôi nhà, cùng mấy đứa trẻ ăn kẹo và trò chuyện vài câu tiếng Kinh, tôi dự định đi tiếp cho kịp thời gian. Chào tạm biệt cụ già và mấy đứa trẻ, tôi lại tiếp tục lên đường khám phá những bản làng trong thung lũng sương.
|
(còn tiếp)
Hạnh My - Hachi8
>> Trên nóc nhà Y Tý - Kỳ 3: Đi trên đại dương mây
>> Trên nóc nhà Y Tý - Kỳ 2: Hát quốc ca trong gió đại ngàn
>> Trên nóc nhà Y Tý - Kỳ 1: Lảo Thẩn kỳ ảo
Bình luận (0)