IIHS giải thích lý do không thử nghiệm va chạm ô tô ở tốc độ cao hơn

18/03/2024 10:43 GMT+7

Viện Bảo hiểm An toàn Đường cao tốc (IIHS) vừa đưa ra một số lý do giải thích về việc không tăng tốc độ thử nghiệm va chạm ô tô lên trên mức 40 dặm/giờ (khoảng 64,3 km/giờ) như đang áp dụng hiện tại để đánh giá an toàn.

Thử nghiệm va chạm là một trong những cách thức để đánh giá mức độ an toàn của một chiếc xe qua đó giúp nhà sản xuất có thể đưa ra những điều chỉnh, sửa đổi để đảm bảo an toàn cho người dùng. Theo Carscoop, các chương trình thử nghiệm va chạm ô tô đã góp phần rất lớn vào việc cải thiện độ an toàn của phương tiện. Tuy nhiên, tốc độ di chuyển của xe trước khi xảy ra va chạm được áp dụng trong các cuộc thử nghiệm an toàn đang tạo ra khá nhiều tranh cãi.

IIHS giải thích lý do không thử nghiệm va chạm ô tô ở tốc độ cao hơn- Ảnh 1.

Tốc độ của xe trước khi xảy ra va chạm được áp dụng trong các cuộc thử nghiệm an toàn đang tạo ra khá nhiều tranh cãi.

IIHS

Hiện tại, chương trình thử nghiệm xe mới của Viện Bảo hiểm An toàn Đường cao tốc Mỹ (IIHS) đang áp dụng tốc độ thử nghiệm va chạm tối đa chỉ 40 dặm/giờ (khoảng 64,3 km/giờ). Do đó, nhiều ý kiến cho rằng tại sao không tăng tốc độ di chuyển của xe trong các cuộc thử nghiệm để có những đánh giá rõ hơn. Bên cạnh đó, một số người dùng ô tô cũng thắc mắc tại sao tốc độ tối đa cho phép tại Mỹ lên tới 85 dặm/giờ (khoảng 136,7 km/giờ) nhưng tốc độ thử nghiệm va chạm ô tô được một số tổ chức đánh giá xe mới như IIHS lại thấp hơn nhiều?

Liên quan đến vấn đề này, mới đây IIHS đã đưa ra một số lý do giải thích về việc không tăng tốc độ thử nghiệm va chạm ô tô. Đầu tiên, IIHS có vẻ như không quan tâm đến tốc độ. Bởi với mức 40 dặm/giờ đang áp dụng, các thử nghiệm va chạm của IIHS đã nhanh hơn mức 35 dặm/giờ đang được Cơ quan An toàn Giao thông Cao tốc Quốc gia Mỹ (NHTSA) áp dụng.

Thực tế, các vụ tai nạn giao thông xảy ra cho thấy, tốc độ tác động đáng kể đến mức độ nghiêm trọng của sự cố nhưng trong bối cảnh thử nghiệm, tốc độ cao không phải lúc nào cũng tốt hơn.

Ông Raul Arbelaez - Phó chủ tịch Trung tâm nghiên cứu xe của IIHS cho biết, các hãng xe không chỉ cố gắng làm cho các phương tiện an toàn trong những vụ va chạm tồi tệ nhất mà còn cố gắng làm cho chúng an toàn hơn trong những vụ tai nạn thông thường.

"Tốc độ thử nghiệm va chạm ô tô chúng tôi đang áp dụng được nắm bắt từ các vụ va chạm trong thế giới thực, nơi chúng tôi biết có những thương tích nghiêm trọng. Chúng tôi biết rằng có những vụ va chạm nghiêm trọng hơn xảy ra khi tốc độ lớn hơn, nhưng chúng tôi đang nắm bắt được mức tốc độ phổ biến nhất trong tổng số vụ va chạm", ông Raul Arbelaez chia sẻ.

IIHS giải thích lý do không thử nghiệm va chạm ô tô ở tốc độ cao hơn- Ảnh 2.

Để đánh giá mức độ an toàn của một chiếc xe qua các vụ va chạm, việc chọn tốc độ thử nghiệm va chạm phù hợp rất quan trọng

IIHS

Để đánh giá mức độ an toàn của một chiếc xe qua các vụ va chạm, việc chọn tốc độ thử nghiệm va chạm phù hợp rất quan trọng vì thậm chí điều này có thể tác động đáng kể đến cả việc thiết kế phương tiện. Ngược lại, việc thử nghiệm các phương tiện ở tốc độ 85 dặm/giờ có thể có tác động tiêu cực đến sự an toàn xe.

Arbalaez giải thích thêm: "Có một số hậu quả không lường trước được đi kèm với điều đó, bao gồm cả tình trạng an toàn bị suy giảm trong các vụ va chạm có mức độ nghiêm trọng thấp hơn. Bên cạnh đó, chiếc xe thử nghiệm cần cứng hơn để hoạt động tốt trong vụ va chạm có mức độ nghiêm trọng cao hơn".

Ngay cả việc tăng tốc độ thử nghiệm va chạm thêm 10 dặm/giờ (khoảng 16 km/giờ) cũng có thể tác động đáng kể đến thiết kế phương tiện. Dù tốc độ 50 dặm/giờ (80,4 km/giờ) chỉ nhanh hơn 25% so với mức 40 dặm/giờ đang áp dụng hiện nay nhưng lực va chạm thực sự tăng tới 56% ở tốc độ đó. Vì vậy, theo Arbalaez việc thiết kế các phương tiện phù hợp với sự gia tăng tương đối nhỏ về tốc độ thử nghiệm va chạm để đánh giá an toàn sẽ làm thay đổi đáng kể thiết kế ô tô.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.