ILO: Bóc lột tình dục làm tăng mạnh lợi nhuận từ lao động cưỡng bức

19/03/2024 21:27 GMT+7

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết nạn lao động cưỡng bức trên thế giới thu lợi nhuận ngày càng nhiều, với 27 triệu người trên toàn cầu rơi vào bẫy nô lệ hiện đại.

ILO: Bóc lột tình dục làm tăng mạnh lợi nhuận từ lao động cưỡng bức- Ảnh 1.

Cơ quan chức năng Malaysia kiểm tra giấy tờ của các lao động nhập cư trong đợt triệt phá nạn cưỡng bức lao động và buôn người

REUTERS

Tờ The Guardian ngày 19.3 dẫn một báo cáo mới công bố của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ước tính rằng bọn buôn người trong lĩnh vực tình dục kiếm trung bình 26.670 USD (660 triệu đồng) từ mỗi nạn nhân, trong bối cảnh nạn lao động bị cưỡng bức gia tăng trên thế giới.

Theo đó, lợi nhuận toàn cầu hằng năm từ lĩnh vực lao động cưỡng bức tăng lên 236 tỉ USD, với số lượng kỷ lục những người bị buộc làm nô lệ thời hiện đại.

Bóc lột tình dục cho đến nay là hình thức lao động cưỡng bức sinh lợi nhiều nhất. ILO cho biết trong khi chỉ có 27% số người bị cưỡng bức lao động bị bóc lột tình dục, lợi nhuận thu được từ hoạt động phạm tội này chiếm tới 73% tổng lợi nhuận bất hợp pháp từ mọi hình thức lao động cưỡng bức.

Các ước tính mới về lao động cưỡng bức cho thấy mức tăng 37% so với bộ số liệu gần nhất trước đó được công bố vào năm 2014.

"Những khoản lợi nhuận bất hợp pháp này là tiền lương đáng lẽ thuộc về túi của người lao động nhưng thay vào đó lại nằm trong tay những kẻ bóc lột họ do các hành vi cưỡng bức của họ", theo ILO.

Sự gia tăng này được thúc đẩy bởi sự gia tăng số lượng người bị lao động cưỡng bức và do lợi nhuận cao hơn thu được từ việc bóc lột nạn nhân. Hiện có hơn 27 triệu người trên khắp thế giới là nạn nhân của các hình thức nô lệ hiện đại.

Theo báo cáo, những kẻ buôn người, tội phạm và những người chủ vô đạo đức kiếm được trung bình gần 10.000 USD từ mỗi nạn nhân. Về mặt địa lý, lợi nhuận cao nhất từ lao động cưỡng bức là ở châu Âu và Trung Á, tiếp theo lần lượt là châu Á - Thái Bình Dương và châu Mỹ.

"Cộng đồng quốc tế phải khẩn trương cùng nhau hành động để chấm dứt sự bất công này, bảo vệ quyền lợi của người lao động và đề cao các nguyên tắc công bằng, bình đẳng cho tất cả mọi người", theo Tổng giám đốc ILO Gilbert Houngbo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.