Nguyên nhân sự cố là gì, bao giờ có kết quả xét nghiệm nước có an toàn hay không? Báo thì đưa ý kiến của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội là “chạy kịch tàu” cũng phải 7 ngày mới có kết quả, báo thì cập nhật mới nhất là “thứ hai”, tức ngày hôm nay.
Trong bối cảnh người dân rất cần câu trả lời, trên Cổng thông tin điện tử của TP.Hà Nội vẫn là “biểu diễn nhạc kèn tại phố đi bộ Hoàn Kiếm”; Sở Xây dựng là “gặp mặt truyền thống nhân dịp kỷ niệm 65 năm thành lập ngành”; Sở Y tế là “tập trung hơn nữa cho công tác y tế cơ sở” và Công ty nước sạch Hà Nội là “tổ chức cuộc thi tiếng hát công nhân viên chức”… Không một cơ quan có trách nhiệm nào có thông báo gì về sự cố nước sạch. Và cũng như thường lệ, rất nhiều vị “cơ quan chức năng” im lặng khi được báo chí hỏi, như thể sự việc không liên quan gì đến mình.
Trong hoàn cảnh đó, người dân đọc được thông tin gì thì đọc, làm gì để tự “cứu” mình thì làm.
Người dân một số khu chung cư phải tự bỏ tiền mua nước xe téc về dùng, một số khu khác đã vét sạch những chai nước cuối cùng của siêu thị, trong khi đợi cho nước hết mùi hơn là đợi chính quyền lên tiếng.
Chỉ trong vòng 2 tháng, sự cố cháy Nhà máy Rạng Đông, rồi đến ô nhiễm không khí, và đến sự cố nước sạch lần này… đã cho thấy năng lực quản trị của chính quyền thủ đô. "Chính quyền không sốt ruột gì à? Ai còn muốn đến TP ô nhiễm nhất thế giới? Mở hội nghị xúc tiến du lịch làm gì cho hoành tráng, mà một chuyện quan trọng thế này lại im lặng?", một người bạn thắc mắc khi thông tin về ô nhiễm không khí lên đến đỉnh điểm.
"Chính quyền không sợ mất uy tín à? Những việc tối thiểu như nước có sạch không, không khí có an toàn không, mà họ không có câu trả lời, liệu có ai tin rằng họ sẽ dẫn dắt thành phố này hóa rồng, hóa hổ?", người bạn lại hỏi đầy bức xúc khi mua hụt chai nước sạch cuối cùng ở cửa hàng tiện ích. Đây cũng là điều tôi tự hỏi. Không chủ động cung cấp thông tin đã đành, ngay cả khi dư luận hoang mang, thậm chí giận dữ, chính quyền cũng không có phản ứng nào đáng kể. Khác hẳn lúc cấp trên yêu cầu báo cáo, giải trình.
Có phải chăng, chính quyền vẫn tiếp tục cho phép mình có quán tính ứng xử đó, vì họ không phải chịu hậu quả nào đáng kể? Người dân bức xúc rồi cũng thôi. Cuộc sống lại tiếp diễn. Cuối năm bình bầu, báo cáo vẫn cứ là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt đủ các chỉ tiêu nào thu ngân sách, nào xây chung cư, nào thu hút bao nhiêu dự án…
Chỉ có chất lượng cuộc sống của người dân, và cả niềm tin của họ vào chính quyền nữa, thì không có chỉ số nào trong báo cáo nói đến cả.
Phải chăng dân tin hay không cũng không can gì, vì “niềm tin” thì quá trừu tượng, mà hiện không ít quan chức “mũ ni che tai” lại thường an toàn, thậm chí leo cao?
Bình luận (0)