Indy - người anh hùng vĩ đại nhất nhì màn ảnh rộng
Năm 1981, nhà sản xuất George Lucas (cha đẻ loạt phim Star Wars) cùng đạo diễn tài ba Steven Spielberg đã cho khai sinh một bộ phim được thành hình từ niềm đam mê phiêu lưu và ký ức tuổi thơ của hai người - Indiana Jones: Raiders of the lost ark. Nhân vật "linh hồn" của tác phẩm là một giáo sư ngành khảo cổ học mang tên Henry Walton "Indiana" Jones, người ta vẫn hay gọi ông với cái tên thân mật "Indy". Thủ vai bởi tài tử Harrison Ford, Indiana Jones in sâu vào ký ức nhiều thế hệ với hình tượng người đàn ông phong trần, dũng cảm với chiếc mũ fedora và roi da.
Suốt 42 năm qua, và trải qua 4 phần phim, Indy là người hùng điện ảnh của nhiều khán giả trên thế giới, nhất là khán giả thuộc thế hệ 7X và millenials (chỉ những người được sinh ra trong khoảng từ năm 1981-1996). Viện Hàn lâm điện ảnh Mỹ bầu chọn Indiana Jones là anh hùng điện ảnh vĩ đại thứ hai trong lịch sử chỉ sau Atticus Finch của Kill the mocking bird. Mỗi một phần phim là một cuộc phiêu lưu vĩ đại của vị tiến sĩ họ Jones trên con đường truy tìm tung tích của một món cổ vật quý báu nào đó. Với "động cơ" là những món cổ vật, Indy chu du qua nhiều miền đất lạ, tiếp xúc với nhiều nền văn minh khác nhau và đối đầu với những thế lực xấu xa.
Khán giả say mê Indy và những cuộc phiêu lưu của ông bởi nó đại diện cho khát vọng khám phá nằm sâu trong căn tính con người. Indiana Jones không hề sở hữu sức mạnh siêu việt, ông chỉ là một giáo sư với tính cách ngang tàng mà quả cảm. Xuyên suốt hành trình của mình, vị tiến sĩ này không ít lần rơi vào thất bại, thậm chí suýt mất mạng. Tuy nhiên, cái căn tính rất "người" đó khiến cho Indiana Jones gần gũi với khán giả hơn bao giờ hết.
Như Harrison Ford đã từng lý giải vì sao ông yêu nhân vật này: "Anh ta rất thật, suy nghĩ và hành động giống như chúng ta thôi, cũng mắc nhiều sai lầm, đôi khi cũng ngốc nghếch. Nhân vật này trở nên rất thân thuộc với cuộc sống và không hề giống một siêu anh hùng chút nào". Với những yếu tố đó, Indiana Jones không hề "thần thánh" như các siêu anh hùng đương thời, với khả năng điều khiển vật chất, bay lượn, chế tạo vũ khí hạng nặng, bắn laser… nhưng vẫn giữ một vị trí quan trọng trong lòng khán giả.
Tài tử Harrison Ford đã gắn bó với vai diễn này trong suốt hơn 4 thập niên. Ở phần phim đầu tiên, ông đang ở độ 30 và cho đến hiện tại, khi phần phim thứ 5 chuẩn bị ra mắt, Harrison Ford đã 80 tuổi. Harrison Ford và Indiana Jones đã trưởng thành và già đi cùng nhau. Indiana Jones 5: The dial of destiny sẽ là phần phim cuối cùng mà người hâm mộ còn được thấy Harrison Ford hóa thân thành Indy. Trong nhiều năm qua, đã có rất nhiều đồn đoán, dự tính về nhân tố có thể tiếp nối vị "lão tướng" trở thành người anh hùng của Indiana Jones. Nhưng thật khó để tưởng tượng Indy là một ai khác, ngoài Harrison Ford.
'Indiana Jones' ảnh hưởng đến văn hóa đại chúng ra sao?
Indiana Jones: Raiders of the lost ark đã thu về 389,9 triệu USD trên toàn thế giới, trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất năm 1981 và vẫn là một trong những bộ phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại. Phim còn gặt hái được tám đề cử tại giải Oscar năm 1982 được Viện lưu trữ phim quốc gia lưu giữ trong Thư viện Quốc hội, và được xem là "có ý nghĩa về mặt văn hóa, lịch sử và thẩm mỹ". Xuyên suốt hơn 4 thập niên chinh phục màn ảnh rộng, bốn tập phim về Indiana Jones đem về doanh thu gần 2 tỉ USD trên toàn cầu, tạo ra tầm ảnh hưởng mạnh mẽ đến văn hóa đại chúng của nhiều thế hệ.
Với Indiana Jones, nhà sản xuất George Lucas và Steven Spielberg đã thiết lập những tiêu chuẩn mới cho dòng phim phiêu lưu - hành động Mỹ và tái tạo thị hiếu của khán giả với dòng phim thị trường. Những cổ vật bí ẩn, cuộc phiêu lưu, những vùng đất mới cùng một vị anh hùng không thần thánh nhưng đủ "ngầu" làm thỏa mãn "đứa trẻ bên trong" mỗi khán giả. Bằng tài năng dàn cảnh thông minh và kỹ năng quay phim thượng thặng của mình, Steven Spielberg đã kiến tạo nên những trường đoạn hành động "mộc" không cần súng ống, khói lửa rầm rộ mà vẫn cuốn hút đến kỳ lạ.
Không những mang tính cách mạng ở tư duy làm phim thị trường chất lượng, kỹ thuật dàn cảnh, quay dựng mà Indiana Jones còn đưa đến những sự kiện cột mốc cho ngành công nghiệp điện ảnh Mỹ. Bởi phần Indiana Jones and the Temple of Doom (Indiana Jones và Ngôi đền tàn khốc) là bộ phim đầu tiên được xếp hạng PG-13. Tổ chức MPAA đã cho ra đời xếp hạng này bởi bộ phim quá trưởng thành với trẻ nhỏ, nhưng lại chưa đủ "lớn" với lũ trẻ tuổi teen.
Loạt Indiana Jones cũng có sự tác động đáng kể đến niềm ham thích, sự quan tâm của công chúng dành cho ngành khảo cổ học. Gần đây, khi tạp chí National Geographic thực hiện một bài viết về "hiệu ứng Indiana Jones", các phóng viên cho biết hầu hết các nhà khảo cổ học họ tiếp xúc đều nhắc đến bộ phim với một giọng điệu trìu mến và thích thú.
Dù cách khắc họa về nghề nghiệp này trong phim có phần bóng bẩy hơn nhiều so với thực tế nhưng không thể phủ nhận nó đã thắp lên sự tò mò về chuyên ngành này cho rất nhiều người. Năm 2008, Harrison Ford thậm chí còn được vinh danh bởi Viện Khảo cổ Mỹ với Giải thưởng Bandelier, ca ngợi vai trò quan trọng của Ford trong việc kích thích sự quan tâm của công chúng đối với việc khám phá cổ vật.
Sau 15 năm kể từ phần phim gần đây nhất - Indiana Jones and the Kingdom of the Crystal Skull (Indiana Jones và Vương quốc sọ người), huyền thoại Indiana Jones chuẩn bị trở lại màn ảnh rộng vào ngày 29.6 tới đây. Ở phần phim thứ 5 này, Steven Spielberg cũng lui về vị trí nhà sản xuất để nhường ghế đạo diễn cho James Mangold. Hành trình của nhà khảo cổ lẫy lừng Indy có thể sẽ khép lại vĩnh viễn sau đó. Nhưng những gì mà Indiana Jones để lại vẫn là xứng tầm di sản, một tượng đài điện ảnh trong lòng công chúng.
Bình luận (0)