Indonesia đối mặt khủng hoảng hiến pháp

06/02/2017 08:20 GMT+7

Nhiều người Indonesia hiện mất niềm tin vào Tòa án Hiến pháp sau khi có thêm một thẩm phán của tòa này bị bắt vì nhận hối lộ.

Cách đây gần 2 tuần, Ủy ban Chống tham nhũng (KPK) của Indonesia bắt giữ thẩm phán Tòa án Hiến pháp Patrialis Akbar cùng 3 nghi phạm trong một vụ án hối lộ. Tờ The Jakarta Post dẫn lời Phó chủ nhiệm KPK Basaria Panjaitan cho hay ông Akbar bị tình nghi nhận hối lộ 20.000 -200.000 USD từ một công ty nhập khẩu thịt bò. “Công ty này hy vọng ông Akbar có thể tác động tới việc xem xét một luật về nông nghiệp mà tòa án đang tiến hành theo hướng có lợi cho công ty”, bà Panjaitan khẳng định.
Thảm họa cho dân chúng
Theo tờ South China Morning Post (SCMP), thẩm phán Akbar bị cáo buộc nhận hối lộ liên quan đến một quy định cho phép nhập khẩu gia súc từ những khu vực được xác định là an toàn tại các nước bị ảnh hưởng bởi dịch lở mồm, long móng. Sau khi ông Akbar bị bắt, tuần báo Tempo lập tức đăng bài với dòng tít Vụ tham nhũng Patrialis Akbar mang lại thảm họa cho dân chúng. Trong bài viết, chuyên gia Hifdzil Alim tại Trung tâm nghiên cứu chống tham nhũng thuộc Đại học Gadjah Mada (Indonesia) nhận định: “Vụ này liên quan đến những nhu cầu cơ bản của người dân, cho thấy tham nhũng không chỉ làm tổn hại ngành tài chính của đất nước mà còn gây ra thảm họa đối với người dân”.
Ông Akbar được Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono bổ nhiệm vào Tòa án Hiến pháp hồi năm 2013, bất chấp phản đối của những nhà cải cách luật pháp, theo tờ SCMP. Họ chỉ trích quá trình bổ nhiệm thiếu minh bạch và nghi ngờ về năng lực của ông Akbar. Trước đó, khi giữ chức bộ trưởng tư pháp và nhân quyền trong giai đoạn 2009 - 2011, ông Akbar đã bị chỉ trích vì giảm nhẹ hình phạt đối với nhiều đối tượng tham nhũng, trong đó có cựu Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Indonesia Aulia Pohan, vốn là sui gia của ông Yudhoyono. Ông Pohan chỉ ở tù 15 tháng thay vì 4 năm rưỡi sau bản án về vụ “chi tiền trái phép” cho một số nhà lập pháp.

tin liên quan

Cựu quan chức Indonesia bị bắt vì muốn gia nhập IS
Cựu quan chức Bộ Tài chính Indonesia và gia đình đã bị trục xuất khỏi Thổ Nhĩ Kỳ về nước sau khi dính cáo buộc tìm cách lẻn vào Syria để tham gia tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Quá nhiều bê bối
Giới chuyên gia cho rằng vụ bắt giữ ông Akbar đã làm sụt giảm nghiêm trọng niềm tin của dân chúng vào Tòa án Hiến pháp, từng được xem là biểu tượng cho câu chuyện cải cách thành công của Indonesia, theo SCMP. Được thành lập vào năm 2003, Tòa án Hiến pháp nhận sự tán dương từ dư luận trong những năm đầu dưới thời chánh án Jimly Asshidiqqie. Tuy nhiên, danh tiếng của tòa bắt đầu đi xuống dưới thời chánh án thứ hai Mohammad Mahfud, khi một thẩm phán bị mất chức hồi năm 2008 vì đã nhận hối lộ và có nhiều vi phạm.
Theo nhà nghiên cứu Alim, vụ bê bối mới nhất là “một cái tát vào mặt Tòa án Hiến pháp” vì tòa này “từng hứa làm trong sạch nội bộ theo sau vụ Akil Mochtar”. Ông Mochtar bị giới chức chống tham nhũng bắt giam với cáo buộc nhận hối lộ 60 tỉ rupiah (gần 4,5 triệu USD) hồi tháng 11.2013, chỉ hơn 7 tháng sau khi trở thành chánh án thứ 3 của Tòa án Hiến pháp, theo SCMP. Ông này đã bị tuyên xử tù chung thân vào tháng 6.2014.
Các vụ phạm pháp của giới thẩm phán Tòa án Hiến pháp cùng hàng loạt vụ quan tham khác đã khiến người dân Indonesia nghĩ rằng họ đang chứng kiến thất bại của sự thượng tôn pháp luật và sự sụp đổ có hệ thống trong đạo đức xã hội. Tờ Tempo gọi vụ bê bối của hai ông Akbar và Mochtar là “cuộc khủng hoảng hiến pháp thật sự”. “Tòa án Hiến pháp vừa mất đi tất cả vẻ vang. Không có ai trong phong trào chống tham nhũng ngạc nhiên về tình trạng này”, SCMP dẫn lời trưởng chi nhánh của Tổ chức Minh bạch quốc tế ở Indonesia Natalia Soebagjo nhận định.
Trước tình trạng như trên, Tempo kêu gọi chính phủ Indonesia thắt chặt tiêu chuẩn bổ nhiệm của tòa án, đặt nặng tính chính trực ngang hàng với kiến thức luật của các ứng viên. Giới chuyên gia luật cũng kêu gọi đưa ra quy định mới hạn chế quyền lực của Tòa án Hiến pháp trong việc xem xét các vụ việc có liên quan đến bản thân tòa này. Theo SCMP, sau vụ bắt giữ ông Mochtar, chính phủ Indonesia từng đưa ra quy định siết chặt tiêu chuẩn chọn lựa thẩm phán của Tòa án Hiến pháp, bao gồm điều kiện những người được đề cử không phải là thành viên của một đảng chính trị trong ít nhất 7 năm. Tuy nhiên, quy định mới này sau đó đã bị chính Tòa án Hiến pháp hủy bỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.