Indonesia hoang mang sau khủng bố

16/01/2016 09:23 GMT+7

Dư chấn của trận tấn công gây rúng động ngày 14.1 tại thủ đô Jakarta của Indonesia đang khiến tình hình an ninh nước này vô cùng căng thẳng.

Dư chấn của trận tấn công gây rúng động ngày 14.1 tại thủ đô Jakarta của Indonesia đang khiến tình hình an ninh nước này vô cùng căng thẳng.

Lực lượng an ninh Indonesia canh gác tại hiện trường vụ tấn công - Ảnh: Nguyễn TậpLực lượng an ninh Indonesia canh gác tại hiện trường vụ tấn công - Ảnh: Nguyễn Tập
Hơn một ngày trôi qua từ sau vụ nổ bom và xả súng làm 7 người chết, bao gồm cả các thủ phạm và 20 người bị thương tại thủ đô Jakarta của Indonesia, khu vực giao lộ Mh Thamrin nơi xảy ra “chiến sự” đã thông xe trở lại, không còn phong tỏa. Tuy vậy, dư luận Indonesia vẫn chưa hết bàng hoàng.
Siết chặt an ninh
Chuyến bay cuối ngày của Hãng Air Asia từ Bangkok đến Jakarta tối 14.1 vắng đến không ngờ. Hầu như mỗi khách đều có thể nằm dài trên 3 chiếc ghế.
Anh tiếp viên giải thích ngắn gọn: “Khá nhiều khách bỏ vé. Có lẽ họ sợ khủng bố”. Ban Quản lý sân bay quốc gia Indonesia tuyên bố tăng cường an ninh tại 13 sân bay. Riêng phi trường Soekarno-Hatta hiện đang được theo dõi bằng 1.500 máy quay an ninh chĩa đến mọi ngóc ngách, xe ra vào sân bay đều bị dừng lại kiểm tra ngẫu nhiên.
Vào trung tâm Jakarta đã gần 1 giờ sáng, nhưng thỉnh thoảng lại gặp chốt kiểm tra cùng các binh sĩ trang bị súng ống kỹ càng. Rào an ninh được dựng ở một số nơi trong thành phố.
Đến sáng 15.1, điểm kiểm soát giao thông của cảnh sát nơi xảy ra vụ việc đã trở thành một khu tưởng niệm nạn nhân với vòng hoa xếp kín một góc đường.
Quán cà phê Starbucks nơi góc đường Wahd Hasym dù đã được dọn dẹp kỹ càng và bị quây kín bằng hàng rào tôn nhưng vẫn còn có thể thấy kính vỡ vương vãi khắp nơi, cửa, trần sập ngã xiêu vẹo... Hiện tại các quán cà phê Starbucks tại Jakarta đã đồng loạt đóng cửa cùng với thông điệp: “Cầu nguyện cho Jakarta và đất nước Indonesia”. Cô Andriani, nhân viên quán cà phê Rotio đối diện quán Starbucks bị đánh bom, than: “Từ lúc nổ bom đến giờ, quán chúng tôi vắng hẳn. Bây giờ chỉ có khách là phóng viên báo đài tụi anh thôi”.
Hoang mang vì tin đồn
Ngay sau khi bom nổ, tin đồn được lan nhanh như chớp rằng hầu như khắp mọi nơi ở Jakarta đều có bom: Palmerah, Slipi, Cikini, Kuningan, Mall Pondok Indah, Đại sứ quán Pháp, các trung tâm mua sắm... “Tôi còn nhận được thông tin rằng những kẻ khủng bố ngồi trên xe gắn máy và xả súng điên cuồng vào bất cứ ai trên đường phố khiến cho nhiều người hoảng loạn lập tức chui vào đâu đó ẩn nấp.
Chưa kể còn có tin đồn Ngân hàng Bangkok (Thái Lan) và Maybank (Malaysia) cũng bị cướp”, Marthina, một người dân kể với Thanh Niên. Tin đồn không chỉ gây hoang mang cho người dân mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế với những hậu quả tức thời: thị trường chứng khoán rớt điểm, giá đồng rupiah giảm.
Hậu quả của việc cuốn theo cơn lốc thông tin không kiểm chứng là 3 đài truyền hình TVOne, Indosiar và iNews cùng Đài phát thanh thời sự Elshinta lập tức bị phạt vì đưa thông tin vi phạm luật truyền thông và các quy tắc ứng xử cho các chương trình phát sóng sự kiện như đưa tin sai sự thật hoặc phát sóng hình ảnh chi tiết thi thể chưa qua kiểm duyệt.
Khủng bố để “lấy số” ?
Theo phát biểu của Cảnh sát trưởng Jakarta, ông Tito Karnavian tại hiện trường sáng 15.1, Indonesia là một trong những nước có đông tín đồ Hồi giáo nhất thế giới, chưa kể hàng ngàn người đã gia nhập lực lượng Nhà nước Hồi giáo và trở lại Indonesia “nằm vùng” nên cũng dễ hiểu khi đây là điểm nóng của khủng bố. Tuy nhiên, từ đợt đánh bom tại Bali năm 2002 làm 200 người chết và hàng trăm người bị thương, lực lượng chống khủng bố Indonesia đã mạnh hơn rất nhiều và điều đó thể hiện qua con số thương vong lần này (2 người chết, 20 người bị thương, 5 kẻ tấn công bị tiêu diệt).
“Chúng tôi quyết truy lùng bằng được thủ phạm. Đây chỉ là một mắt xích trong mạng lưới, nhưng nếu chúng ta xử lý triệt để nó sẽ đánh động, làm các mắt xích khác phải e dè hơn”, ông nói.
Cùng ngày, giới an ninh Indonesia thông báo đã bắn hạ 1 tay súng và bắt giữ 2 người khác trong cuộc truy quét các nghi can IS trên toàn quốc.
Trả lời phỏng vấn của Thanh Niên về mục đích vụ tấn công lần này, ông Arisman, Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á tại Jakarta nói qua diễn biến và kết quả, có thể nhận thấy thủ phạm là những “tay mơ” muốn “lấy số” trong bối cảnh IS vẫn chưa thực sự có thể vươn vòi đến Đông Nam Á. “Chúng đặt bom để gây sự chú ý của giới truyền thông, phá vỡ sự ổn định kinh tế và chính trị, tạo ra sự sợ hãi trong xã hội”, ông nói.
Trong khi đó, ông Achmad Ubaedillah, trợ lý giáo sư Khoa Khoa học xã hội và chính trị, Đại học State Islamic, lại nói với Thanh Niên: “Indonesia có quan hệ rất tốt với Mỹ. Vụ nổ bom và xả súng lại nhằm vào Starbucks, được xem là một trong những “biểu tượng” của Mỹ. Vì vậy, theo tôi, lần tấn công này là để “cảnh cáo” những nước mà bọn khủng bố coi là thân Mỹ”.
Điểm mặt chủ mưu
Lực lượng an ninh Indonesia đã nhanh chóng “khoanh vùng” nghi can chủ mưu đứng sau vụ tấn công gây rúng động dư luận. Đó là Bahrun Naim (ảnh, Reuters), xuất thân là chủ một quán cà phê internet tại TP.Surakarta trên đảo Java khoảng 7 năm về trước. Reuters dẫn lời giới an ninh cho biết Naim có thể đang ở Raqqa, “thủ phủ” của IS tại Syria và đã chỉ đạo vụ tấn công hôm 14.1.
Điểm mặt chủ mưu
Kẻ này không xa lạ với giới chức an ninh Indonesia. Ông ta từng bị bắt vào năm 2011 và lãnh án 2 năm rưỡi tù giam vì sở hữu vũ khí bất hợp pháp. Lúc đó, cảnh sát đã tịch thu hàng trăm viên đạn tại nhà riêng của Naim ở Surakarta, theo tờ The Jakarta Post. Sau khi mãn hạn tù, Naim tiếp tục con đường chống đối chính phủ và trở thành một nhân vật quan trọng trong mạng lưới các tổ chức Hồi giáo cực đoan mọc lên như nấm sau mưa ở khắp tỉnh Trung Java. Cách đây 1 năm, Naim bỏ trốn đến Syria để gia nhập IS. Cảnh sát Indonesia cho hay nhiều nghi phạm khủng bố vừa bị bắt giữ trong cuộc bố ráp của lực lượng an ninh nước này hồi đầu năm đã được Naim hậu thuẫn tiền bạc.
Cảnh sát trưởng Jakarta hôm qua 15.1 khẳng định Naim đã lên kế hoạch tấn công tại Jakarta từ lâu và có tham vọng trở thành thủ lĩnh của IS tại Đông Nam Á. Trước đó, theo Reuters, người này từng lên mạng hối thúc lực lượng cực đoan ở Indonesia học cách lập kế hoạch, mục tiêu, thời gian, phối hợp, an ninh và “lòng can đảm” của những kẻ thực hiện vụ tấn công đẫm máu ở Paris, Pháp hồi tháng 11.2015.
Ngoài ra, Reuters cho biết cuối năm ngoái, hãng đã thông qua nguồn tin riêng để liên lạc với Naim và hắn tuyên bố số công dân Indonesia theo IS đủ để “mở chiến dịch” tại nước này, nhưng “đang đợi thời cơ chín muồi”. Theo ước tính của giới chức chống khủng bố, có ít nhất 1.000 người ủng hộ IS tại Indonesia.
Danh Toại
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.