Indonesia 'không đàm phán chủ quyền', huy động ngư dân cùng tàu hải quân đối phó tàu Trung Quốc

07/01/2020 11:46 GMT+7

Chính phủ Indonesia mới đây tuyên bố sẽ huy động ngư dân cùng tham gia với các tàu chiến để hỗ trợ đối phó tàu Trung Quốc sau khi Jakarta phản đối tàu cá và tàu hải cảnh Trung Quốc hiện diện quanh quần đảo Natuna.

Hôm 6.1, Tổng thống Indonesia Joko Widodo tuyên bố sẽ “không có đàm phán khi nói tới chủ quyền của chúng ta”. Cùng ngày, Bộ trưởng an ninh Indonesia Mahfud MD tiết lộ với giới phóng viên rằng 120 ngư dân từ đảo Java sẽ được đưa đến quần đảo Natuna, nằm phía nam Biển Đông. “Chúng tôi muốn huy động các ngư dân từ bờ biển phía bắc và có thể từ những khu vực khác đến đó đánh bắt và làm những việc khác”, ông Mahfud cho hay.
Trước đó, ông Imam Hidayat, người phụ trách các hoạt động trên biển thuộc Cơ quan An ninh hàng hải Indonesia, cho Reuters hay hiện có 6 tàu chiến nước này đang hiện diện ở quần đảo Natuna và thêm 4 chiếc đang trên đường đến. Trong khi đó, sĩ quan Tri Rohadi thuộc hải quân Indonesia hôm 6.1 cho CNA hay lực lượng này sẽ điều thêm 4 tàu chiến, nâng tổng số chiến hạm ở khu vực lên 8 chiếc.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo trong một cuộc tập trận trên quần đảo Natuna hồi năm 2016

Reuters

Indonesia điều thêm tàu chiến và huy động ngư dân đến quần đảo Natuna sau khi hàng chục tàu cá Trung Quốc hồi tháng trước vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) xung quanh quần đảo này và được tàu hải cảnh Trung Quốc hộ tống, theo Reuters.
Hôm 30.12.2019, Bộ Ngoại giao Indonesia ra thông báo tố cáo tàu hải cảnh Trung Quốc vào EEZ của nước này quanh quần đảo Natuna, gọi đó là “sự vi phạm chủ quyền” và đã triệu tập đại sứ Trung Quốc để phản đối. Trong khi đó, Bắc Kinh khẳng định vùng biển xung quanh Natuna là ngư trường truyền thống đối với ngư dân Trung Quốc. 
Hai ngày sau, Bộ Ngoại giao Indonesia tiếp tục ra thông cáo yêu cầu Trung Quốc giải thích “cơ sở pháp lý và ranh giới rõ ràng” liên quan đến yêu sách của nước này về EEZ dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển 1982 (UNCLOS).
“Yêu sách của Trung Quốc về vùng đặc quyền kinh tế dựa trên lý lẽ các ngư dân của họ từng hoạt động từ lâu ở đó là không có cơ sở pháp lý và chưa bao giờ được UNCLOS công nhận”, Bộ Ngoại giao Indonesia khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.