Tổng thống Joko Widodo hồi tháng 6.2016 phát động một chiến dịch chưa từng có để củng cố và bảo vệ các cơ sở khai thác, thăm dò dầu khí xung quanh quần đảo Natuna của nước này sau một số cuộc đụng độ giữa hải quân Indonesia và tàu cá Trung Quốc.
Trung Quốc không có tranh chấp với Indonesia về chủ quyền quần đảo Natuna nhưng có yêu sách đối với vùng biển Natuna mà Bắc Kinh gọi đó là “vùng biển chồng lấn”. Điều này làm Jakarta tức giận vì cho rằng Bắc Kinh muốn tranh giành biển của Indonesia.
"Chúng tôi muốn thể hiện sự tồn tại của mình trong khu vực và đang sở hữu một lực lượng không quân đủ mạnh để đối phó (với Trung Quốc)”, Jemi Trisonjaya, phát ngôn viên Không quân Indonesia cho biết khi đề cập đến cuộc tập trận sắp tới.
Tổng thống Widodo dự kiến sẽ thăm đảo Natuna vào ngày 6.10 và chứng kiến cuộc tập trận, theo Jakarta Post. Cuộc tập trận không quân “Angkasa Yudha “ này bắt đầu từ ngày 6.10 và kéo dài 2 tuần, huy động các loại chiến đấu cơ gồm F-16, Su-30MK2, máy bay vận tải, trực thăng và đội đặc nhiệm trên bộ, cùng hơn 2.000 lính không quân.
Cuộc tập trận không quân này sẽ mô phỏng cuộc không kích và chiếm đường băng trên đảo Pulau Natuna Besar gần với đường “lưỡi bò" phi pháp mà Bắc Kinh tự vẽ ra trên Biển Đông, theo trang tin IHS Jane's.
Cuộc tập trận “Angkasa Yudha” ban đầu dự tính diễn ra trên đảo Belitung, đông Sumatra; nhưng sau đó chuyển sang quần đảo Natuna với lý do gì thì Jakarta không giải thích.
|
Ngoài ra, theo IHS Jane's, Tổng tư lệnh Quân đội Indonesia là tướng Gatot Nurmantyo chỉ đạo tổ chức lại cuộc tập trận Armada Jaya vốn đã diễn ra hồi đầu tháng 9.2016. Trong cuộc tập trận này hải quân Indonesia phóng thử 2 lần tên lửa diệt hạm loại C-705 do Trung Quốc sản xuất nhưng đều không thành công. Trong cuộc tập trận Armada Jaya sắp tới cũng ở khu vực quần đảo Natuna, Jakarta sẽ cho bắn thử tên lửa diệt hạm C-802 (loại lớn hơn, cũng do Trung Quốc sản xuất).
Bình luận (0)