Theo các quan chức hải quan Indonesia, những lô hàng này là phế thải độc hại, được nhập khẩu bất hợp pháp và cần thiết phải trả về nơi nó ra đi. Hải quan nước này cũng thông tin, 42 container phế thải đang nằm tại cảng của Indonesia cũng đang được chờ để “tống” về Mỹ, Úc và Đức nhằm giải phóng mặt bằng cảng.
Trong khi rác phế liệu đang tìm bến đỗ tại các nước Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Philippines, Việt Nam… sau khi Trung Quốc có lệnh siết phế thải nhập vào nước này từ đầu năm 2018, có thể nói, Indonesia và Philippines là 2 quốc gia có những chính sách, hành động cương quyết, bền bỉ nhất trong nỗ lực ngăn chặn rác phế liệu “nằm” lại trên lãnh thổ của họ. Từ vài container đến hàng chục, hàng trăm container phế liệu vô chủ đã được hai quốc gia này liên tục đàm phán để trả về nơi xuất xứ, một cách kiên quyết và tập trung chủ yếu các quốc gia phát triển châu Âu và Mỹ. Trước năm 2018, phần lớn phế liệu nhựa từ khắp nơi trên thế giới chủ yếu được đổ về Trung Quốc, do quốc gia này có nền công nghiệp hùng hậu chuyên tái chế các loại phế liệu nhựa, sắt… của thế giới.
Việt Nam tồn gần 11.500 container phế liệu
Tại Việt Nam, số liệu cập nhật đến cuối tháng 7, có 11.488 container phế liệu tồn đang được lưu giữ tại các cảng biển (giảm 2.249 container so với tháng 6). Trong đó, có 4.204 container phế liệu tồn dưới 30 ngày, 37 container từ 30 - 90 ngày và số lượng tồn đọng tại cảng trên 90 ngày là 7.247 container. Con số tồn quá 90 ngày theo Tổng cục Hải quan là đã giảm 1.337 container so với tháng 6.
|
Với những con số trên, theo nhận định của cơ quan hải quan, số phế liệu tồn đã giảm rõ rệt. Tại TP.HCM, Cục Hải quan TP.HCM cũng cho biết, lượng phế liệu tồn tại cảng chỉ là “hàng cũ” từ trước, sau khi chính sách siết kiểm soát việc cho dỡ hàng hay không dỡ hàng xuống cảng nếu có bất kỳ nghi ngờ gì từ trên bảng khai e-manifest, lượng phế liệu nhập về không ai nhận, hoặc vi phạm thiếu giấy phép hoàn toàn không xảy ra. Tuy nhiên, lượng phế liệu tồn tại cảng TP.HCM hơn 3.000 container được biết vẫn đang trong vòng “luẩn quẩn” chờ ý kiến chỉ đạo để xử lý. Đặc biệt, hơn 300 container phế liệu tồn đã được mở kiểm kê, phân loại, tuy nhiên, hướng xử lý vẫn cũng đang chờ xin ý kiến chỉ đạo từ các Bộ quản lý chuyên ngành.
"Nếu mở thêm nữa, không đủ kho bãi để chứa. Hơn nữa, nhân sự ngành hải quan để tập trung việc kiểm đếm, mở container phân loại phế liệu không đủ người bởi toàn kiêm nghiệm...", lãnh đạo Cục Hải quan TP.HCM cho biết.
Buộc hãng tàu tái xuất, buộc doanh nghiệp nhập xử lý hoặc cho đấu thầu bán sung ngân sách theo Thông tư 203 của Bộ Tài chính là một số giải pháp được lãnh đạo Cục Hải quan đề xuất. Tuy nhiên, theo lãnh đạo bộ phận xử lý hàng tồn, đó mới chỉ là đề xuất của TP.HCM, việc xử lý phế liệu tồn đọng vẫn còn chậm do chờ ý kiến chỉ đạo từ trên. Trong tháng 7 vừa qua, theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ tại Công văn 3159, Bộ Tài chính phối hợp các Bộ TN-MT, GTVT, Tư pháp và Công an để trình Chính phủ phương án xử lý hàng hóa tồn đọng là phế liệu tại các cảng biển.
|
Ngoài ra, việc xử lý phế liệu phế thải bị chững lại một phần do từ các quy định. Theo quy định tại Điều 44 Nghị định 69/2018 của Chính phủ, việc tiêu hủy các phế liệu, phế phẩm, phế thải (nếu có) chỉ được phép thực hiện sau khi có văn bản cho phép của các sở tài nguyên và môi trường và phải được thực hiện dưới sự giám sát của cơ quan hải quan. Trường hợp không được phép hủy tại Việt Nam sẽ phải tái xuất theo chỉ định của bên đặt gia công. Cơ quan hải quan cho rằng, việc tiêu hủy phế liệu, phế phẩm của các hợp đồng gia công thường của doanh nghiệp cũng gây khó khăn, bởi việc tiêu hủy này phải có cán bộ hải quan giám sát, mà ngành hải quan không đủ lực lượng để giám sát thường xuyên hoạt động tiêu hủy này của doanh nghiệp gia công.
Bình luận (0)