Bất chấp sự can thiệp từ nhiều nước, Indonesia ngày 18.1 đã xử bắn 1 người địa phương và 5 người nước ngoài, trong đó có 1 phụ nữ Việt phạm tội buôn ma túy.
Xe chuyển thi thể của một trong số 6 người bị tử hình hôm 18.1 ra khỏi nơi thi hành án
- Ảnh: Reuters |
Tử tù Trần Thị Bích Hạnh - Ảnh: Solopos
|
Công dân VN tên Trần Thị Bích Hạnh, 37 tuổi, bị tòa án huyện Boyolali, tỉnh Trung Java kết án tử hình ngày 22.11.2011. Bà Hạnh bị bắt với 1,1 kg ma túy đá methamphetamine trị giá khoảng 200.000 USD khi từ Kuala Lumpur (Malaysia) đáp xuống sân bay thành phố Solo của tỉnh này. Theo tờ Jakarta Globe, đó là lần thứ 9 bà Hạnh mang ma túy vào Indonesia, 8 lần trước đều trót lọt.
Bí thư thứ 3 phụ trách bảo hộ công dân của Đại sứ quán VN ở Jakarta Đoàn Văn Nam chiều qua cho Thanh Niên hay rằng bà Hạnh có chồng, con ở Hà Nội. Quyết định thi hành án đối với bà Hạnh cùng một phụ nữ Indonesia và 4 người đàn ông khác từ Brazil, Malawi, Nigeria và Hà Lan được đưa ra sau khi Tổng thống Indonesia Joko Widodo bác đơn xin khoan hồng của họ vào ngày 30.12.2014. “Ngay sau khi nhận được công hàm thông báo từ Bộ Ngoại giao Indonesia, Sứ quán đã cử cán bộ tới nhà tù Semarang, tỉnh Trung Java thăm lãnh sự bà Bích Hạnh, đồng thời làm việc với lãnh đạo trại giam cũng như tòa án địa phương để xin lùi thời gian thi hành án”, ông Nam nói.
Mặt khác, trong các ngày 16, 17.1, Đại sứ Nguyễn Xuân Thủy đã trực tiếp làm việc với các cơ quan trung ương của Indonesia và chuyển thư của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Tổng thống Joko Widodo xin giảm án cho tử tù Bích Hạnh. Đồng thời, Đại sứ Nguyễn Xuân Thủy cùng đại sứ các nước có công dân bị án tử hình đợt này cũng làm việc với Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng liên quan khác đề nghị hoãn thi hành án. “Tuy nhiên, phía Indonesia vẫn quyết thực hiện việc xử tử 6 người này”, ông Nam cho hay. Gia đình tội nhân Hạnh ở Hà Nội đã được sứ quán thông báo về việc hành quyết, “tuy nhiên họ rất nghèo nên không có điều kiện sang Indonesia”, ông nói thêm.
Phát ngôn viên Văn phòng công tố Indonesia Tony Spontana cho biết trước lúc bị hành quyết vào khoảng 3 giờ sáng qua, tội nhân Hạnh yêu cầu được cởi trói khi bị bắn. Theo nguyện vọng cuối cùng của tội nhân Hạnh, thi thể đã được hỏa táng ngay lập tức và được chôn tại nghĩa trang Kedungmundu ở Semarang, theo thông tấn xã Antara.
Sau khi nhậm chức hồi tháng 10.2014, Tổng thống Joko Widodo đã thể hiện lập trường không khoan dung trước tội phạm ma túy. Theo giới chức Indonesia, nước này đã trở thành thị trường tiêu thụ 45% lượng ma túy trong khu vực Đông Nam Á, phần lớn người nghiện là thanh niên. Tuy nhiên, Hà Lan và Brazil đã bày tỏ sự phẫn nộ và tạm rút đại sứ tại Jarkarta về nước sau khi lãnh đạo các nước này đích thân xin ông Joko Widodo khoan hồng với công dân của họ nhưng bị khước từ. Đáp lại, Tổng thống Indonesia khẳng định: “Cuộc chiến chống ma túy không có chỗ cho các biện pháp nửa vời”, còn Tổng chưởng lý nước này, Muhammad Prasetyo nói: “Việc chúng tôi làm chỉ thuần túy là bảo vệ quốc gia khỏi hiểm họa ma túy”.
Chiều 18.1, trả lời câu hỏi của Thanh Niên đề nghị cho biết ý kiến của VN về vụ thi hành án Trần Thị Bích Hạnh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết kể từ khi người này bị bắt tháng 6.2011 đến nay, lãnh đạo cấp cao, các cơ quan chức năng và Đại sứ quán VN tại Indonesia đã nhiều lần trao đổi, làm việc, yêu cầu phía Indonesia bảo đảm quyền lợi chính đáng của công dân VN theo đúng quy định của pháp luật và xem xét giảm án trên tinh thần nhân đạo. Các cơ quan chức năng của VN cũng đã thực hiện các biện pháp bảo hộ cần thiết đối với trường hợp này.
Ông Lê Hải Bình khẳng định VN kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy và cũng là quốc gia luôn tích cực hợp tác với các nước trong việc đấu tranh, phòng chống các loại tội phạm về ma túy. Trường Sơn
|
Những người bị xử bắn hôm 18.1
- Trần Thị Bích Hạnh, 37 tuổi, công dân VN. Thi thể được hỏa táng và chôn tại Indonesia.
- Ang Kiem Soei, 62 tuổi, công dân Hà Lan. Thi thể được hỏa táng và tro cốt được chuyển cho vợ ở Malaysia. - Marco Archer Cardoso Moreira, 53 tuổi, công dân Brazil. Thi thể sẽ được thiêu và đưa tro về nước. - Namaona Denis, 40 tuổi, công dân Malawi. Thi thể được đưa tới Jakarta. - Daniel Enemuo, 38 tuổi, công dân Nigeria. Không rõ được hỏa táng ở đâu. - Rani Andriani, 38 tuổi, công dân Indonesia. Thi thể được đưa về chôn ở huyện Cianjur, tỉnh Tây Java. (Theo Antara) |
Bình luận (0)