Intel cam kết đầu tư 33 tỉ euro vào sản xuất chip ở EU

16/03/2022 19:23 GMT+7

Intel chính thức công bố về kế hoạch đầu tư hơn 33 tỉ euro nhằm thúc đẩy sản xuất chip trên khắp Liên minh châu ÂU (EU), trong bối cảnh khối này đang nỗ lực tự chủ chip bán dẫn.

Intel cho biết họ sẽ xây dựng hai nhà máy mới ở Madgeburg (Đức), sử dụng công nghệ sản xuất chip tiên tiến, hướng đến sản xuất chip có tiến trình từ 2 nm trở xuống.

Hai nhà máy này sẽ được khởi công xây dựng vào nửa đầu năm 2023 và đi vào hoạt động trong năm 2027, với điều kiện không vướng phải vấn đề pháp lý nào.

Intel đầu tư lớn vào EU, tập trung chủ yếu tại Đức

reuters

Lý giải nguyên nhân chọn Đức, Intel cho rằng đây là đất nước lý tưởng để thành lập siêu trang web "SIlicon Junction" mới vì có sẵn nhiều nhân tài và điều kiện tốt về cơ sở vật chất, cũng như hệ sinh thái hiện có của các nhà cung cấp và khách hàng.

Theo kế hoạch của Intel, 17 tỉ euro sẽ được đầu tư vào các cơ sở của Đức, từ đó tạo ra khoảng 7.000 việc làm trong quá trình xây dựng và 3.000 việc làm lâu dài tại Intel.

Đầu tư trải dài khắp EU

Bên cạnh đầu tư lớn vào Đức, khoản đầu tư của Intel còn được trải dài trên khắp khối EU. Cụ thể, kế hoạch của Intel còn cam kết tạo ra một trung tâm thiết kế và R&D (nghiên cứu và phát triển) mới tại Pháp, đồng thời đầu tư vào R&D, sản xuất và dịch vụ đúc ở Ireland, Ý, Ba Lan và Tây Ban Nha.

Ngoài ra, khoảng 12 tỉ euro dự kiến sẽ được đầu tư để tăng gấp đôi không gian sản xuất của một cơ sở ở Leixlip (Ireland), nơi ít sử dụng công nghệ tiên tiến hơn. Intel cho biết họ sẽ tiếp tục chi hơn 30 tỉ euro vào Ireland khi việc mở rộng hoàn tất.

Tại Ý, Intel cho biết họ đang “đàm phán” về một cơ sở sản xuất “back-end” trị giá 4,5 tỉ euro.

Căng thẳng chuỗi cung ứng, EU nỗ lực tự chủ chip bán dẫn

Thiếu hụt chip toàn cầu được đánh giá là một trong những vấn nạn tồi tệ nhất trong suốt hai năm đại dịch Covid-19 hoành hành, gây căng thẳng cho chuỗi cung ứng trong khi nhu cầu về thiết bị điện tử tăng cao. Do đó, châu Âu đã quyết tâm loại bỏ dần sự phụ thuộc vào châu Á, Mỹ về chất bán dẫn.

Để đạt được điều này, Ủy ban châu Âu, cơ quan điều hành của EU, đã công bố Đạo luật chip châu Âu mới vào tháng trước, hỗ trợ thêm vào đầu tư công và tư nhân thêm một khoản 15 tỉ euro cho đến năm 2030. Trước đó, một khoản 30 tỉ euro được rót vào đầu tư công đã được ban hành.

“Đạo luật chip của EU sẽ trao quyền cho các công ty tư nhân và chính phủ làm việc cùng nhau để nâng cao vị thế của châu Âu trong lĩnh vực bán dẫn”, Giám đốc điều hành Intel, ông Pat Gelsinger, nhận định trong một tuyên bố. "Sáng kiến rộng rãi này sẽ thúc đẩy sự đổi mới trong R&D của châu Âu, mang lại sản xuất tiên tiến hàng đầu trong khu vực vì lợi ích của khách hàng và đối tác của chúng tôi trên toàn thế giới. Chúng tôi cam kết đóng một vai trò thiết yếu trong việc định hình tương lai kỹ thuật số của châu Âu trong nhiều thập niên tới”, ông Gelsinger cho biết thêm.

Theo The Financial Times, Đức cam kết sẽ hỗ trợ hàng tỉ euro vào công nghiệp bán dẫn như một giải pháp để thu hút sự đầu tư. Trước Intel, TSMC đã thảo luận cùng Đức để xây dựng nhà máy sản xuất chip tại nước này.

Do đó, việc Intel đầu tư vào EU, đặc biệt là Đức, trong bối cảnh hiện nay được nhận định là một bước ngoặt lớn trong phát triển, cân bằng chuỗi cung ứng chip toàn cầu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.