Internet Việt Nam 'đi đâu' khi cả 5 tuyến cáp biển cùng lỗi?

21/02/2023 16:40 GMT+7

Để đảm bảo lưu lượng internet khi các tuyến cáp quang biển liên tiếp gặp sự cố, nhà cung cấp dịch vụ tại Việt Nam buộc phải định tuyến theo lối khác.

Chiều 21.2, nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) tại Việt Nam thông báo tuyến cáp quang biển SMW3 gặp sự cố đoạn S2.7, nâng tổng số tuyến cáp gặp sự cố hiện tại lên con số 5. Theo đại diện VNPT, tuyến cáp gần 25 năm tuổi gặp lỗi không gây ảnh hưởng đến chất lượng của internet do trước đó đơn vị đã chủ động phương án sau khi 4 tuyến cáp gồm AAG, IA, APG, AAE-1 liên tiếp trục trặc.

Internet Việt Nam ‘đi đâu’ khi cả 5 tuyến cáp biển cùng lỗi - Ảnh 1.

Cáp quang biển vẫn là "sợi dây" chính kết nối internet Việt Nam đi quốc tế

Chụp màn hình

Hiện tại, người dùng internet Việt Nam kết nối với thế giới qua 3 con đường chính: cáp quang biển, cáp đất liền và internet vệ tinh. Nhưng cáp quang biển là lối chính khi chiếm 99% lưu lượng thông tin. Kết nối vệ tinh chỉ dành cho các khu vực khó tiếp cận, không thuận tiện để triển khai hạ tầng. Còn tuyến cáp đất liền có nhiệm vụ chính là phục vụ khách hàng có nhu cầu kết nối cao, thuê kênh riêng nhưng thời gian qua thường xuyên trở thành "phương án B" khi cáp quang biển gặp trục trặc.

Cụ thể để đối phó với sự cố, từ nhiều năm qua, nhà mạng trong nước đã định tuyến internet theo các tuyến cáp trên đất liền. "Để khắc phục sự cố cáp quang biển liên tục đứt, chúng tôi tích cực ứng cứu bổ sung kênh cáp đất liền và triển khai nhiều giải pháp san tải lưu lượng giữa các hướng kết nối và dịch vụ, ưu tiên lưu lượng theo khung giờ", đại diện một ISP chia sẻ.

Trong đó, tuyến đất liền phổ biến nhất là theo hướng kết nối với Trung Quốc đến Hồng Kông. Ngoài ra, các tuyến đất liền theo hướng qua Campuchia, Thái Lan đến Singapore cũng được sử dụng để san tải, đảm bảo lưu lượng và kết nối trong nước đi quốc tế.

Thông tin từ một ISP cho hay với số lượng sự cố trung bình mỗi năm cao, tốn thời gian khắc phục thì các nhà mạng luôn phải duy trì hoạt động ở tuyến dự phòng, dẫn đến kém hiệu quả về mặt chi phí cũng như lực lượng vận hành. Khi có sự cố xảy ra, doanh nghiệp sử dụng hạ tầng ứng cứu qua hệ thống cáp trên đất liền. Nhưng như đã đề cập, tuyến này ưu tiên cho các kênh thuê riêng, cùng với đó là kết nối mạng viễn thông di động (3G, 4G).

Theo kế hoạch, ISP sẽ khai thác thêm 2 tuyến cáp quang biển nhằm tăng số lượng, đồng thời tuyến SMW3 sẽ "nghỉ hưu" do tới thời hạn khuyến nghị 25 năm. Sự xuất hiện của 2 tuyến mới được kỳ vọng giải quyết căn bản khả năng dự phòng cho nhà mạng. Trong khoảng 5 năm tới, các chuyên gia nhận định Việt Nam có thể cần tới 2 - 3 tuyến cáp quang biển để đáp ứng được nhu cầu kết nối khi các dự báo đều cho thấy tiềm năng tăng 30 - 50% lưu lượng truy cập mạng quốc tế mỗi năm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.