IPCS ra mắt trang thông tin điện tử xúc tiến đầu tư

15/04/2021 17:12 GMT+7

Ngày 15.4, Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía nam (IPCS), Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chính thức ra mắt trang thông tin điện tử về xúc tiến đầu tư https://ipcs.mpi.gov.vn.

Đây là công cụ số trong hoạt động xúc tiến đầu tư, trang thông tin này được định hướng là trung tâm dữ liệu về đầu tư phục vụ cho 21 tỉnh thành phía nam, các bài viết song ngữ vừa tiếng Việt vừa tiếng Anh. Trang thông tin sẽ cung cấp các thông tin cơ sở dữ liệu FDI, tình hình đầu tư vào và ra của Việt Nam nói chung; thuộc khu vực phía nam nói riêng theo từng tháng, từng quý và từng năm; hoạt động đầu tư và chương trình xúc tiến đầu tư của các địa phương….
Năm 2020, tổng vốn đăng ký đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt 28,53 tỉ USD. Tính hết quý 1/2021, tổng vốn đăng ký ĐTNN đạt 10,13 tỉ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2020, riêng các tỉnh thành phía nam đã chiếm tỷ trọng gần 52% trên tổng vốn đăng ký ĐTNN của cả nước. Kết quả này là một phần không nhỏ từ việc gia tăng công tác xúc tiến đầu tư “online” trong thời gian qua, thường xuyên sử dụng phương tiện điện tử để cung cấp thông tin, duy trì các hoạt động đối thoại, họp trực tuyến với nhà đầu tư, giải quyết các vướng mắc và tổ chức hội nghi xúc tiến đầu tư trực tuyến.
Nhiều doanh nghiệp đã chia sẻ thông tin trên trang điện tử của IPCS để thực hiện hoặc hỗ trợ các hoạt động đầu tư, cụ thể là ngân hàng UOB Việt Nam, thành viên của ngân hàng United Overseas Bank (Singapore) là đã tích cực thúc đẩy hoạt động ĐTNN vào Việt Nam trong gần 30 năm qua.
Ông Harry Loh - Tổng giám đốc UOB Việt Nam cho biết: “Kể từ khi ký thỏa thuận hợp tác với Cục Đầu tư nước ngoài (FIA) năm 2015, UOB đã hỗ trợ thúc đẩy các khoản đầu tư trị giá 2,35 tỉ USD từ hơn 150 công ty vào Việt Nam, tạo ra 17.000 việc làm. Là đối tác của IPCS, UOB sẽ cung cấp thông tin về thị trường cũng như các lĩnh vực kinh tế. Ngân hàng cũng sẽ tư vấn cho các nhà đầu tư triển vọng về chiến lược gia nhập thị trường. Với việc ký kết hàng loạt thỏa thuận tự do thương mại giữa Việt Nam và các nước và khu vực (như RCEP và EVFTA), luồng thương mại, sản xuất và chuỗi cung ứng sẽ dịch chuyển sang Việt Nam, kéo theo sự phát triển của nhiều ngành phụ trợ cũng như giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam tiến lên trong chuỗi giá trị. Trong những năm qua, chúng tôi đã giúp 60 doanh nghiệp Việt Nam mở rộng ra nước ngoài, phần lớn là sang Singapore”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.