Theo Digitimes, Apple được cho là đã bắt đầu tự cung cấp chip nhớ QLC (Quad Level Cell) NAND cho thế hệ smartphone tiếp theo của họ nhằm mang đến mức dung lượng lưu trữ lớn (từ 1 TB trở lên) cho một số iPhone 16 nhất định với mức giá dễ tiếp cận hơn so với trước đây. Điều này có thể mang đến lợi ích nhằm khuyến khích một bộ phận lớn người dùng sẵn sàng chuyển sang iPhone 16.
Mặc dù vậy, giải pháp sử dụng bộ nhớ QLC NAND cũng mang đến một số nhược điểm liên quan đến công nghệ QLC và các hạn chế kỹ thuật của nó. Như Wccftech đã chỉ ra, bộ nhớ QLC có nhược điểm là có khả năng chống chịu kém hơn bộ nhớ TLC, dẫn đến kém tin cậy hơn về lâu dài. Nó có số chu kỳ đọc thấp hơn so với đối thủ cũng như tốc độ truyền thấp hơn. Nếu iPhone 16 được trang bị bộ nhớ QLC, ít nhất một phần, điều này có thể khiến chúng chậm hơn một chút so với iPhone 15 có dung lượng lưu trữ tương đương.
Ưu điểm của công nghệ QLC là cho phép sử dụng 4 bit dữ liệu trên mỗi ô nhớ thay vì 3, do đó trên định dạng chip tương tự như bộ nhớ TLC, công nghệ QLC có thể cung cấp nhiều dung lượng lưu trữ hơn trong khi chi phí sản xuất ít tốn kém. Tuy nhiên, bất chấp hạn chế kép này, nhiều nhà sản xuất khác đã thường xuyên áp dụng công nghệ QLC để nâng cao không gian lưu trữ trên thiết bị của mình.
Một lưu ý cần biết rằng, Apple từng được đồn đại sẽ sử dụng bộ nhớ QLC cho iPhone 14 vào năm 2022, nhưng do dòng sản phẩm này giới hạn tối đa 1 TB dung lượng lưu trữ nên Apple dừng kế hoạch chuyển đổi này. Điều tương tự cũng xảy ra vào năm ngoái. Nhưng với iPhone 16, chúng có thể là dòng iPhone đầu tiên có bộ nhớ trong trên 1 TB nhờ áp dụng công nghệ bộ nhớ QLC.
Bình luận (0)